Vùng bị nhiễm mặn trên 3‰ tuyệt đối không xuống giống

Cập nhật, 08:39, Thứ Ba, 01/03/2016 (GMT+7)

Đó là khuyến cáo của Cục Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông quốc gia trước tình hình nước mặn đang xâm nhập sâu vào nội đồng.

Theo đó, đối với trà lúa Đông Xuân muộn đang ở giai đoạn làm đòng đến trổ, vùng nhiễm mặn trên 3‰ tranh thủ thời gian có nước ngọt bơm vào các kinh mương và tưới cho lúa.

Vùng nhiễm mặn dưới 3‰ ngoài tích nước ngọt rửa mặn còn tranh thủ nguồn nước ngọt để tưới, đặc biệt vào giai đoạn lúa trổ. Phun một số loại phân bón lá, chế phẩm tăng cường khả năng chống chịu mặn như: KNO3 (10g/1 lít nước); Brassinosteroid (Comcat 150WP, Nyro 0,01 N, Super Humic, Dexamone...).

Trong vụ lúa Hè Thu, vùng bị nhiễm mặn trên 3‰ tuyệt đối không xuống giống. Vùng nhiễm mặn dưới 3‰ có thể xuống giống nhưng nên sử dụng các giống ngắn ngày chịu mặn như: OM5451; OM2517; OM6976; OM6162; OM9921; GKG1; OM 6677.

Đối với cây ăn quả, khi có nguy cơ nhiễm mặn, chủ động sử dụng tối đa nguồn vật liệu hữu cơ (rơm rạ, cỏ khô, lá khô, lục bình…) phủ gốc để giữ ẩm cho cây. Khi đã bị nhiễm mặn, bón bổ sung phân kali sun phát (K2SO4), vôi bột lượng 500- 1.000 kg/ha.

Nếu hạn, mặn kéo dài phun thêm phân bón lá và chế phẩm tăng cường khả năng chống chịu mặn như KNO3 (10 g/1 lít nước); Brassinosteroid (Comcat 150WP, Nyro 0,01 N, Super Humic, Dexamone...). Đặc biệt lưu ý không tưới nước cho cây trồng có độ mặn trên 2‰, bởi rất dễ gây chết cây.

HOÀNG MINH