ĐBSCL khẩn cấp ứng phó hạn, mặn

Kỳ 3: Vĩnh Long- mặn chưa từng có

Cập nhật, 05:38, Thứ Năm, 25/02/2016 (GMT+7)

 “Mặn chưa từng có”- đó là cảm nhận của rất nhiều người dân ở một số xã thuộc huyện Vũng Liêm và vàm Mang Thít, khi bất ngờ “nước mặn không nuốt nổi, tưới cây quéo đọt, lúa bị sựng…” Bất ngờ vì Vĩnh Long không hề giáp biển và quanh năm nước ngọt, nhưng năm nay mới đầu mùa khô “nước ngọt đã chuyển mặn”.

Vừa qua, Vĩnh Long phải hứng chịu đợt xâm nhập với độ mặn cao nhất tại cống Nàng Âm- Vũng Liêm đo được lên đến 9,6‰. Nước mặn đã ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh. Nước mặn đến nỗi “không thể nấu ăn, pha trà”- chuyện chưa từng có ở một số nơi mà trước nay không phải lo thiếu nước ngọt.

Vườn tắc của ông Nguyễn Chí Lập (ở cồn Thanh Long- Vũng Liêm) chết đứng do ngập nước và xâm nhập mặn.
Vườn tắc của ông Nguyễn Chí Lập (ở cồn Thanh Long- Vũng Liêm) chết đứng do ngập nước và xâm nhập mặn.

Mặn đến nỗi… không thể nấu ăn

Tết này có thể nói là cái tết khó quên của người dân ở cồn Thanh Long (ấp Phước Lý Nhì, xã Quới Thiện- Vũng Liêm) bởi đó là những ngày người dân và chính quyền địa phương phải be bờ, đắp đê chống sạt lở.

Trong khoảng 10 ngày, đê bao cồn Thanh Long đã xảy ra 2 lần sạt lở với tổng chiều dài 50m, rộng 3m. Nước tràn gây ảnh hưởng 36 hộ dân có canh tác trong khu vực, trong đó có 11 hộ đang sinh sống với 17ha vườn cây ăn trái.

Ông Điều Công Khanh- người dân sống tại cồn Thanh Long- cho biết sau 2 lần sạt lở đê bao, vườn cây ăn trái của ông và những hộ lân cận ngâm nước gần một tuần lễ, khiến nhiều diện tích bưởi da xanh, sầu riêng, tứ quý, đu đủ bị chết. Chưa hết, đợt sạt lở lần 2 vào 29 tháng Chạp, vườn cây ăn trái nơi đây còn hứng chịu đợt xâm nhập mặn với độ mặn khá cao nên “nếu cây trái nào còn sống sót cũng bị giảm năng suất”.

Triều cường kèm xâm nhập mặn cũng đã khiến cho nhu cầu nước sinh hoạt của người dân gặp khó. Nguồn nước mặt khi nấu ăn “mặn lơ lớ nên chỉ có thể dùng để tắm giặt, còn ăn uống thì phải mua nước bình”. Ngoài sông thì đầy nước nhưng nhiễm mặn không dùng được. Để có nước ngọt, người dân nơi đây có lúc phải tìm đến ao nước tù (mà trước đây được đào để nuôi cá nay đã bỏ không), để mang về sử dụng.

Theo Đài Khí tượng- Thủy văn khu vực Nam Bộ, mực nước thượng nguồn sông Mekong tiếp tục xuống nhanh. Trên hệ thống sông Cửu Long, độ mặn cao nhất có khả năng xuất hiện trong tháng 3/2016, ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn độ mặn cao nhất của mùa khô năm 2004- 2005. Lượng mưa đến tháng 4/2016 có khả năng ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 20- 40%.

Ông Nguyễn Văn Phát (Tổ 5, ấp Phong Thới- thị trấn Vũng Liêm) cũng cho hay, “đợt mặn vừa qua nước đem nấu cơm mặn không nuốt nổi, pha trà cũng không thể uống được. Trước tới giờ ở đây đâu có chuyện như vậy”.

Báo cáo của Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vũng Liêm, xâm nhập mặn làm ngẹn đòng 3ha lúa đang giai đoạn trổ ở ấp Rạch Trúc (thị trấn Vũng Liêm) do nằm ngoài bờ vùng. Độ mặn cao nhất đo được vào ngày 8/2 tại cống Nàng Âm lên đến 9,6‰. Trong thời điểm mặn xâm nhập, cống Nàng Âm và các cống nhỏ ở các xã: Trung Thành Tây, Quới An, Trung Thành Đông, thị trấn Vũng Liêm, Trung Thành, Trung Ngãi, Trung Nghĩa, Trung Hiệp, Trung Hiếu đã đóng không cho mặn xâm nhập sâu vào nội đồng.

Đợt xâm nhập mặn trong tháng đã làm ảnh hưởng một số vùng sản xuất lúa ở các xã Trung Thành Tây, Quới An, Trung Thành Đông và thị trấn Vũng Liêm. Trong khi vụ lúa Hè Thu sớm tại các địa phương này đang giai đoạn đẻ nhánh và đòng trổ cần nước vào để bón phân. Do đó, việc đóng cống ngăn mặn lại gây thiếu nước, nhiều khả năng sẽ làm giảm năng suất lúa.

Theo ông Hồ Công Nguyên- Phó Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm, đợt xâm nhập mặn vừa qua toàn huyện có 15 xã chịu ảnh hưởng, trong đó có 8 xã bị tác động trực tiếp với khoảng 4.000ha. Toàn huyện cũng có 1.500ha lúa Hè Thu sớm trên địa bàn 5 xã bị mặn đe dọa.

Cái khó hiện nay là khi mặn xâm nhập thì phải đóng các cống để ngăn mặn, trong đó cống Nàng Âm (xã Trung Thành Đông) giữ vai trò rất quan trọng để bảo vệ nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt trước sự tấn công của xâm nhập mặn.

“Ngặt nỗi, đóng cống Nàng Âm trong khoảng 10 ngày trở đi là nguồn nước sẽ bị ô nhiễm và thiếu hụt, nước đã qua xử lý cũng không thể sử dụng được. Do đó, để vừa ngăn được mặn, vừa đảm bảo đủ nước là việc không dễ, đòi hỏi phải điều tiết việc đóng mở cống này thật hợp lý trên cơ sở theo dõi đo mặn chặt chẽ”- ông Hồ Công Nguyên lo ngại.

Còn tại huyện Trà Ôn, theo Phòng Nông nghiệp- PTNT, từ ngày 7- 13/2 (29 tháng Chạp đến ngày mùng 6 tháng Giêng), mặn xuất hiện tại khu vực từ vàm Tân Dinh, xã Tích Thiện đến thị trấn Trà Ôn. Độ mặn cao nhất vào ngày 29 tết tại vàm Tân Dinh là 3,4 ‰, vàm Mương Điều 1,7‰ và độ mặn giảm dần đến ngày mùng 6 tết tại vàm Tân Dinh là 0,4‰.

Cấp bách chống hạn, mặn

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra tại trạm cấp nước Vũng Liêm.
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra tại trạm cấp nước Vũng Liêm.

Năm nay, lần đầu tiên huyện Mang Thít chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Ông Trương Thanh Sơn- Phó Chủ tịch UBND xã Chánh An (Mang Thít) cho biết: Đợt xâm nhập mặn vừa qua, trên địa bàn xã có 1 hộ dân trồng sầu riêng với 1,2ha đang cho trái thì bị rụng, thiệt hại 80% năng suất; 0,5ha lúa bị thiệt hại 90%.

Có khoảng 3 công đất nông dân xạ lúa được hơn 20 ngày nhưng bị ảnh hưởng, dân phải bỏ lúa xới lại, một số diện tích rau màu bị ảnh hưởng nhẹ. Hiện xã đã cho đóng các cống để tránh nước mặn tràn vào ruộng đồng.

Theo ông Trương Tấn Được- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Mang Thít, đây là lần đầu tiên Mang Thít bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn. Tình trạng này ảnh hưởng đến 6 xã trong huyện. Trong đó, Chánh An, An Phước độ mặn đo được cao nhất đến 6‰.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Trần Hoàng Tựu cho biết, để phục vụ phòng chống hạn, mặn, tỉnh có kế hoạch đầu tư khoảng 80 tỷ đồng để triển khai thực hiện 87 công trình thủy lợi như nạo vét kinh tạo nguồn, kinh rạch nội đồng, tu sửa cống.

Phòng đã chỉ đạo thông báo rộng rãi đến người dân để ứng phó không tưới cây và cho đóng cửa cống. Tuy nhiên, ở xã Chánh An có 5 công trồng sầu riêng đang cho trái nhỏ bị ảnh hưởng nước mặn nên rụng trái, một số diện tích hoa màu do tưới phải nước nhiễm mặn nên quéo đọt, lúa bị sựng. 

Theo đánh giá bước đầu, tình trạng xâm nhập mặn ở huyện xảy ra ở mức độ nhẹ. Huyện đã kịp thời đưa ra những giải pháp khắc phục để đảm bảo nhu cầu sinh hoạt, sản xuất cho người dân.

Diện tích chịu ảnh hưởng biên mặn từ 2- 5‰ của 2 huyện Vũng Liêm, Trà Ôn rộng khoảng 22.000- 23.600ha. Vũng Liêm là huyện chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt xâm nhập mặn vừa qua.

Mặn gây thiếu nước cho cả sản xuất và sinh hoạt. Khi độ mặn sông Cổ Chiên tại Vũng Liêm lên 2- 3‰, các cống ngăn mặn đóng có khả năng trên 13.000ha lúa Hè Thu ở đây thiếu nước, không thể tưới tự chảy do mực nước kinh, rạch
xuống thấp.

Ông Hồ Công Nguyên cho biết huyện đã ứng vốn nạo vét 6 tuyến kinh, đề nghị tỉnh hỗ trợ nạo vét 10 tuyến kinh, bên cạnh vận động nhân dân tích cực làm thủy lợi nội đồng.

Ông Trần Hoàng Tựu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, vấn đề cấp bách hiện nay là các địa phương phải xác định cụ thể diện tích, số hộ, nhân khẩu chịu ảnh hưởng và đưa ra giải pháp giải quyết kịp thời. Để chủ động ứng phó với xâm nhập mặn thì địa phương cần bố trí sản xuất cho phù hợp, chuyển đổi những diện tích sản xuất 3 vụ lúa có nguy cơ cao sang sản xuất 2 vụ lúa, hoặc chuyển đổi sang các loại cây trồng khác tiết kiệm nước. Bên cạnh việc triển khai các biện pháp công trình: nạo vét kinh tạo nguồn, thủy lợi nội đồng, tu sửa cống, cung cấp nước sạch,… thì công tác vận động tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, chủ động tích cực cùng chính quyền địa phương phòng chống thiếu nước, xâm nhập mặn như việc trữ nước ngọt dự phòng các đợt xâm nhập mặn tiếp theo.

Toàn tỉnh hiện có 26.315 hộ ở nông thôn chưa sử dụng nước máy tập trung, hộ ở trong nội đồng xa kinh, rạch lớn sẽ gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt do nguồn nước bị cạn kiệt và bị ô nhiễm, xâm nhập mặn. 26.000 hộ dân của tỉnh có thể sử dụng nguồn nước bị nhiễm mặn 4‰ gồm 7 xã ven sông và cù lao trên sông Cổ Chiên (Vũng Liêm) và 4 xã ven sông Hậu (Trà Ôn).

Thời gian qua, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh kiểm tra, rà soát các trạm cấp nước trên địa bàn 2 huyện để có kế hoạch duy tu, sửa chữa và vận hành, đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trong trường hợp xảy ra hạn, mặn.

Kỳ cuối: Cần giải pháp “cứng” và định hướng “sống chung hạn, mặn”

Bài, ảnh: NHÓM PV KINH TẾ