Hướng đi nào cho mô hình trồng xen ca cao ?

Cập nhật, 15:47, Thứ Năm, 03/03/2016 (GMT+7)

Trồng xen canh là giải pháp được các nhà vườn, nhà khoa học khuyến cáo và chọn để tăng thu nhập trên cùng một diện tích đất. Trong các loại cây được đưa vào trồng xen thì ca cao là loại cây được xem là phù hợp và mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, gần đây mô hình này đã bị người dân “tẩy chay” vì nhiều lý do.

Cây trồng có hiệu quả

“Trồng ca cao dưới tán dừa, vườn cây lâu năm bên cạnh lợi ích trong nâng cao thu nhập cho nông dân, còn giúp phát triển một mô hình xanh”, đó là nhận định của ông Đào Văn Phê, ở ấp Sơn Phú 1, xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy. Ông Phê đang sở hữu trên 1.000 cây ca cao trồng xen trong vườn dừa.

Qua 3 năm thu trái, cây ca cao cho ông thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm từ việc bán trái tươi. Chăm sóc thì rất nhàn, chỉ cần bón phân một lần vào mùa mưa, cắt tỉa cành sau khi thu hoạch là được.

Hiện nay, còn rất ít hộ như ông Mai Văn Dữ vẫn giữ lại diện tích trồng ca cao.
Hiện nay, còn rất ít hộ như ông Mai Văn Dữ vẫn giữ lại diện tích trồng ca cao.

Đối với ông Mai Văn Dữ, ở ấp Tân Long A, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, hiện vẫn tiếp tục duy trì diện tích ca cao trồng xen vườn dừa hơn 5 năm nay. Ông Dữ cho rằng, cây này dễ chăm sóc, ít tốn chi phí phân bón.

Nhờ học được cách ủ trái theo phương pháp mới nên ông Dữ đã áp dụng để tập hợp số lượng ca cao nhiều hơn mới bán nhằm tiết kiệm chi phí chuyên chở. Vả lại, ủ và bán hạt khô sẽ có giá cao hơn so với bán trái tươi nên ông Dữ cũng thu lời nhiều hơn. Hiện nay, vườn ca cao trồng xen là loại cây giúp ông Dữ có đồng ra đồng vào để “dưỡng già” lúc tuổi xế chiều.

Nông dân vẫn chặt bỏ

Ca cao trồng xen vườn cây lâu năm vẫn cho trái dù không cần chăm sóc, bón nhiều phân. Nhiều nông dân không phủ nhận năng suất của ca cao nhưng vẫn quyết định đốn bỏ để thay vào cây trồng khác. Trở lại vườn ca cao vốn lớn nhất tỉnh của ông Võ Văn Khải, ở ấp Hòa Long B, thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp, mới thấy ngậm ngùi.

Cách đây 3 năm, vườn sầu riêng xen ca cao của ông được xem là mô hình trình diễn cho bà con xung quanh học hỏi kinh nghiệm, nhưng đến cuối năm 2014, ông Khải đã đốn bỏ hết 3.800 cây ca cao. Ông Khải cho biết: “Theo tôi thấy, giá thị trường ca cao mấy năm qua không nhích lên chút nào, thu nhập từ ca cao ngày càng thấp vì tán cây rậm, cây ít trái lại, một phần cũng làm ảnh hưởng đến sầu riêng và măng cụt”. Ông Khải đã thay vào đó là hơn 3.000 trụ gạch trồng hồ tiêu. Bởi theo ông, hồ tiêu không chiếm nhiều diện tích vì tán nhỏ, chỉ trồng quanh trụ mà thu nhập cao gấp nhiều lần so với ca cao.

Ba tháng trước, ông Mai Văn Sơn, ở ấp Phú Khởi, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, cũng chặt bỏ 200 cây ca cao xen vườn xoài. Ông Sơn chia sẻ: “Ca cao không bón phân nhiều mà vẫn cho trái dầy cây, nhưng mấy năm qua, tôi bán trái không được, thị trường ăn tươi rất ít, số lượng tiêu thụ không thấm vào đâu. Còn muốn bán phải vận chuyển xa mà số lượng trái không nhiều, giá bán chỉ từ 3.500-4.000 đồng/kg”.

Đầu ra của ca cao bấp bênh và thu nhập ngày càng thấp, trong khi năng suất và giá cam lại tăng cao đã thúc đẩy ông Sơn ra quyết định bỏ cây ca cao. Hiện nay, ông Sơn đã xen cây cam sành vào với hy vọng có nguồn thu nhập cao hơn.

Như vậy, nông dân Hậu Giang lại một lần nữa tái diễn điệp khúc trồng - chặt. Chỉ ở Phụng Hiệp, trong 2 năm gần đây, diện tích ca cao đã giảm hàng chục héc-ta. Thực tiễn cho thấy được nguyên nhân vì sao điệp khúc này lần nữa lặp lại, đó là do người dân luôn giữ suy nghĩ chạy theo phong trào.

Diện tích nhỏ lẻ, manh mún khiến việc tập kết trái, tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, có khi phải vận chuyển cả vài chục cây số mới đến được điểm thu mua. Với tâm lý muốn thu lời nhiều nên bà con nông dân thích trồng dày, lại so sánh năng suất, thu nhập với cây chính mặc dù đây chỉ là cây trồng phụ. 

Một nguyên nhân nữa cũng ảnh hưởng lớn đến việc duy trì diện tích ca cao hiện có của tỉnh là việc phát triển cây ca cao thời gian qua mang tính tự phát, “ăn theo” các dự án, trong khi khâu kỹ thuật, thu mua, sơ chế hạt (chủ yếu ở nông hộ) chưa chuyên nghiệp. Khi kết thúc dự án, không còn tài trợ, đầu ra bấp bênh khiến nhiều người dân nản chí. 

Thiết nghĩ, để phát triển cây ca cao bền vững, trước hết nhà vườn phải có quyết tâm và tính kiên trì. Riêng các nhà quản lý, doanh nghiệp cần chung tay hỗ trợ, thực hiện đồng bộ các giải pháp từ khâu nghiên cứu, tuyển chọn giống cho người trồng, chuyển giao kỹ thuật; liên kết đầu tư vùng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp với nông dân; xây dựng hình ảnh và thương hiệu ca cao Việt Nam nói chung, tỉnh Hậu Giang nói riêng để tăng sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu nông sản,…

Cách làm này, sẽ góp phần tránh việc nông dân chuyển đổi ồ ạt từ ca cao sang trồng cây có múi và một số loại cây ăn trái khác theo phong trào, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong tương lai.

Theo http://baohaugiang.com.vn/newsdetails/1D3FE1862AB/Huong_di_nao_cho_mo_hinh_trong_xen_ca_cao_.aspx