Để làm giàu bền vững với khoai lang

Kỳ 2: "Lên đời" nhờ khoai với củ

Cập nhật, 08:39, Thứ Hai, 17/05/2021 (GMT+7)

>> Kỳ 1: Khi tôi lớn lên đã thấy… khoai ngoài rẫy

Ở xứ rẫy Bình Tân, dường như ai cũng thuộc nằm lòng câu nói: “Sắm lu sắm hủ nhờ củ với khoai/ Cưới vợ cho thằng hai cũng nhờ khoai với củ” hay “Lai rai cũng nhờ khoai với củ/ Làm no đủ cũng nhờ củ với khoai”… Từ việc nhỏ đến việc lớn trong nhà cũng nhờ có “khoai lo”. Và cũng nhờ khoai mà không ít hộ gia đình đã “lên đời”.

 

Nông dân Bình Tân bên những ngôi nhà khang trang mọc lên nhờ khoai.
Nông dân Bình Tân bên những ngôi nhà khang trang mọc lên nhờ khoai.

Triệu phú, tỷ phú khoai

Đi sâu về các xã của huyện Bình Tân, những con đường bê tông hóa băng băng xuyên qua những cánh đồng. Ven các tuyến đường, những căn nhà bạc tỷ mọc lên ngày càng nhiều bên những luống rẫy xanh tươi, căng tràn sức sống.

Trong căn nhà tường khang trang, khoảng sân rộng với hàng chục cây mai vàng, ông Phan Ngọc Sáng (Bảy Sáng) ở ấp Tân Dương (xã Tân Thành) vui vẻ nói: “Cái nhà này là cái thứ 3 rồi, cũng nhờ khoai không đó”. Ông Bảy cho biết thêm, lúc ra riêng, cha mẹ cho 4 công đất, nhờ làm khoai có lời nên mua đất từ từ thành 40 công. Rồi nuôi con khôn lớn, học hành… “đủ mọi phương diện cũng nhờ khoai hết”. Với 40 công khoai, một năm cuốc 2 vụ thì ông Bảy “lời hơn 1 tỷ đồng”.

Bên cạnh trồng khoai mang lại lợi nhuận cho người trồng thì các công đoạn vun giồng, lựa khoai, cắt dây… đã hình thành những “tổ làm khoai chuyên nghiệp” ở xứ rẫy, cho thu nhập từ 150.000- 400.000 đ/người/ngày. Riêng xã Tân Thành có 3 tổ hội nghề nghiệp vun giồng, 7 tổ lựa khoai, 12 tổ cắt dây với trên 300 lao động. Chưa kể, nhiều người giàu lên nhờ làm thương lái, mở vựa thu mua khoai.

“Khoai tạo ra đủ thứ công ăn việc làm, ở xứ này người làm nghề gì cũng trồng khoai, ai có đất hay không có đất mà chịu khó mần ăn thì cũng khá”- ông Bảy Sáng nói. Vợ ông Bảy vui vẻ cho biết thêm: “Sấp nhỏ nhà tui đi cưới vợ cũng nhờ khoai hết. Con trai xứ khoai chuẩn bị sính lễ khá hậu hĩnh, 4- 5 cây vàng, nạp tài 40- 60 triệu đồng, rước dâu 10 mâm quả…”.

Còn ở xã Tân Hưng, gia đình ông Lê Thanh Phong (Năm Viễn)- ấp Hưng Lợi trồng khoai từ năm 1986. Trong căn nhà rộng 180m2 lát gạch men, tường ốp đá hoa cương khá đầy đủ nhiều tiện nghi, khoảng sân rộng trồng nhiều hoa kiểng xinh tươi, ông Năm Viễn bộc bạch: Nếu không trồng khoai thì chắc tui cất nhà này không nổi. Ở đây, có những căn nhà lúc trước ọp ẹp như cái chòi, giờ nhà mới liên tục mọc lên không biết đường ghé tìm nhà luôn. Giỏi nhất xã này phải kể tới cha con ông Tư Vuông nổi tiếng “trồng đâu trúng đó” nên xây được cơi ngơi trị giá hàng tỷ đồng… Ông Huỳnh Văn Bình- Cán bộ Nông nghiệp- địa chính xã Tân Hưng nhẩm tính: Toàn xã có 134 hộ trồng khoai, trong đó có khoảng 14 hộ là tỷ phú, khoảng 60% là triệu phú.

Trong bức tranh nông thôn nhiều màu sáng, ở phạm vi rộng hơn, ông Phùng Văn Phúc- Chuyên viên Phòng Nông nghiệp PTNT Bình Tân cho biết, toàn huyện có 5.330 hộ trồng khoai, trong đó có khoảng 40% là tỷ phú.

Làm giàu cho mình, góp phần xây dựng quê hương

19 tuổi, ông Bùi Văn Bưng- ấp Tân Long (xã Tân Lược) bắt đầu trồng khoai, đến nay ông đã 71 tuổi. Ông Bưng nhớ lại: “Vụ lúa mần để ăn, tới vụ khoai bán có tiền dư ra thì sắm sửa; tích lũy cho con học hành, mua đất đai, cất nhà hay “sanh phương làm ăn kiểu khác. Nhờ trồng khoai có lời, tui mua 70 công đất, mở cơ sở sản xuất bao bì và cơ sở nước đóng chai…”. Còn vợ ông Bưng “trìu mến”: “Nói nào ngay cây khoai nó giúp ích cho gia đình tui dữ lắm. 8 năm trước, tui đi Sài Gòn mổ tim cũng nhờ tiền bán khoai”.

Khoảng 10 năm trước, khi còn làm lái khoai, trong lần chở khoai lên Sài Gòn, ông tham quan cơ sở sản xuất bao bì của người bạn và chợt nghĩ: “Dưới xứ mình nhu cầu sử dụng bao đựng lúa, đựng khoai nhiều mà chưa có ai mở xưởng bao bì, hay là mình mở xưởng để bà con mua bao cho gần”. Nghĩ là làm, ông đưa người con út lên TP Hồ Chí Minh học nghề rồi về mở xưởng.

Vợ chồng ông Bùi Văn Bưng bên cơ sở sản xuất bao bì Thêm Phát.
Vợ chồng ông Bùi Văn Bưng bên cơ sở sản xuất bao bì Thêm Phát.

Cơ sở sản xuất bao bì Thêm Phát ra đời, “bắt mạch” đúng nhu cầu cần thiết của bà con quanh vùng, nhờ làm ăn hiệu quả nên từ 2 máy dệt ban đầu, đến nay đã “nở nồi” lên 20 máy, vốn đầu tư khoảng 1,2 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 20 lao động. Cứ 2 ngày, xưởng xuất đi 3- 4 tấn bao bì, chủ yếu bán cho là nông dân xứ rẫy Bình Tân và các vựa khoai ở TX Bình Minh.

Không dừng lại ở đó, nhận thấy lao động xứ rẫy cần lượng nước lớn mang ra đồng hàng ngày, cũng như nhu cầu nước uống tại các hộ gia đình rất nhiều, ông Bưng mở Cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình Thêm Phát. Với giá đổi nước 6.000 đ/bình 20 lít, “chủ yếu chia sớt nước uống giá rẻ cho bà con”.

“Khá lên từ điều kiện sống khó khăn, tui luôn mong ước làm có nhiều tiền để đóng góp cho xã hội”- nghĩ vậy nên nhiều năm nay, ông Bưng là một trong hộ tích cực đóng góp cùng địa phương gia cố đập, xây cầu, mở đường… Khi Nhà nước đầu tư xây dựng đường liên xã Tân Hưng- Tân Lược, ông hiến nửa công vườn xoài cát Hòa Lộc “để làm đường sá ngon lành cho bà con”. Năm 2014, ông Bưng là 1/63 nông dân Nông dân Việt Nam xuất sắc.

Ông Nguyễn Văn Tập- Chủ tịch UBND huyện Bình Tân, cho biết, ngành nông nghiệp đang “gánh” chỉ số phát triển kinh tế của Bình Tân. Trong đó, nhờ khoai mà khoảng 80% hộ ở Bình Tân đã vươn lên khá giàu. Qua đó, tích cực đóng góp cùng địa phương trong công tác huy động sức dân.

Thật vậy, đời sống người dân nâng cao đã tạo cơ hội thuận lợi cho Bình Tân trong xây dựng nông thôn mới, nhất là trong đóng góp xây dựng giao thông, thủy lợi... Hiện, Bình Tân có số xã NTM nâng cao nhiều nhất tỉnh (3 xã) và là đơn vị cấp huyện thứ 2 đang xây huyện đạt chuẩn NTM (sau TX Bình Minh).

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN- XUÂN TƯƠI

>> Kỳ 3: Trăn trở với khoai nơi bờ mương, luống rẫy