Để làm giàu bền vững với khoai lang

Kỳ 3: Những mùa khoai đầy trăn trở

Cập nhật, 19:50, Thứ Hai, 17/05/2021 (GMT+7)

>> Kỳ 1: Khi tôi lớn lên đã thấy… khoai ngoài rẫy

>> Kỳ 2: "Lên đời" nhờ khoai với củ

Thực tế, 90% sản lượng khoai lang xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, giá cả không ổn định, có những thời điểm khoai bị rớt giá, ứ đọng trên đồng… khiến người trồng lỗ lã, vướng nợ nần hay phá sản. Sự phấp phổng, nỗi lo âu vẫn hiển hiện mỗi khi bước vào một mùa khoai mới.

90% sản lượng khoai lang xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc, giá cả bấp bênh.
90% sản lượng khoai lang xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc, giá cả bấp bênh.

Nỗi ám ảnh mang tên “khoai rớt giá”

Lần giở cuốn sổ ghi chép, trong đó chi chít giá cả, tình hình “sức khỏe” của cây khoai lang sau những ngày thăm đồng, ông Lê Thanh Phong (Năm Viễn) ở ấp Hưng Lợi (xã Tân Hưng)- cộng tác viên khuyến nông xã nói: Giá khoai trồi sụt thất thường nên mỗi vụ trồng, bà con đều lo lắm”. Khoai năng suất bình quân 3,2- 3,3 tấn/ha, chi phí đầu tư đất thuê gần 20 triệu đồng/công, đất nhà 16 triệu đồng/công. Nếu năng suất đạt 40 tạ/công thì giá khoai cỡ 500.000 đ/tạ trở lên mới có lời.

Tuy nhiên, năm 2016- 2017, giá khoai tím Nhật chỉ còn 300.000đ/tạ suốt hơn 3 tháng nên người trồng khoai lỗ nặng. Riêng năm 2020, có thời điểm giá khoai tím Nhật giá 1,2- 1,3 triệu đồng/tạ- “nông dân phấn khởi có lời nhiều”, nhưng cũng có khi rớt xuống 200.000đ/tạ- “bà con điêu đứng”. Cũng theo ông Năm Viễn, chính vì giá cả bấp bênh, một số hộ mướn đất trồng khoai không hiệu quả nên bỏ đi Bình Dương. Ông Huỳnh Văn Bình- cán bộ nông nghiệp- địa chính xã Tân Hưng cho biết, năm 2020, xã có 1.700ha khoai lang, giảm 300ha so năm 2019 do nông dân lên vườn trồng cây ăn trái hoặc chuyển từ trồng 2 vụ khoai sang 1 khoai- 1 dưa.

Còn nhớ, khoảng cuối tháng 9/2018, thương lái thông báo ngừng mua khoai tím Nhật, nhiều doanh nghiệp, cơ sở thu mua khoai lang ở Bình Tân, TX Bình Minh cũng ngừng mua nên cảnh tượng trên đồng rất ảm đạm. Anh Đào Văn Hùng, Nguyễn Văn Thẳng và Huỳnh Văn Tư ở ấp Tân Mỹ (xã Tân Thành, Bình Tân) vừa là thương lái khoai vừa là người trồng khoai, khẩn trương đóng hàng chục tấn khoai xuất đi, vừa “lo sốt vó” 40 công khoai đã đặt cọc 80 triệu đồng, chắc phải bỏ. Trong khi đó, ruộng khoai của nhiều nông dân khác đã tới ngày thu hoạch nhưng chưa dỡ.

Dân vùng khoai kênh Mười Thới chưa quên năm 2018- khi “giá khoai tệ nhất”. Ông Nguyễn Hoàng Anh- Chủ tịch UBND xã Tân Thành nói, năm đó, khoai các loại đều rớt giá, riêng khoai tím Nhật còn 170.000- 180.000đ/tạ, thậm chí 80.000/tạ. May nhờ năng suất cao bù lại nên dân xứ rẫy không lỗ nhiều. Tuy nhiên, người địa phương đi xứ khác thuê đất trồng (như đi qua Nông trường Sông Hậu) thì lỗ nhiều, phải “bỏ của chạy lấy người”- ông Nguyễn Hoàng Anh nói.

Tìm cách vượt khó

Ông Nguyễn Văn Tập- Chủ tịch UBND huyện Bình Tân nói: do nông dân không quyết định được giá cả, trồng khoai lúc nào cũng trong tâm trạng lo lắng khoai rớt giá, lỗ lã, thương lái ngưng mua… nên chưa yên tâm sản xuất.

Từ ghi chép của ông Năm Viễn: “Bán chênh lệch nhau khoảng một tuần là có thể người lời cao, người thì lỗ nặng”. Cũng là câu chuyện của 2 nông dân ở xã Thành Đông (nay thuộc xã Tân Thành) rất đáng suy ngẫm khi cùng trồng khoai cặp ranh với nhau nhưng một hộ mua thêm đất, cất nhà khang trang, hộ còn lại- khó khăn, túng quẫn chỉ vì thu hoạch… cách nhau vài ngày. Trên thực tế, nông dân trồng khoai lang nhưng không định giá được sản phẩm do mình làm ra, thương lái cũng phải lao đao do ôm hàng, có người phải bán đất, bỏ đi xứ khác… là “chuyện dài” của khoai lang nhiều năm qua.

Ông Nguyễn Hoàng Anh cho biết, qua các cuộc hội họp, nông dân đều yêu cầu hỗ trợ cho khoai lang được xuất khẩu chính ngạch, trong khi địa phương vận động làm VietGAP thì dân chưa đồng thuận cao do còn ngán ngại. Hiện, toàn xã Tân Thành có 60ha trồng khoai lang VietGAP, dự kiến năm 2021 mở rộng thêm 50ha.

Theo ông Nguyễn Văn Tập, nông dân Bình Tân có nhiều kinh nghiệm cho năng suất cao tối đa và tự sản xuất được giống khoai. Đồng thời, còn có nhiều câu lạc bộ để nông dân trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng. Tuy nhiên, trong sản xuất, còn sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật liều lượng cao làm tăng chi phí và gây ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, thiếu hụt lao động vào các thời điểm tập trung như làm đất, gieo trồng, thu hoạch ngày càng nhiều cũng gây ảnh hưởng chất lượng củ khoai.

Ông Trương Thành Dãnh- Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho biết, hiện từ khâu sản xuất đến tiêu thụ khoai lang còn gặp khó. Cụ thể, nông dân trồng khoai lang theo cách truyền thống, sản xuất thủ công và còn mang tính tự phát, chưa áp dụng khoa học kỹ thật cao vào sản xuất. Vùng khoai được trồng với diện tích lớn, nhưng chưa có nhiều diện tích được đầu tư đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP nên muốn xuất khẩu sang thị trường tiên tiến thì chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn.

Sản lượng 350.000 tấn/năm nhưng chủ yếu bán sản phẩm thô sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch; chỉ rất ít sản lượng được qua sơ chế, đóng gói. Theo ông Trương Thành Dãnh, doanh nghiệp thu mua chế biến chiếm sản lượng lớn của vùng khoai là Công ty TNHH Đông Phát Food nhưng cũng chỉ tiêu thụ khoảng 12.000- 13.000 tấn/năm.

Mỗi vụ mùa mới, người trồng khoai lại canh cánh nỗi lo khoai rớt giá.
Mỗi vụ mùa mới, người trồng khoai lại canh cánh nỗi lo khoai rớt giá.

Cùng với đó, hiện giống khoai lang đầu dòng đang bị thoái hóa. Đồng thời, chưa có doanh nghiệp tham gia đầu tư, phối hợp, tạo thành chuỗi sản xuất nên việc trồng trọt, phân bổ mùa vụ, chú trọng chất lượng sản phẩm an toàn. Hơn nữa, “nhiều doanh nghiệp đến Bình Tân còn đặt vấn đề thay đổi cách thức sản xuất theo hướng sạch”- một vị lãnh đạo băn khoăn.

Ông Ngô Văn Tua- Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp- Dịch vụ Thành Đông (xã Thành Lợi) cho biết, những năm gầy đây, tiêu thụ sang thị trường Trung Quốc khá bấp bênh, cộng với ảnh hưởng của dịch COVID-19 từ năm 2020 càng khiến người trồng thấp thỏm lo rớt giá hoặc không bán được. Để người dân yên tâm sản xuất, cần sản xuất rải vụ, hướng đến tiêu thụ chính ngạch, có truy xuất nguồn gốc.

“… Không bỏ khoai”

Một số nông dân trồng khoai lâu năm ở Bình Tân cho biết, giá khoai khi lên khi xuống nhưng “lời thì nhiều, lỗ thì ít nên vẫn tiếp tục trồng khoai hoài”.

Theo ông Phùng Văn Phúc- Chuyên viên Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Bình Tân, những năm gần đây, giá khoai lang bấp bênh, người trồng khoai gặp rủi ro. Tuy nhiên, do nhận thấy giá trị kinh tế từ khoai mang lại vẫn cao hơn so với cây lúa và nhiều cây trồng khác nên nhiều nông dân “thua keo này bày keo khác” chứ không bỏ khoai.

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN- XUÂN TƯƠI

>> Kỳ cuối: Thúc đẩy liên kết, tiêu thụ nông sản