Hiệp định EVFTA cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Lấy thách thức làm đòn bẩy phát triển

Cập nhật, 05:41, Thứ Sáu, 26/06/2020 (GMT+7)

 

Doanh nghiệp cần tự chủ động đổi mới để cạnh tranh.
Doanh nghiệp cần tự chủ động đổi mới để cạnh tranh.

Nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) mở ra cơ hội lớn cho hàng hóa của Việt Nam nói chung và của Vĩnh Long nói riêng thâm nhập thị trường EU, nhưng kèm theo đó là những thách thức không nhỏ, đặc biệt là đối với các DN nhỏ và vừa.

Lắm cơ hội nhưng cũng đầy thách thức

Nhiều DN khẳng định rằng, việc phê chuẩn và thực thi hiệp định EVFTA có ý nghĩa rất quan trọng. Đây thực sự là một tin vui, tín hiệu tích cực, là đòn bẩy thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu và đầu tư trong bối cảnh nền kinh tế đang bị suy giảm và đối mặt với hàng loạt khó khăn do dịch COVID-19 gây ra.

Theo TS. Nguyễn Văn Thân- Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, việc ký kết và thông qua Hiệp định EVFTA là đánh dấu một cột mốc rất quan trọng trong chặng đường 30 năm phát triển quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU). 

Hiệp định EVFTA là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với những cam kết mạnh mẽ nhất của cả EU và Việt Nam về mở cửa thị trường và về các cải cách thủ tục, thể chế chính sách,…

Do vậy, đây có thể coi là một cơ hội rất lớn cho các DN Việt Nam khi phát triển thị trường xuất khẩu của mình sang EU và ở chiều ngược lại, các DN EU cũng có các cơ hội tương tự.

“Không chỉ vậy, hiệp định còn có lợi cho người tiêu dùng vì sẽ được đón nhận các sản phẩm rẻ hơn do được miễn thuế hải quan.

Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA mang đến cơ hội công ăn việc làm cho người lao động, thu hút thêm đầu tư từ các nước EU, đồng thời, tạo lợi thế cạnh tranh cho các DN khi tham gia vào các chuỗi cung ứng…”- ông Nguyễn Văn Thân cho biết thêm.

Ông Nguyễn Trung Kiên- Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh- cho biết: Đối với DN, đây sẽ là một điều kiện vô cùng thuận lợi, một sự đột phá mới, mở ra cơ hội rất lớn đối với các DN, tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn về giá hàng hóa xuất khẩu, nhất là các chính sách về thuế.

Tuy nhiên, để tham gia vào sân chơi lớn này là hết sức khó khăn, bởi các quy định, tiêu chuẩn khắt khe từ các thị trường khó tính.

Trong khi đó, phần lớn DN ở Vĩnh Long là siêu nhỏ, nhỏ và vừa nên khâu nắm bắt thông tin về nhu cầu của thị trường còn hạn chế. Đó là chưa kể, máy móc thiết bị sản xuất của không ít DN còn lạc hậu, chưa được đầu tư, chủ yếu làm bằng thủ công.

Bên cạnh những thách thức về các rào cản kỹ thuật, sức ép cạnh tranh với hàng hóa của EU, từ cạnh tranh nguồn lao động, thì hiện nay vẫn còn nhiều DN chưa được chuẩn bị kiến thức, kỹ năng đầy đủ về xuất khẩu hàng hóa sang EU.

Theo Sở Công thương tỉnh, Vĩnh Long có nhiều mặt hàng xuất khẩu tiềm năng, như: gạo, nông sản, thực phẩm chế biến,… Tuy nhiên còn vướng nhiều khâu muốn đi đến con đường “xuất ngoại”.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức khi Hiệp định EVFTA đi vào thực thi.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức khi Hiệp định EVFTA đi vào thực thi.

Đứng ở góc độ là DN nhỏ trong tỉnh, chủ một DN ở Phường 4 (TP Vĩnh Long) cho rằng: Đây là cơ hội lớn để DN có thể vươn mình, tuy nhiên, một số loại sản phẩm nông sản trên thực tế chưa có sức cạnh tranh với các sản phẩm hữu cơ các nước khác cùng khu vực, nguyên nhân chính vì giá thành sản phẩm hữu cơ Việt Nam còn cao, khâu chế biến, đa dạng hóa sản phẩm còn nhiều hạn chế cũng làm giảm giá trị gia tăng của sản phẩm.

Trong khi đó, hầu hết phải xuất khẩu dưới dạng sản phẩm sơ chế đóng trong bao bì lớn, không có thương hiệu nên giá rất thấp, người sản xuất kinh doanh chịu rất nhiều thua thiệt.

Cần thay đổi để thích ứng

Theo nhiều DN, EVFTA sẽ là một sân chơi thương mại giữa EU và Việt Nam và có tác động không nhỏ đối với sự tồn tại của các DN vì rất nhiều DN sẽ phải thay đổi và thậm chí một số DN có thể sẽ không tồn tại, nếu như không thay đổi và thích ứng kịp thời khi tham gia thực thi hiệp định.

Muốn thực thi một cách hiệu quả, theo ông Nguyễn Trung Kiên, các ngành chức năng có liên quan phải tuyên truyền sâu rộng đến cộng đồng DN về quyền lợi và nghĩa vụ khi hiệp định thực thi, nhất là các DN nhỏ và vừa.

Đồng thời, cần phải luôn đồng hành, tiếp cận, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của DN để có biện pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời. Bên cạnh đó, công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, gắn kết giữa thị trường trong nước với các nước cũng cần được quan tâm.

Trong đó, quan trọng hơn hết vẫn là sự chủ động, tự nỗ lực, nâng cao nhận thức của DN khi tham gia sân chơi lớn.

 “Thời gian tới, một trong những việc các DN cần làm ngay là đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm củng cố tính cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường EU.

Các DN cần chú trọng vấn đề vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý do EU quy định”- ông Nguyễn Trung Kiên cho hay.

TS. Nguyễn Văn Thân cũng nhận định rằng: “Đối với DN nhỏ và vừa, cần coi EVFTA là khởi đầu một chặng đường kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển.

 Đồng thời, cũng cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác của hiệp định để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn.

Đây cũng chính là cơ hội tốt để các DN Việt Nam tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu”.

Theo Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch- Đầu tư tỉnh), tính đến cuối tháng 5/2020, toàn tỉnh hiện có 2.820 DN đang hoạt động. Trong đó, có 1.955 DN siêu nhỏ, 674 DN nhỏ, 147 DN vừa và 44 DN lớn. Theo Nghị định 39/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ là DN có số lao động tham gia BHXH bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng. DN nhỏ có số lao động tham gia BHXH bình quân không quá 50 người và tổng doanh thu của năm không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 50 tỷ đồng. DN vừa có số lao động tham gia BHXH bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 300 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng.

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN