Nắng, hạn: Sản xuất rau màu gặp khó từ năng suất đến đầu ra

Cập nhật, 14:38, Thứ Sáu, 22/05/2020 (GMT+7)

Do nắng hạn kéo dài nên năng suất rau màu giảm, theo đó, diện tích gieo trồng cũng thu hẹp lại. Nhiều nông dân cho hay, rau màu thiếu nước tưới, sản lượng giảm, giá rau vụ này cũng bấp bênh.

Nắng nóng kéo dài, ảnh hưởng đến năng suất nhiều loại rau màu.
Nắng nóng kéo dài, ảnh hưởng đến năng suất nhiều loại rau màu.

Nắng nóng, năng suất giảm 30- 40%

Nhiều nông dân trồng màu cho hay, thời tiết nắng nóng kéo dài trong nhiều tuần qua đã ảnh hưởng đến sự phát triển, thậm chí làm hư hỏng nhiều loại rau màu, nhất là các loại chịu nhiệt kém.

Theo đó, nông dân cũng đã có nhiều biện pháp chống nóng, bảo vệ rau màu, từ tưới thường xuyên, ủ rơm, che lưới,… nhưng cũng không ăn thua mấy.

Tại xã Phước Hậu- vùng chuyên canh trồng màu, một số nông dân cho hay, dù vừa kết hợp tưới nước bằng máy lẫn phun sương nhưng cũng “làm không lại” nắng nóng.

Chú Trần Văn Hiền- Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Phước Hậu (ấp Phước Hanh, xã Phước Hậu- Long Hồ), cho hay, hiện nay diện tích xuống giống trồng màu toàn xã là 120ha với gần 20 chủng loại.

Khoảng nửa tháng trở lại đây, thời tiết nắng gắt ảnh hưởng đến sản xuất. Theo đó, nhiều loại rau màu bị thiệt hại, vì nắng quá cây con chịu không nổi.

Trong khi nhóm cây dài hạn như quế, tía tô, hẹ, rau thơm, diếp cá,… không bị ảnh hưởng nhiều thì các loại dễ mẫn cảm với thời tiết như ngò rí, xà lách, cần ô, cải ngọt,… nắng nóng quá chịu không nổi, sạ không lên, dù sạ đi sạ lại nhiều lần nhưng cũng không có kết quả, vì cây ra mầm không nổi, hoặc mới lú mầm là quéo đọt, thiệt hại khoảng 30ha.

Dự báo tình hình nắng nóng kéo dài như vầy thì vụ sạ tháng này vào tháng 6 thu hoạch sẽ giảm 30-40%, thậm chí 50% năng suất.

“Nhờ hệ thống đê bao thông thoáng nên không thiếu nước tưới, song nắng quá, tưới cũng không kịp cho cây. Tôi vừa kết hợp tưới máy vừa tưới hệ thống phun mà cũng “không lại” với thời tiết”- chú Hiền rầu rầu.

Nắng hạn kéo dài, nông dân thiếu nước tưới là tình trạng xảy ra tại Hợp tác xã Rau an toàn Thành Lợi (Bình Tân).

Chú Lê Văn Trung- Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Thành Lợi- cho biết, mùa này nắng hạn kéo nhiều hộ trồng màu thiếu nước tưới nên năng suất giảm 20- 30% so với năm trước. Đó là chưa kể, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, rau màu rớt giá nên không ít hộ nản không chăm sóc khiến rau màu cũng giảm sản lượng.

Vừa tưới 3,5 công trồng màu từ 8g sáng, anh Thái Thanh An (ấp Tân Quới, xã Tân Quới Trung, Vũng Liêm) cho hay: “Vụ này tôi trồng hơn 2.000 cây ớt và 3,5 công màu gồm các loại rau thơm, bắp cải.

 Tuy nhiên, do ảnh hưởng của hạn, mặn nên một số diện tích cũng bị thiệt hại, một số ớt bị quéo đọt do nhiễm mặn, rồi do đóng cống ngăn mặn nên một số loại rau màu thiếu nước dẫn đến giảm năng suất, chất lượng không như mong muốn. So với năm trước, vụ này chăm sóc cực hơn”.

Ông Dương Ái Đạo- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vũng Liêm- cho hay, trong tháng 3, thời tiết nắng hạn nên người dân hạn chế trồng màu. Theo đó, một số địa phương bị ảnh hưởng của hạn, mặn như Trung Thành, Trung Nghĩa, Trung Chánh cũng đã giảm diện tích, bên cạnh đó, do thiếu nước tưới nên năng suất cũng giảm hơn.

Từ tháng 3 đến nay diện tích màu xuống ruộng là 174ha. So với năm trước giảm 30- 40%. Năm rồi thời điểm này đã xuất hiện mưa, còn năm nay chưa thấy.

Đầu ra bấp bênh

Nắng nóng khiến năng suất giảm, nhiều nông dân kỳ vọng khi nguồn cung giảm thì giá sẽ tăng hơn. Song, trái lại, thời điểm này, giá một số loại rau màu cũng chỉ ở mức “bình bình”.

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, giá cả một số loại rau màu cũng giảm hơn so với năm trước, nguyên nhân một phần là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhu cầu tiêu thụ chậm.

Anh Thái Thanh An cho hay: “Ớt còn khoảng 1 tuần nữa là thu hoạch nhưng dọ giá ngoài chợ thấy còn “hiu” quá. Thấy nhiều nơi trồng ớt bị thiệt hại tính năm nay “ngon ăn” ai ngờ giá ngoài chợ cũng “hên xui” từng bữa”.

Trong khi đó, chú Trần Văn Hiền cũng chia sẻ, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên khoảng 2 tháng nay sức tiêu thụ giảm, chỉ mới phục hồi khoảng 1 tuần nay, nhưng cũng chỉ ở mức tiêu thụ khoảng hơn 100kg/ngày, đơn đặt hàng cũng chưa nhiều.

Nhiều người dự đoán thời tiết nắng hạn kéo dài, thì giá rau màu phải tăng hơn nhưng ngược lại giá thấp, khiến không ít hộ trồng không có lời, thậm chí lỗ bởi vừa tốn công chăm sóc, vừa mua hạt về gieo lại.

Hiện chỉ có một số mặt hàng tương đối khá giá như rau thơm, ngò rí, hành lá, còn nhóm rau cải chỉ ở mức trung bình, cải ngọt 6.000- 7.000 đ/kg, xà lách 9.000- 10.000 đ/kg. Giờ nhiều nông dân phải chờ thời tiết dịu lại giảm nhiệt độ mới dám xuống giống tiếp.

Sức tiêu thụ rau màu trong vài tháng nay chậm.
Sức tiêu thụ rau màu trong vài tháng nay chậm.

Anh Phạm Minh Triều- cán bộ nông nghiệp xã Tân Quới Trung (Vũng Liêm)- cho hay, từ đầu năm đến nay diện tích trồng màu toàn xã là 110ha.

Trong đó diện tích màu xuống ruộng khoảng 6,5ha chủ yếu là ớt, rau cải các loại. Xã cũng có một số nơi bị ảnh hưởng của hạn, mặn, bên cạnh một số diện tích rau màu thiếu nước tưới do khô hạn thì cũng có nhiều nông dân chủ động được nguồn nước tưới từ ao hồ nên không bị ảnh hưởng. So với vụ mưa thì rau màu vụ này ít bệnh hơn, tuy nhiên giá cả hiện nay cũng bấp bênh, không ổn định. 

Theo đó, địa phương cũng khuyến cáo người dân nên dự trữ tại ruộng để thường xuyên tưới ẩm cho rau màu trong thời điểm nắng nóng như hiện nay.

Ngoài ra, bà con sử dụng các biện pháp che phủ như căng lưới nilon, rơm rạ, lá khô trên mặt luống rau. Đặc biệt khuyến cáo bà con không tưới ướt rau vào thời gian cao điểm nắng nóng trong ngày để tránh cây rau bị bỏng, cháy lá.

Theo khuyến cáo của ngành chức năng, thời gian tới muốn trồng màu người dân cần chủ động nguồn nước, trữ nước trong kinh, ao, mương để phục vụ tưới tiêu, trong điều kiện khô hạn, chưa có mưa như hiện nay.

Đồng thời, cần chọn giống màu có nguồn gốc rõ ràng, ưu tiên chọn loại có khả năng chịu mặn tốt, khuyến cáo người dân thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết để chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó với nắng nóng bảo vệ cây trồng, đặc biệt là các loại rau màu.

Song song đó, người dân cũng nên đầu tư áp dụng các mô hình sản xuất theo hướng công nghệ cao như nhà lưới, hệ thống tưới, tiêu tự động, chế biến, bảo quản thực phẩm rau màu... nhằm hạn chế ảnh hưởng, tác động của thời tiết nắng nóng đến sản xuất, từ đó giảm thiểu thiệt hại, nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân.

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN