Nỗ lực phục hồi kinh tế

Cập nhật, 08:36, Thứ Năm, 21/05/2020 (GMT+7)

Theo Bộ Kế hoạch- Đầu tư (ĐT), uy tín và vị thế của Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao qua thành công từ công cuộc phòng chống đại dịch COVID-19. Đây là cơ hội vàng để thế giới biết tới Việt Nam với lợi thế đặc biệt về “sự tin cậy chiến lược”, là điểm đến ĐT an toàn và có lợi thế “đi trước một bước” trong công cuộc phục hồi nền kinh tế, thiết lập vị trí mới trên trường quốc tế.

Cùng với cả nước, tỉnh Vĩnh Long cũng đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ khắc phục sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phục hồi kinh tế.

Vĩnh Long nỗ lực cải thiện môi trường, thu hút đầu tư, kinh doanh sau khó khăn vừa qua.
Vĩnh Long nỗ lực cải thiện môi trường, thu hút đầu tư, kinh doanh sau khó khăn vừa qua.

Trong vùng xoáy ảnh hưởng

Báo cáo tại Hội nghị Thủ tướng gặp các DN sáng 9/5 vừa qua, Bộ trưởng Kế hoạch- ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, cùng chịu ảnh hưởng chung kinh tế thế giới, Việt Nam cũng không thể nằm ngoài vùng xoáy ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID- 19.

Trong 130.000 DN khảo sát thì tới 86% chịu ảnh hưởng tiêu cực và gần 58% DN giảm mạnh thị trường tiêu thụ. Doanh thu quý I/2020 của các DN giảm mạnh xuống còn 74,1% so cùng kỳ và dự kiến 4 tháng đầu năm sẽ tiếp tục giảm còn gần 70%.

Dù vậy, các DN vẫn phải gánh chịu các khoản phí hàng ngày như: chi trả lương cho người lao động, chi phí lãi vay, thuê mặt bằng… Theo quy mô, DN quy mô siêu nhỏ và nhỏ là 2 nhóm có sự sụt giảm doanh thu mạnh nhất, dự kiến quý I lần lượt chỉ đạt 59,9% và 61,4%.

Một trong những khó khăn lớn nhất của các DN hiện nay là thiếu vốn, đặc biệt là vốn lưu động. Có trên 45% số DN đang bị thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, trong đó khu vực DN nhà nước là nhóm có tỷ lệ bị thiếu hụt vốn cho sản xuất kinh doanh cao nhất với gần 50% số DN.

Từ khó khăn này, hiện có gần 30% DN áp dụng giải pháp cắt giảm lao động; trên 21% DN lao động nghỉ không lương và gần 19% DN giảm lương lao động. Nhiều DN ví “dòng tiền như là máu trong cơ thể, thiếu máu thì cơ thể không thể khỏe mạnh được”. Nên nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài và trầm trọng thì sẽ ảnh hưởng đến “sức sống” DN.

Tại Vĩnh Long, báo cáo của Sở Kế hoạch- ĐT cũng cho thấy, tác động kép từ hạn hán, xâm nhập mặn cùng đại dịch COVID- 19 đã tác động đến hầu hết lĩnh vực kinh tế- xã hội. Diện tích lúa vụ Đông Xuân giảm 5,1% (hơn 2.800ha) so cùng kỳ.

Nhiều loại nông sản chủ lực của tỉnh như cây ăn trái, rau màu, chăn nuôi đều giảm diện tích, quy mô và khó khăn về đầu ra. Khu vực công nghiệp được đánh giá chịu tác động lớn đến xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu nguyên liệu đầu vào khi khách hàng Châu Âu, Mỹ thông báo tạm ngừng, hoãn hoặc hủy các đơn hàng...

Từ những tác động trên, trong tháng 4 chỉ số toàn ngành công nghiệp (IIP) giảm 6,72% so tháng trước và 1,05% so cùng kỳ. Trong tháng, có 6 DN giải thể và 12 DN tạm ngưng hoạt động. Riêng trong các khu công nghiệp có 7 DN bị ảnh hưởng, trong đó có 2 DN thiếu nguyên liệu, thỏa thuận người lao động nghỉ tại nhà…

Về thu hút ĐT, chỉ có 1 dự án trong nước được cấp phép mới và không có dự án FDI. Sau 4 tháng, CPI giảm 1,61% thấp hơn tốc độ CPI cùng kỳ 2,75 điểm phần trăm.

Trong “nguy” có “cơ”

Với mục tiêu vừa chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế- xã hội, tỉnh Vĩnh Long đưa ra nhiều giải pháp hồi phục trong thời gian tới ở nhiều lĩnh vực.

Cụ thể, trên lĩnh vực nông nghiệp, các sở ngành tập trung cung cấp thông tin thị trường, hỗ trợ sản phẩm chủ lực của tỉnh tìm đầu ra; đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án thủy lợi giúp ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất. Đối với công nghiệp- xây dựng, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, giao đất sạch thực hiện các công trình ĐT công nhằm kích cầu, đóng góp tăng trưởng trong ngắn hạn, bù đắp các ngành khác bị sụt giảm…

Ông Phạm Tứ Phương- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương- cho biết, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường sẽ kỳ vọng vào tăng trưởng trong quý II và nửa cuối năm 2020.

Để có những hỗ trợ thiết thực cho DN, thời gian qua, Sở Công thương đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, dự báo nhu cầu của thị trường, tình hình xuất khẩu của các DN, tranh thủ đẩy mạnh xuất khẩu; đồng thời đề nghị các tổ chức tín dụng chủ động rà soát, kịp thời thực hiện giãn nợ, miễn giảm lãi vay cho DN.

Với thành công đạt được từ công cuộc phòng chống đại dịch COVID- 19, Bộ Kế hoạch- ĐT cho rằng uy tín và vị thế của Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Đây là cơ hội vàng để thế giới biết tới Việt Nam với lợi thế đặc biệt về “sự tin cậy chiến lược”. Bên cạnh, tác động đại dịch cũng tạo ra nhận thức mới, xu hướng chuyển dịch trong thị hiếu tiêu dùng, giao dịch thương mại mới trên nguyên tắc từ xa; DN có thể tập trung đổi mới trang thiết bị, công nghệ.

Doanh nghiệp Việt Nam đã rất chủ động có các giải pháp tự cứu mình.
Doanh nghiệp Việt Nam đã rất chủ động có các giải pháp tự cứu mình.

Để nhanh chóng phục hồi kinh tế, Bộ trưởng Kế hoạch- ĐT Nguyễn Chí Dũng đề xuất 7 giải pháp: phục hồi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gãy, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị mới; kích cầu phát triển thị trường nội địa; đẩy mạnh hoạt động quảng bá du lịch, xúc tiến thương mại, ĐT; đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh; nâng cao chất lượng hạ tầng, phát triển nhân lực, khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và thực hiện nhất quán cải cách thủ tục hành chính, môi trường ĐT kinh doanh.

“Về phía DN, tiếp tục nêu cao tinh thần dân tộc, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; chủ động đổi mới mô hình sản xuất, kinh doanh, tái cấu trúc DN, mở rộng thị trường tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tạo đà phát triển bền vững, bứt phá.”- Bộ trưởng Kế hoạch -ĐT Nguyễn Chí Dũng đề nghị.

Theo kết quả khảo sát gần đây, “DN Việt Nam đã rất chủ động có các giải pháp tự cứu mình”. Đáng mừng hơn, trong giai đoạn khó khăn, cộng đồng DN phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, chia sẻ khó khăn: khoảng 90% DN sẵn sàng giúp đỡ DN khác; trên 50% DN thực hiện giãn công nợ cho DN đối tác; gần 30% DN chia sẻ thị trường và nhiều DN chung vai chia sẻ với Chính phủ trong cuộc chiến chống đại dịch.

Bài, ảnh: HOÀNG MINH