Đổi mới tư duy trên đồng đất

Kỳ 2: Vun bồi tri thức để làm "doanh nhân nông nghiệp"

Cập nhật, 05:29, Thứ Bảy, 23/05/2020 (GMT+7)

“Nông dân không phải chỉ dãi nắng dầm mưa ngoài đồng ruộng mà cần phải có kiến thức, trình độ để khai thác tiềm năng nông nghiệp. Phải quyết định được số phận của sản phẩm do mình làm ra với giá hợp lý. Muốn làm được điều đó thì phải học…”- đó là “khái niệm” về nông dân của ông Nguyễn Trí Nghiệp (ấp Bình Thuận 1, xã Hòa Ninh- Long Hồ). Đó cũng là lý do ông nỗ lực học ngoại ngữ, 2 chuyên ngành đại học và trở thành doanh nhân trên lĩnh vực nông nghiệp.

Du khách trong và ngoài nước thích thú tham quan vườn cây giống của Công ty TNHH Nông trang Island.
Du khách trong và ngoài nước thích thú tham quan vườn cây giống của Công ty TNHH Nông trang Island.

Ra sức trau dồi chuyên môn, ngoại ngữ

Khi có đoàn công tác nước ngoài đến tham quan mô hình canh tác vườn hay các đợt tham gia hội chợ, đi xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài, ông Nguyễn Trí Nghiệp thường trực tiếp giới thiệu về mô hình; trao đổi, giải đáp các thắc mắc với người nước ngoài bằng tiếng Anh chứ không qua phiên dịch.

“Sinh ra và lớn lên trong thời chiến, thế hệ ông cha là “bần cố nông” nên cuộc sống vất vả lắm!”- ông Nguyễn Trí Nghiệp trải lòng và chia sẻ tiếp- “Việc học của tôi ngày xưa là cả ước mơ, kỳ vọng lớn của gia đình nhà quê nghèo khó.

Lúc đó, gia cảnh thiếu thốn trăm bề- trừ quyết tâm lo cho con ăn học của ông cha, bà mẹ thì luôn sẵn có. Với mong muốn “học để hiểu biết, để làm người”, những năm đầu cha tôi cõng tôi đi qua đoạn đường nước ngập gần 2 cây số để đến lớp học vỡ lòng của ông Bảy Thâu- người thầy khả kính đã dạy tôi những chữ nghĩa đầu tiên.

Sau đó, được học trường công cách nhà 7 cây số. Lội bộ băng qua mấy chục cây cầu khỉ, mùa khô thì đỡ, mưa lũ phải dò từng bước vì nước ngập quá gối. Thỉnh thoảng trượt té tập vở ướt sũng và phải chịu lạnh đến khi quần áo ráo nước…”

Về việc học ngoại ngữ, ông Nguyễn Trí Nghiệp tự nhận “không có năng khiếu nhưng muốn mở rộng tầm nhìn rộng ra thế giới xung quanh nên dốc sức học” và khiêm tốn nói “đầu tư học nhiều lắm nhưng chỉ ở mức sơ đẳng”: giao tiếp được, nghiên cứu kỹ thuật công nghệ qua sách báo tiếng Anh, làm văn bản, hợp đồng,...

Ông Nguyễn Trí Nghiệp cho biết thêm, quyết định chuyển ruộng lên vườn là kết quả của nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, mong muốn sản xuất cây giống chất lượng phục vụ phát triển kinh tế vườn. Năm 2003, ông bắt đầu xây dựng website thương mại điện tử caygiong.com.

Đoàn Tổ chức nghề nghiệp Đoàn kết và Hợp tác quốc tế Myanmar tham quan mô hình trồng cây giống kết hợp phát triển du lịch của ông Nguyễn Trí Nghiệp. Ông trao đổi trực tiếp bằng tiếng Anh với du khách.
Đoàn Tổ chức nghề nghiệp Đoàn kết và Hợp tác quốc tế Myanmar tham quan mô hình trồng cây giống kết hợp phát triển du lịch của ông Nguyễn Trí Nghiệp. Ông trao đổi trực tiếp bằng tiếng Anh với du khách.

Đây là website về nông nghiệp được xây dựng sớm nhất, được nâng cấp, cải tiến áp dụng đặt hàng và thanh toán trực tuyến.

Xuất phát là điểm bán lẻ các mặt hàng cây giống truyền thống của địa phương, cuối năm 2010, chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp với tên gọi “Công ty TNHH Nông trang Island”, trong đó có cả mảng kinh doanh du lịch sinh thái.

Nhà nông- Giám đốc Nguyễn Trí Nghiệp cho hay, hiện công ty tập trung sản xuất giống cây ăn trái có chất lượng cao, song song là hoạt động nghiên cứu, khảo nghiệm, đánh giá, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trái cây ngon.

Hàng năm, Công ty TNHH Nông Trang Island cung cấp khoảng 1,5 triệu cây giống, phần lớn tiêu thụ nội địa, khoảng 25% xuất khẩu sang Lào, Campuchia, Tây Ban Nha và Trung Quốc,…

“Nông dân cũng cần có kiến thức, trình độ”

Ông Trần Thanh Mẫn- Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam 

Học vấn, dân trí- 1 trong 3 “điểm nghẽn” cần khơi thông

Để đưa đất nước phát triển nhanh, phải dựa vào nông nghiệp- nông dân- nông thôn. Tôi đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành rà soát, đánh giá tổng thể toàn diện sâu sắc tất cả chính sách cho nông dân- nông thôn hiện nay; nhất là chính sách về đất đai, thuế, đào tạo nghề… Đối với ĐBSCL hiện nay, có 3 điểm nghẽn: kết cấu hạ tầng đầu tư chưa đồng bộ, ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa nhiều, trình độ học vấn dân trí còn thấp. Làm sao giải được bài toán đầu tư mạnh mẽ về kết cấu hạ tầng, ứng dụng nhiều hơn nữa vào sản xuất nông nghiệp nâng cao học vấn, dân trí… để người dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn miệt mài học tập cả cuộc đời, nói đúng hơn là không ngừng tự học. Với Bác Hồ, nguyên lý và phương thức học được tóm gọn trong mấy câu sau: “Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học dân”. Noi gương Bác, nhiều thế hệ nông dân đã không ngừng học tập để vun bồi tri thức.

Ông Trí Nghiệp chia sẻ: Cùng với kỳ vọng của gia đình thì từ thời niên thiếu, khi được xem ảnh và các tư liệu về Bác, ông thấy cảm phục và từ đó tìm mọi cơ hội để học hỏi: “Tôi học không chỉ cho công việc tốt hơn, mà còn làm gương cho con cháu”.

Sau những nỗ lực không ngừng, nhiều năm qua, Công ty TNHH Nông trang Island là doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh, cá nhân ông Nguyễn Trí Nghiệp được tuyên dương “Nông dân Việt Nam xuất sắc”, “Doanh nhân tiêu biểu tỉnh Vĩnh Long”...

Tuy nhiên, ông Nguyễn Trí Nghiệp cho rằng “tôi vẫn đúng chất là nông dân hơn”. Để chứng minh, ông chìa đôi tay đen sạm, đầy đồi mồi cho chúng tôi xem và hài hước: “Thấy hông? Đây là cơ sở để xác nhận mình là nông dân. Ở ngoài đồng, ngoài vườn tiếp xúc ánh sáng mặt trời suốt nên vậy”.

Nói vậy nhưng ông “nông dân- doanh nhân” có “khái niệm” về nông dân rất khác: “Nông dân không phải chỉ dãi nắng dầm mưa ngoài đồng ruộng mà cần phải có kiến thức, trình độ để khai thác tiềm năng nông nghiệp.

Phải quyết định được số phận của sản phẩm do mình làm ra với giá hợp lý. Muốn làm được điều đó thì phải học…”.

Ông Trí Nghiệp lý giải: sưu tập, tìm hiểu giống cây con, nghiên cứu kỹ thuật canh tác, tư vấn sản phẩm- dịch vụ cho khách hàng… đều mang yếu tố phát triển, yếu tố mới nên cần không ngừng cập nhật kiến thức. Tuy tài liệu tiếng Việt có nhiều nhưng khi biết ngoại ngữ sẽ giúp mình mở rộng tri thức và áp dụng được nhiều cái hay từ tài liệu tiếng nước ngoài.

Có kinh nghiệm nhiều lần mang sản phẩm đi xúc tiến thương mại, hội chợ trong nước và nước ngoài, ông Nguyễn Trí Nghiệp đúc kết: Biết ngoại ngữ sẽ có lợi thế hơn vì có thể trực tiếp giới thiệu sản phẩm với người nước ngoài, nếu mình thuê phiên dịch thì cũng có thể hướng dẫn họ theo sát thực tế sản phẩm- dịch vụ của mình hơn.

Ông Nguyễn Trí Nghiệp là một trong những điển hình nông dân Việt Nam xuất sắc với tinh thần vươn lên học tập để vun bồi tri thức.
Ông Nguyễn Trí Nghiệp là một trong những điển hình nông dân Việt Nam xuất sắc với tinh thần vươn lên học tập để vun bồi tri thức.

Trả lời câu hỏi “nông dân nên học từ đâu?”, ông Nguyễn Trí Nghiệp cho rằng, nông dân có thể học từ sách báo, từ nông dân với nông dân, qua các CLB nhà nông, các trung tâm ngoại ngữ, tham gia các lớp huấn luyện kỹ thuật, công nghệ của các cơ quan quản lý nông nghiệp, khoa học công nghệ và “quan trọng nhất là tự học với ý chí, quyết tâm cao”.

Hiện nay điều kiện tự học qua những tài liệu, trên mạng rất nhiều… nên rất thuận lợi. Quan trọng là cần xử lý, chắt lọc thông tin phù hợp.

Với mong muốn làm giàu trên lĩnh vực nông nghiệp bằng con đường “tri thức hóa nghề nông” nên thời gian qua bên cạnh những nông dân của làng quê dốc sức đi học chuyên môn, trau dồi ngoại ngữ thì có một “làn sóng” là lực lượng trí thức “đổ chất xám” vào nông nghiệp.

Đó là ông Việt kiều đi năm châu bốn bể về quê làm nông nghiệp sạch, anh giám đốc về vườn nuôi lươn, thạc sĩ 9x với hành trình nông trại xanh hay cử nhân kinh tế về quê biến phế phẩm thành tiền…

Có tri thức và mang trong mình bầu nhiệt huyết lớn, không ít trong số họ đã và đang làm giàu cho mình, lan tỏa phương thức làm ăn hiệu quả cho cộng đồng…

Tin rằng, từ quyết tâm vun bồi, “tri thức hóa nghề nông” cùng “tư duy đổi mới”, lực lượng “nông dân tiên tiến” sẽ đi đầu trong việc phát triển nền kinh tế nông nghiệp, góp phần làm nên thành công cho cách mạng nông nghiệp 4.0.

Ông Nguyễn Trí Nghiệp

Nông dân hiện đại cần chuyên nghiệp và tử tế

Bữa ăn hàng ngày đều từ sản phẩm nông nghiệp nên có thể nói “nông nghiệp là nguồn gốc sự sống, động lực phát triển”. Lịch sử kháng chiến giữ nước đã cho thấy tinh thần đoàn kết, gắn bó của nông dân góp phần làm nên thắng lợi vẻ vang cho dân tộc. Ngày nay, nông dân vẫn thể hiện sự cần cù, sáng tạo, linh hoạt trong sản xuất. Tuy nhiên, một số còn thiếu định hướng, khả năng liên kết không cao. Nhà nước có rất nhiều chính sách để nâng cao kiến thức của nông dân. Theo đó, cần đào tạo nông dân cách thức, phương pháp làm việc chuyên nghiệp và tử tế.

Kỳ cuối: Tư duy “nông nghiệp làm giàu”

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- TUYẾT HIỀN