"Nâng tầm" chợ truyền thống: phải văn minh và an toàn

Cập nhật, 15:04, Thứ Năm, 09/05/2019 (GMT+7)

Trong cuộc đua bán lẻ, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi phát triển rầm rộ, tiến càng nhiều về vùng nông thôn, đòi hỏi chợ truyền thống phải thay đổi mới có thể tồn tại, cạnh tranh và phát triển. Đây là việc không hề dễ dàng nhất là tại các chợ đều đã hoạt động theo “quy củ”. Song, hướng đến chợ văn minh, hiện đại, an toàn thực phẩm là con đường tất yếu buộc tiểu thương, doanh nghiệp phải đi.

Tiểu thương đã dần thay đổi thói quen bán hàng: thân thiện hơn, hòa nhã hơn.
Tiểu thương đã dần thay đổi thói quen bán hàng: thân thiện hơn, hòa nhã hơn.

Chợ văn hóa nhưng chưa văn minh

Theo Sở Công thương, toàn tỉnh hiện có 115 chợ gồm: 1 chợ hạng I, 17 chợ hạng II, 97 chợ hạng III và chợ tạm, 6 siêu thị. Đa số các chợ đều đạt chuẩn văn hóa. Nhìn chung, các chợ đã đáp ứng được nhu cầu mua bán và trao đổi hàng hóa của người dân.

Chợ đóng góp vai trò lớn trong tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa khu vực nông thôn, tạo ra kênh tập trung thương mại hàng hóa nông sản và các loại hàng hóa khác.

Tuy nhiên, thời gian qua, sự có mặt của các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi,… nhất là khi các đơn vị này “lấn sân” về nông thôn, đã khiến cho việc kinh doanh ở chợ ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Bởi, không ít người tiêu dùng cho rằng, mua hàng ở các điểm bán trên “khỏe hơn, an tâm hơn và sướng hơn” bởi có thể truy xuất nguồn gốc, mua hàng đúng giá, lựa chọn hàng hóa cũng thuận tiện, sạch sẽ và được chăm sóc chu đáo hơn so với mua hàng ở chợ.

Ông Nguyễn Quốc Huấn- Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) cho biết: Cả nước hiện có 8.850 chợ, trong đó Vĩnh Long chiếm chưa được 2%, đây là vị trí “khiêm tốn” so với cả nước.

Song, hàng hóa lưu thông qua chợ trong tỉnh cũng còn ở mức khá cao, có 70% lượng hàng hóa lưu thông qua chợ, khu vực chợ nông thôn chiếm 80% lượng hàng hóa lưu thông. Qua đó, cho thấy vai trò quan trọng của chợ truyền thống trong lưu thông hàng hóa.

Theo ông Nguyễn Văn Còn- Phó Giám đốc Sở Công thương: Thời gian gần đây, các chợ truyền thống kinh doanh chậm hơn trước. Tuy nhiên, chợ vẫn là kênh phân phối, bán lẻ hàng hóa chính.

Trước áp lực cạnh tranh của các doanh nghiệp lớn, tiểu thương phải biết cách thay đổi, phải nâng cao nhận thức, lựa chọn hàng hóa, thói quen ứng xử, tạo uy tín, thu hút người dân đến chợ.

Mới đây, Sở Công thương tỉnh đã xây dựng mô hình lý thuyết chợ truyền thống theo hướng văn minh, an toàn thực phẩm.

Đây là cơ sở để xây dựng mô hình thí điểm và nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần xây dựng nếp sống văn minh ở chợ, tạo sự công bằng văn minh trong hoạt động thương mại: mua bán trung thực, cân, đong, đo chuẩn xác, thái độ lịch sự hòa nhã, chấp hành tốt pháp luật.

Qua đó, khắc phục những tiêu cực về hàng gian, hàng giả, lừa đảo, không niêm yết giá, móc túi,... làm mất an toàn khu vực chợ.

Đồng thời, mô hình chợ sẽ quản lý tốt về vấn đề an toàn thực phẩm cũng như ngộ độc thực phẩm gây ra trong quá trình sử dụng thực phẩm tại chợ, đảm bảo sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng.

Chợ truyền thống: Muốn tồn tại, phải thay đổi

Thực tế cho thấy, trước áp lực cạnh tranh thời gian qua, để giữ chân khách hàng, nhiều tiểu thương ở chợ truyền thống đã dần khắc phục những hạn chế, nâng cao ý thức, tự đổi mới mình để phục vụ người tiêu dùng tốt hơn.

Bà Nguyễn Thị Yến Xuân- Trưởng Ban Quản lý chợ Vĩnh Long cho hay: Hiện chợ truyền thống không chỉ cạnh tranh siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng, đại lý mà còn cạnh tranh cả với hình thức mua bán online, “đồ la” xung quanh chợ.

Hơn ai hết, tiểu thương ở chợ đã nhận thức được điều này và ngày càng thay đổi theo hướng tích cực hơn. Tiểu thương ngày càng biết cách bày biện quầy, sạp sạch sẽ, bán đúng giá niêm yết, ứng xử khéo léo, vui vẻ hơn với khách hàng. Hiện nay, đã có hơn 50% tiểu thương tại chợ thay đổi cách bán hàng.

Bên cạnh đó, nhiều ban quản lý chợ cũng chia sẻ: Để cạnh tranh với hàng hóa ở các điểm bán khác, bảo vệ uy tín chợ, ban quản lý luôn nhắc nhở tiểu thương về việc lựa chọn hàng hóa chất lượng và niêm yết giá cụ thể và cũng thường xuyên kiểm tra vấn đề này.

Từ đó, tiểu thương ít nói thách và bán buôn trung thực hơn. Mặt khác, đơn vị cũng đã phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, ngăn chặn không để thực phẩm kém chất lượng tuồn vào chợ, khuyến khích tiểu thương báo ngay với ban quản lý nếu phát hiện các trường hợp có dấu hiệu vi phạm.

Tuy nhiên, theo nhiều người, chỉ thay đổi ở một số tiểu thương thôi là chưa đủ. Mà phải thay đổi từ trong ra ngoài, nghĩa là từ hình thức, diện mạo chợ đến “tâm và tình” của tiểu thương dành cho chợ.

Cụ thể, theo mô hình lý thuyết chợ truyền thống theo hướng văn minh, an toàn thực phẩm, yêu cầu chợ phải có vị trí không bị ngập nước, đọng nước, không bị ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm từ các khu vực ô nhiễm bụi, hóa chất độc hại, các nguồn gây ô nhiễm khác, cách các nguồn gây ô nhiễm tối thiểu 500m; phải đảm bảo yêu cầu về thiết kế, hệ thống chiếu sáng, thoát nước, an toàn phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường,...

Song song đó, ông Nguyễn Quốc Huấn cho biết thêm: Tùy vào từng ngành hàng mà có những quy định riêng như: nơi bán mặt hàng rau, củ, quả, gia súc, gia cầm, trúng gia cầm phải tươi sống, không sử dụng chất bảo quản thuộc danh mục cấm, nơi bày bán sản phẩm phải làm bằng vật liệu không gỉ, không gây ô nhiễm, dễ vệ sinh, cách mặt đất tối thiếu 60cm.

Hay, thực phẩm chế biến và dịch vụ ăn uống phải được che đậy, tránh ruồi, bụi, mưa, gió. Đồng thời, yêu cầu người chế biến không nhai kẹo cao su, không hút thuốc khi chế biến thức ăn, phải sử dụng bao tay, tạp dề khi chế biến thức ăn,...

Có thể thấy, khi triển khai xây dựng chợ truyền thống theo hướng văn minh, an toàn thực phẩm, nhiều tiểu thương sẽ bỡ ngỡ, lo lắng với những quy định “chưa từng có, chưa từng thấy, chưa từng biết, chưa từng làm”. Song việc đổi mới, “tút” lại chợ truyền thống là điều hết sức cần thiết.

Bởi không chỉ giúp “nâng tầm” chợ mà sẽ mang lại diện mạo mới cho chợ, giúp chợ hoạt động hiệu quả hơn, giúp tiểu thương kinh doanh tốt hơn, hiệu quả hơn.

Theo ông Nguyễn Văn Còn: Từ trước đến nay chợ truyền thống luôn mang một nét văn hóa, gần gũi, bình dân. Tuy nhiên, chiếc áo của chợ đã cũ, buộc chợ phải thay đổi “sơn” lẫn “gỗ”, theo hướng hiện đại, văn minh, nhưng vẫn mang nét đặc trưng riêng của miền sông nước.

Đây là điều không hề dễ dàng. Do đó, rất cần sự vào cuộc chung tay của các ngành chức năng, doanh nghiệp, tiểu thương và người tiêu dùng.

Cuối năm 2018, mô hình chợ an toàn thực phẩm Cái Ngang (xã Mỹ Lộc- Tam Bình) đã được đưa vào sử dụng. Có 60 quầy sạp đã được nâng cấp, đảm bảo các tiêu chí về chợ kinh doanh thực phẩm về địa điểm, thiết kế, môi trường, phòng cháy; đảm bảo theo đúng yêu cầu đối với các cơ sở kinh doanh tại chợ, cơ sở kinh doanh rau, củ, quả,… Trước chợ Cái Ngang, mô hình chợ an toàn thực phẩm Phước Thọ (Phường 8- TP Vĩnh Long) cũng đã được đưa vào sử dụng. Đến nay, 2 mô hình chợ ngày càng được nhiều người tin dùng.

Bài, ảnh: TRÀ MY