Blog thị trường

Đường sông "mắc cạn"

Cập nhật, 13:20, Thứ Sáu, 10/05/2019 (GMT+7)

Doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông- thủy sản ở ĐBSCL đang phải chịu gánh nặng rất lớn về chi phí logistics do việc đưa hàng ra nước ngoài phụ thuộc vào các cảng ở Đông Nam Bộ.

Đó là vấn đề được nhiều doanh nghiệp đưa ra tại hội thảo “Tăng cường tính kết nối nhằm cải thiện chuỗi giá trị hàng nông sản và thủy sản của ĐBSCL” tại TP Cần Thơ vừa qua.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện có đến 70% sản lượng thủy sản xuất khẩu của ĐBSCL phải vận chuyển bằng container lên TP Hồ Chí Minh, do ĐBSCL thiếu cảng biển, nhất là cảng nước sâu đủ khả năng đón tàu container.

Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VinaFruit) cho biết Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ giá cước như một số nước trong khu vực dẫn đến chi phí vận tải cao, chiếm tới 21- 25% GDP hàng năm.

Ở góc độ doanh nghiệp, lãnh đạo một tập đoàn thủy sản cho biết mỗi năm đơn vị này đóng khoảng 6.700- 7.000 container tôm xuất khẩu với kim ngạch đạt 750-850 triệu USD/năm. ĐBSCL có lợi thế đường sông, nhưng tôm không thể đi bằng đường này do thời gian di chuyển mất tới 30 tiếng.

Hiện doanh nghiệp chọn đóng container đi bằng đường bộ, với quãng đường từ Cà Mau lên TP Hồ Chí Minh mất 11 triệu đồng/container, còn đi từ Hậu Giang thì mất 7 triệu đồng/container. Như vậy, chi phí vận chuyển hàng hóa là hơn 60 tỷ đồng/năm.

Ngoài ra, theo VASEP, tình trạng quá tải của các cảng ở khu vực miền Đông Nam Bộ cũng khiến doanh nghiệp phải tốn thêm chi phí lưu kho bãi, mất thời gian chờ đợi. Điều này làm giảm cạnh tranh trong xuất khẩu của doanh nghiệp nội địa so với các đối thủ ở nước ngoài.

Doanh nghiệp cho rằng, nếu khu vực ĐBSCL tổ chức được một hệ thống logistics hợp lý, có thể xuất khẩu hàng hóa trực tiếp thì giá thành sản phẩm sẽ giảm, có thể cạnh tranh tốt với các nước trên thế giới như Ấn Độ, Indonesia.

Tuy nhiên, trên thực tế, dù đã được rót hàng chục ngàn tỷ đồng cho mục tiêu “mở dòng” logistics, nhưng đến nay lĩnh vực này ở ĐBSCL vẫn còn bị “mắc cạn”.

Bido2_40.com