Với mục tiêu không để thiếu nước ngọt cho sinh hoạt, đảm bảo trồng trọt, chăn nuôi của người dân, các địa phương ở Bến Tre đã có nhiều giải pháp "phòng thủ" hiệu quả ứng phó hạn mặn, cũng như trữ ngọt rất linh hoạt.
Các tin liên quan |
Với mục tiêu không để thiếu nước ngọt cho sinh hoạt, đảm bảo trồng trọt, chăn nuôi của người dân, các địa phương ở Bến Tre đã có nhiều giải pháp “phòng thủ” hiệu quả ứng phó hạn mặn, cũng như trữ ngọt rất linh hoạt.
Hệ thống lọc nước mặn thành nước ngọt với công suất 2m3/giờ của xã An Định, phục vụ nhu cầu nước ngọt của người dân mùa hạn mặn. |
4 tháng sống cùng hạn mặn
Chạy xe xuyên dưới tán dừa, anh Nguyễn Văn Đạt- cán bộ Nông nghiệp xã An Định (huyện Mỏ Cày- Bến Tre) đưa chúng tôi tới vườn dừa ở ấp Phú Lợi Hạ và giới thiệu “hộ này làm đê bao trữ nước có một không hai của xã”.
Bờ cao chắc chắn bao quanh vườn cây tươi tốt. Trong vườn, dọc theo những liếp dừa, giồng bưởi xanh um là các mương chứa đầy nước ngọt.
Chủ vườn là chú Nguyễn Văn Cam vào thẳng đề tài: “Nước ở đây hồi nào giờ một mặn hai rong không tránh khỏi. Hồi tui bắt tay làm, ai cũng hỏi “làm cái gì vậy?” tui nói “đắp bờ bao”.
Xung quanh 6,5 công đất vườn, chú cho đào ngang 1,2m, sâu 2m, “bỏ mấy tháng cho ghe bơm cát” để vừa chắc chắn, vừa tránh lỗ mọi rò rỉ nước, trồng cỏ xung quanh giữ bờ. Đến nay, “vạn lý trường thành”- theo cách gọi vui của chú Cam- đã cùng gia đình chú “trị thủy” gần 20 năm, qua biết bao “đời cây” từ rau màu, mía, xoài… và hiện nay là dừa, bưởi.
Đưa chúng tôi ra thăm vườn, chỉ vào đống dừa mới hái, chú Cam chắc mẩm: “Đợt này tui tính không dưới 2,5 thiên dừa. Vườn dừa tui, cây đều buồng, mỗi buồng cả chục trái và luôn được mua với giá cao hơn 5.000-10.000 đ/chục”.
Theo chú Cam, trong đê bao có mực nước cân bằng, rễ dừa phát triển ổn định nên cho trái đều trong năm, năng suất cao gấp 3 lần vườn khác. Anh Nguyễn Văn Đạt nhận xét: “Đối với những vườn dừa phải chịu mặn, nước ngập gốc hay khô hạn, cây dừa không thích nghi kịp nên năng suất thấp và thường bị “dừa treo” vài ba tháng trong năm.
Đê bao vườn dừa của chú Cam là một trong những mô hình chủ động thích ứng với điều kiện hạn mặn của người dân ở xã An Định (Mỏ Cày Nam). Ông Lương Văn Phong- Chủ tịch UBND xã An Định- cho biết: “Địa bàn An Định đã quen với nước mặn 3- 4 tháng liên tục trong năm.
Để sống chung với mặn mấy tháng trời, nhiều nông dân luôn chủ động có những cách làm hay, thậm chí không giống ai, nhưng mang lại hiệu quả thiết thực”. Ngoài ra, người dân đã chủ động trữ nước trong mương vườn của mình hoặc 5-7 hộ cùng làm đê bao để chủ động nguồn nước hơn.
Trong khi đó, để trữ ngọt phục vụ sinh hoạt cho bà con, ông Lương Văn Phong cho biết toàn xã có 3 hệ thống cống Đìa Dứa, Bà Linh, Phú Đông 1 phục vụ hơn 500ha đất sản xuất. Cùng với đó, các hệ thống này còn làm nhiệm vụ đảm bảo trữ nước ngọt đủ cho người dân trong khu vực và các khu vực khác khi nước bị nhiễm mặn nhiều sẽ đến lấy nước ngọt về sinh hoạt.
Vì cây giống, hoa kiểng không ưa mặn
Thời gian này, ông Bùi Thanh Liêm- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Chợ Lách (Bến Tre) cho biết: “Chúng tôi phải thủ, phòng ngừa, theo dõi xuyên suốt, khuyến cáo người dân không chủ quan. Chợ Lách là địa bàn chuyên cây giống, hoa kiểng, khả năng chịu mặn rất kém. Mặn lên là chết”.
Thực tế năm 2016, do mặn lên bất ngờ, nhiều vườn cây ăn trái, hoa kiểng của huyện đã “sống dở, chết dở”, nên năm nay “huyện chủ động đầu tư máy đo độ mặn cho tất cả các xã- thị trấn và đặt 2 trạm theo dõi.
Tập huấn cho người dân biện pháp ứng phó, chăm sóc cây trồng trong điều kiện hạn mặn. Đồng thời phối hợp ngành chức năng đo độ mặn thường xuyên ở 2 nhánh sông Cổ Chiên, Hàm Luông”- ông Liêm bảo.
Tuy đến nay, độ mặn chưa xuất hiện trên các sông thuộc huyện Chợ Lách, nhưng với dấu hiệu gió chướng mạnh, triều cường lên nên dự đoán mặn sẽ lên. Bên cạnh, cập nhật tin nhắn thông báo của ban chỉ huy phòng chống thiên tai và cứu nạn cứu hộ liên tục, đài truyền thanh huyện phát 3 lần/ngày để kịp thời thông tin hạn mặn đến bà con.
Theo ông Phạm Anh Linh- Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch phòng chống thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn với mục tiêu phù hợp với điều kiện, tình hình sản xuất từng khu vực trên địa bàn huyện.
Đáng chú ý, huyện đã đẩy nhanh thi công các công trình thủy lợi, hoàn chỉnh cống đập, đặc biệt là nạo vét hệ thống kinh mương nội đồng… đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt cho hơn 9.248ha đất nông nghiệp.
Dự báo, nếu nước từ thượng nguồn đổ về ít, thì khả năng các xã Hưng Khánh Trung B, Phú Sơn, Vĩnh Thành... sẽ bị nhiễm mặn 1- 2‰. Ông Bùi Thanh Liêm cho biết: “Ngoài giải pháp đóng nắp cống để ngăn mặn, trữ ngọt trong kinh rạch, người dân còn chủ động xây các hồ chứa và thời gian này đều đã bơm đầy để chủ động nguồn nước tưới, sinh hoạt”.
“Phòng thủ” linh hoạt
“Những năm trước độ mặn ở An Định cao lắm là 8- 9‰, nhưng cá biệt năm 2016 mặn lên đến 14,5‰, dân không trở tay kịp, thiệt hại nhiều. Thời điểm hiện nay độ mặn khoảng 3‰, thấp hơn cùng kỳ năm trước 5- 6‰. Đáng ghi nhận là hiện nay ý thức của bà con trong việc phòng chống hạn mặn rất ngon lành.
Nên giờ mặn lên bao nhiêu cũng không lo”- ông Lương Văn Phong bảo cùng với sự chủ động đó, để đảm bảo nguồn nước ngọt ăn uống, xã đã có hệ thống lọc nước mặn thành nước ngọt với công suất 2m3/giờ, với giá bán 8.000 đ/m3, để phục vụ bà con khi cần thiết.
Tiếp nối câu chuyện chủ động phòng chống hạn mặn, ông Nguyễn Thanh Hùng- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Mỏ Cày Nam nói ngay: “Năm nào không mặn là hên. Thường mặn kéo dài 4 tháng trong năm, từ tháng Chạp đến tháng 3, 4 âl. Mỏ Cày Nam từ xưa giờ đã sống chung với mặn, nên người dân đã có tâm lý chủ động trữ ngọt”.
Ngoài các công trình thủy lợi do Nhà nước đầu tư để trữ ngọt phục vụ hơn 1.000ha, người dân còn chung tay để làm hệ thống đê bao cục bộ, chủ động chứa nước trong mương vườn.
Theo ông, hiện toàn huyện có gần 20 khu với tổng diện tích trên 500ha do các hộ liền kề cùng bắt tay làm đê bao trữ ngọt cục bộ, mỗi khu 5- 7ha, có khu rộng đến 50ha. Hệ thống đê bao cục bộ của từng nhóm hộ dân nằm trọn trong công trình thủy lợi giúp người dân trữ nước chủ động và có thể “phòng thủ” linh hoạt vòng trong, vòng ngoài trước thời tiết hạn mặn bất thường.
“Việc này không chỉ nhờ huyện chỉ đạo sâu sát, mà còn vì ý thức người dân. Đối với những công trình đê bao cục bộ, khi người dân có nhu cầu thì Nhà nước và nhân dân cùng làm. Người dân đắp bờ bao, Nhà nước hỗ trợ cống bộng, nắp cống”- ông Nguyễn Thanh Hùng bảo.
Điều thú vị chúng tôi ghi nhận là từ sau đợt mặn năm 2016, người dân ý thức xây hồ, lu chứa nước mưa, đến nỗi “thợ hồ ở đây hầu như làm không có ngày nghỉ”. Trong khi đó, UBND các xã An Định, An Thới, Ngãi Đăng… còn đúc sẵn khuôn cho người dân mượn để đúc lu, cống cho nhanh. “Đến nay, nhà nhà đều đã có lu trữ nước đảm bảo phục vụ sinh hoạt, ăn uống là không thiếu”- theo lời ông Hùng.
Đưa chúng tôi đi xem hệ thống lọc nước mặn thành ngọt, anh Nguyễn Văn Nhân- Trưởng khu vực Mỏ Cày Nam (Trung tâm Nước sạch Vệ sinh môi trường tỉnh Bến Tre) cho biết: Khi có nhu cầu nước ngọt do nguồn nước bị nhiễm mặn không đảm bảo, người dân sẽ đến đăng ký ở UBND xã để thống kê nhu cầu, khối lượng. Nhà máy sẽ vận hành hệ thống lọc nước mặn, sản phẩm nước ngọt sẽ được giao đến tận nhà cho người dân. |
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- TUYẾT HIỀN- THẢO LY
>> Kỳ sau: Tìm cách thích ứng ở vùng mặn- ngọt thời kỳ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin