Đưa sản phẩm nông nghiệp ra thị trường

Cập nhật, 14:20, Thứ Tư, 02/01/2019 (GMT+7)

 

Năm 2018, ngành nông nghiệp huyện đã thực hiện tốt đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp.Ảnh minh họa
Năm 2018, ngành nông nghiệp huyện đã thực hiện tốt đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp.Ảnh minh họa

Năm 2018, ngành nông nghiệp huyện đã đạt nhiều kết quả quan trọng, nhất là thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Qua đó, nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật gắn liền với nghiên cứu tìm đầu ra cho sản phẩm…

Đạt kết quả nổi bật

Năm 2018, thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Phòng Nông nghiệp- PTNT đã thực hiện nhiều giải pháp để ngành nông nghiệp ở địa phương có bước chuyển mình, đạt kết quả tốt.

Trong đó, đáng chú ý là tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp- thủy sản trên 2.500 tỷ đồng, đạt 104% kế hoạch. Trong đó, tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt trên 2.100 tỷ đồng, tăng 6,2% so năm trước đó.

Trong khi đó, diện tích cải tạo vườn tạp, vườn kém hiệu quả được thực hiện tốt cùng với sự đồng lòng của người dân.

Theo ông Trương Tấn Được- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT, việc chỉ đạo thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng “3 cây, 3 con” chủ lực gồm cây lúa, bưởi da xanh, khoai mỡ và con heo, bò, cá tra hoàn toàn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và được người dân ủng hộ. Đồng thời, ngành nông nghiệp cũng đã tập trung hỗ trợ và chuyển giao khoa học, công nghệ cho nông dân.

Trong năm 2018, từ các chương trình, dự án, đã cho ra nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, hạn chế sâu bệnh nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, hướng đến nền nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch như mô hình sản xuất củ cải trắng VietGAP, sản xuất khoai mỡ theo hướng an toàn sinh học, sản xuất rau thủy canh, sản xuất bưởi da xanh theo hướng sinh học, mô hình trồng nấm bào ngư kết hợp sản xuất sản phẩm từ bào ngư,…

Theo Chủ tịch UBND huyện- Nguyễn Văn Diên, trong năm 2018, kinh tế của huyện đạt mức tăng trưởng khá, giá trị các ngành công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp- thủy sản đều đạt và vượt so kế hoạch. Trong đó, nổi bật nhất là tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực nông nghiệp- thủy sản đạt cao nhất trong 5 năm gần đây.

Trong năm 2019, ngành nông nghiệp huyện sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Ông Trương Tấn Được cho biết, đối với cây lúa sẽ tiếp tục duy trì mô hình cánh đồng mẫu lớn; vận động cải tạo vườn kém hiệu quả, nâng chất lượng vườn hiện có. Riêng chăn nuôi sẽ tiếp tục khuyến khích phát triển đàn gia súc, gia cầm theo hướng công nghiệp, trang trại…

Sản xuất gắn liền đầu ra sản phẩm

Nông sản vẫn hay gặp tình trạng “được mùa mất giá, mất mùa được giá”- trở thành điệp khúc không mong muốn đối với nông dân. Từ đó, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật để sản xuất hiện nay ở một số mô hình sản xuất nông nghiệp của huyện đã gắn liền với các giải pháp tìm đầu ra cho sản phẩm.

Là một trong những đơn vị đưa dây chuyền sản xuất nấm bào ngư quy mô tương đối lớn nên Công ty TNHH 1TV Thực phẩm sạch An An (xã Mỹ Phước) đã có những giải pháp để đa dạng hóa sản phẩm, nhằm cung cấp thêm ra thị trường sản phẩm chế biến từ nấm bào ngư thay vì chỉ có loại bào ngư tươi như trước.

Giám đốc công ty- Cao Thúy An cho biết, thị trường nấm bào ngư tương đối bấp bênh, giá cả tùy thuộc vào từng thời điểm thị trường rất nhiều, do đó, ý tưởng cho ra sản phẩm chế biến từ nấm bào ngư là giải pháp tốt để tránh tình trạng “sáng rau chiều rác” khi quy trình sản xuất cho ra sản lượng lớn.

“Hiện nay, công ty đã cho ra mắt thị trường sản phẩm Snack nấm từ 100% nấm bào ngư. Với thương hiệu được đăng ký là Freco, các tiêu chuẩn thành phần và an toàn vệ sinh thực phẩm đều được chứng nhận.

Đồng thời, cũng đã ký kết với đối tác phân phối. Đây có thể xem là bước đi tốt để đa dạng hóa các sản phẩm từ nông nghiệp, nâng chất cũng như tạo ra giá trị cao cho sản phẩm”- chị Cao Thúy An chia sẻ.

Chị Cao Thúy An giới thiệu sản phẩm sản xuất từ nấm bào ngư.
Chị Cao Thúy An giới thiệu sản phẩm sản xuất từ nấm bào ngư.

Trong khi đó, anh Ngô Hữu Anh Khôi (xã Bình Phước) chọn cho mình hướng sản xuất rau thủy canh. Mô hình của anh hiện đã được nhân rộng và được nhiều nông dân học tập, đưa vào sản xuất. Anh Khôi cho biết, hiện nay, anh cung cấp ra thị trường khoảng 100kg rau sạch mỗi ngày chủ yếu vào siêu thị, cửa hàng rau sạch, các nhà hàng,…

“Tìm đầu ra cho sản phẩm là bước đi khá khó khăn. Tuy nhiên, nếu đưa vào sản xuất với quy mô vừa hoặc lớn, bắt buộc người sản xuất phải đi tìm đầu ra cho sản phẩm của mình. Đây cũng là yếu tố sống còn…”- anh Khôi cho biết.

Tìm đầu ra cho nông sản là yếu tố bền vững để giúp nông dân có hướng đi ổn định, lâu dài. Do đó, ngoài việc người sản xuất tự tìm đầu ra thì rất cần sự quan tâm từ các cấp, các ngành. Cũng từ đó, có thể tạo ra sản phẩm đặc trưng, góp phần cho sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao của địa phương...

Theo Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Diên, trong năm 2018, tình hình kinh tế của huyện đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ, giá trị các ngành công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp nông nghiệp- thủy sản đều đạt và vượt so kế hoạch. Trong đó, nổi bật là tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực nông nghiệp- thủy sản đạt cao nhất trong 5 năm gần đây.

 

Bài, ảnh: KHÁNH DUY