Phát triển kinh tế tập thể: Vẫn còn "cái bóng" của hợp tác xã kiểu cũ

07:03, 20/03/2018

Cùng với những khó khăn lâu nay của các HTX mà nhất là HTX nông nghiệp, trình độ quản lý, cơ sở vật chất, kinh tế tập thể hiện nay vẫn còn mang cái bóng quá lớn của mô hình hợp tác xã (HTX) "kiểu cũ", những điều này khiến HTX chưa thu hút được thành viên, cũng như chưa tạo lòng tin để tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

 

 

HTX Cam sành Organics Trà Ôn tiên phong trong việc đầu tư sản xuất theo quy trình an toàn hữu cơ bền vững. Trong ảnh: Mô hình phát triển vùng lúa nguyên liệu 100% sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu hữu cơ do HTX triển khai tại huyện Tam Bình.
HTX Cam sành Organics Trà Ôn tiên phong trong việc đầu tư sản xuất theo quy trình an toàn hữu cơ bền vững. Trong ảnh: Mô hình phát triển vùng lúa nguyên liệu 100% sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu hữu cơ do HTX triển khai tại huyện Tam Bình.

Cùng với những khó khăn lâu nay của các HTX mà nhất là HTX nông nghiệp, trình độ quản lý, cơ sở vật chất, kinh tế tập thể hiện nay vẫn còn mang cái bóng quá lớn của mô hình hợp tác xã (HTX) “kiểu cũ”, những điều này khiến HTX chưa thu hút được thành viên, cũng như chưa tạo lòng tin để tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

Vừa qua, tại hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế tập thể năm 2018 tại Vĩnh Long, TS Võ Thị Kim Sa- Điều phối viên dự án chung tay phát triển HTX (thuộc tổ chức phi chính phủ Socodevi- Canada) nhận định hiện nay nhiều nông dân vẫn còn ám ảnh mô hình HTX “kiểu cũ”, do đó muốn thay đổi nhận thức và xây dựng tinh thần hợp tác cho nông dân là một việc khó, đòi hỏi phải có cả lộ trình dài.

Đồng tình với nhận định này, ông Trương Văn Sáu- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng BCĐ phát triển kinh tế tập thể tỉnh cho rằng nhiều HTX hiện nay chưa thật sự thu hút được thành viên, chưa tạo được lòng tin đối với người dân tham gia. Mà chưa tạo được lòng tin cho các thành viên thì khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng cũng là đều dễ hiểu.

Ông Lê Văn Phúc- Chủ tịch UBND huyện Bình Tân, nhận thức của một số người dân về HTX còn hạn chế người nông dân còn ngại khi vào HTX do hậu quả HTX kiểu cũ để lại. Vì vậy, việc đóng góp nguồn nhân lực vật chất cho lợi ích chung của HTX cũng hạn chế.

Hầu hết các HTX đều không có trụ sở nhà xưởng sản xuất ổn định. Bên cạnh đó việc tiếp cận nguồn vốn của HTX còn rất khó khăn nên các HTX chưa mạnh dạn trong việc đầu tư đẩy mạnh phát triển sản xuất.

Theo Liên minh HTX tỉnh, riêng lĩnh vực nông nghiệp toàn tỉnh có 65 HTX và 1 liên hiệp HTX, trong đó có 57 HTX nông nghiệp, 7 HTX và 1 liên hiệp HTX thủy sản. Tổng diện tích sản xuất các HTX nông nghiệp là 1.056ha, có trên 68ha ao nuôi và trên 70 lồng bè thủy sản.

Ông Nguyễn Thanh Long- Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh đánh giá về cơ bản các HTX nông nghiệp đã đóng góp tích cực vào quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, thực trạng chung hiện nay của các HTX là cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, đa phần hoạt động dịch vụ hỗ trợ thành viên là chính chưa hoạt động theo ngành tập trung sản phẩm thiếu sức cạnh tranh, trong hoạt động có liên kết với doanh nghiệp nhưng quy mô nhỏ thiếu tính bền vững.

Theo BCĐ phát triển kinh tế tập thể tỉnh, trong năm 2017, quỹ hỗ trợ phát triển HTX đã được thành lập với vốn điều lệ do ngân sách tỉnh cấp là 7 tỷ đồng để hỗ trợ cho hoạt động tạo thêm một kênh hỗ trợ về vốn đối với các HTX.


Đánh giá của BCĐ Phát triển kinh tế tập thể tỉnh, tình hình tiếp cận vốn đối với các HTX vẫn còn khó khăn.

Ngân hàng nhà nước Việt Nam- chi nhánh Vĩnh Long, tổng hợp số liệu từ các tổ chức tín dụng cho thấy dư nợ cho vay đến cuối năm 2017 là 2,5 tỷ đồng, giảm 32,1% so với năm 2016 với 8 HTX hiện còn đang dư nợ vay vốn các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Như vậy hiện chỉ có 7% HTX trên địa bàn đang vay được vốn tín dụng ngân hàng.

Về chất lượng tín dụng, nợ xấu đến cuối năm 2017 là 0,1 tỷ đồng, chiếm 3,8% trong dư nợ cho vay HTX, nợ xấu giảm mạnh trong giai đoạn 2014- 2017, chủ yếu do các tổ chức tín dụng thực hiện xử lý nguồn dự phòng rủi ro, trong khi đó số tiền thu nợ xấu từ các HTX hạn chế.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các HTX khó tiếp cận được nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng, một trong số đó theo đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Vĩnh Long lý giải là do năng lực tài chính, phương tiện sản xuất, cơ sở vật chất của HTX còn yếu.

Trong khi đó để triển khai một phương án vay vốn HTX phải có nguồn vốn tự có đối tượng từ 20- 30% (tùy vào từng ngân hàng khác nhau). Đây là một yêu cầu bắt buộc khi vay vốn mà rất nhiều HTX hiện nay khó đáp ứng được.

Bên cạnh, khâu liên kết chưa được thực hiện bằng hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, tính tự chịu trách nhiệm còn yếu. Đây cũng là vấn đề dẫn đến khó khăn khi HTX tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Hiện nay, các chính sách tín dụng hỗ trợ về cơ chế chính sách nhưng các tổ chức tín dụng cho vay tự chịu trách nhiệm khi rủi ro xảy ra.

Trong khi nhu cầu vay từ các HTX chủ yếu với hình thức không đảm bảo tài sản nhưng HTX chưa đủ uy tín để làm việc này nên các tổ chức tín dụng vẫn còn e dè khi cho vay vốn đối với HTX, mà chủ yếu cho vay trực tiếp các thành viên của HTX để đầu tư sản xuất kinh doanh.

Để có thể tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, HTX cần quan tâm nâng cao năng lực của hội đồng quản trị ban điều hành, nâng cao khả năng xây dựng các phương án sản xuất kinh doanh, mở rộng và tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong khâu cung cấp nguyên liệu đầu vào và đầu ra cho sản phẩm.

Đây là vấn đề quyết định đến hiệu quả của phương án sản xuất kinh doanh giúp cho việc thẩm định cho vay của các ngân hàng thương mại thuận lợi hơn.

 

Năm 2018, Sở Nông nghiệp- PTNT đã thống nhất kế hoạch hỗ trợ các nhà kho cửa hàng vật tư nông nghiệp xưởng sơ chế chế biến cho 7 HTX nông nghiệp với tổng kinh phí dự kiến là 1,2 tỷ đồng.

Bài, ảnh: THÀNH LONG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh