Điêu đứng, trắng tay, lâm cảnh nợ nần, kéo theo những hệ lụy lâu dài cho đất... là những hậu quả nặng nề mà nông dân đang phải gánh chịu khi bón nhầm phân bón (PB) giả, kém chất lượng.
Điêu đứng, trắng tay, lâm cảnh nợ nần, kéo theo những hệ lụy lâu dài cho đất... là những hậu quả nặng nề mà nông dân đang phải gánh chịu khi bón nhầm phân bón (PB) giả, kém chất lượng. Tại ĐBSCL- vựa lúa của đồng bằng- thực trạng này đang diễn ra hết sức phức tạp và vi phạm ngày càng tăng.
Dù có tăng cường kiểm tra nhưng số vụ vi phạm phát hiện cũng chỉ là “phần nổi của tảng băng”. Nguyên nhân do đâu? Làm thế nào để loại trừ vấn nạn mà thiệt hại gây ra là “không thể tính hết bằng tiền” này?
Kỳ 1: Bàng hoàng với những con số vi phạm
Từ đầu năm đến nay, TP Cần Thơ đã phát hiện… gần 100% số vụ vi phạm về PB, thuốc bảo vệ thực vật, qua kết quả kiểm nghiệm từ số mẫu PB kiểm tra.
Tại Trà Vinh, 50% mẫu không đạt chất lượng, Vĩnh Long có gần 33% mẫu không đạt chất lượng, Đồng Tháp hơn 21%... Đây là những con số đáng báo động về thực trạng PB giả, kém chất lượng ngày càng tăng.
Ngành chức năng tăng cường kiểm tra chất lượng phân bón. |
Vi phạm ngày càng tăng
Theo Cục Quản lý thị trường (QLTT) thuộc Bộ Công thương, trung bình mỗi năm, các ngành chức năng phát hiện khoảng 3.000 vụ vi phạm về PB giả, kém chất lượng với khoảng 1.000 tấn.
Qua đó cho thấy, tình trạng vi phạm về PB giả, kém chất lượng đang ở mức báo động.
Điển hình như tại TP Cần Thơ- trung tâm kết nối giao thương của vùng- tình trạng PB giả cũng diễn ra hết sức phức tạp. Ông Nguyễn Ngọc Hiền- Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP Cần Thơ cho biết:
Vi phạm chất lượng phân bón một số tỉnh ĐBSCL từ đầu năm đến nay. |
Tình hình vi phạm sản xuất, kinh doanh PB giả, kém chất lượng của cả nước nói chung, TP Cần Thơ nói riêng vẫn diễn biến phức tạp, các vụ vi phạm không chỉ nhỏ lẻ mà còn có những vụ lớn liên quan đến nhiều địa bàn, thậm chí liên quan tới yếu tố nước ngoài với các đối tượng vi phạm đa dạng gồm doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất kinh doanh tư nhân, buôn bán nhỏ lẻ.
Mới đây, ngành chức năng đã phát hiện một cơ sở sản xuất PB giả quy mô lớn tại phường Trà Nóc (quận Bình Thủy- TP Cần Thơ), đã bắt quả tang các công nhân đang pha trộn một số loại hóa chất nhập từ Trung Quốc để đóng gói bao bì thành những sản phẩm PB lá hữu cơ mang các nhãn hiệu nổi tiếng của Thái Lan.
Quy trình sản xuất rất thô sơ, sản phẩm, nguyên liệu được cho vào máy trộn bê tông để pha trộn, phân trọng lượng, đóng gói thành phẩm. Sau đó, các sản phẩm này được mang đi tiêu thụ tại các tỉnh- thành khu vực ĐBSCL như: Đồng Tháp, Sóc Trăng, Vĩnh Long, TP Cần Thơ...
Còn tại Đồng Tháp và Trà Vinh, 2 địa phương có thế mạnh sản xuất nông nghiệp, từ đầu năm đến nay tình trạng vi phạm trong sản xuất kinh doanh phân bón cũng đang rất “nóng”.
Ông Lê Hồng Bảy- Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Đồng Tháp nhìn nhận: Hiện nay các loại PB nhập lậu, PB giả, kém chất lượng, chủ yếu là phân Urê, Kali, NPK.
Trong đó, hành vi vi phạm chủ yếu là thiếu hàm lượng các chất dinh dưỡng so với tiêu chuẩn công bố.
Là tỉnh chỉ có một cơ sở sản xuất PB vô cơ, trên 500 cơ sở kinh doanh PB, cho nên phần lớn các loại PB tại Trà Vinh đều do các cơ sở sản xuất tại các tỉnh- thành khác vận chuyển về để tiêu thụ.
Ông Nguyễn Xuân Hiệp- Phó Giám đốc Sở Công thương Trà Vinh, Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Trà Vinh đánh giá: Mặc dù có đầy đủ chế tài xử lý đối với việc sản xuất kinh doanh PB giả, không đạt chất lượng tuy nhiên tình trạng trên vẫn còn diễn ra.
Việc kinh doanh PB giả, kém chất lượng ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, sức khỏe người dân, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế của bà con nông dân trong việc sản xuất và phát triển nông nghiệp.
Vĩnh Long: Con số đáng báo động
Tại Vĩnh Long, có trên 500 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp và 11 DN sản xuất với tổng sản lượng PB sản xuất hơn 95.000 tấn/năm (chủ yếu là phân hỗn hợp NPK).
Trong khi đó, nhu cầu sử dụng PB còn có phân Urê, DAP, Kali đơn chất, phân hữu cơ, PB lá... Cho nên, để đáp ứng nhu cầu sử dụng, các cơ sở kinh doanh trong tỉnh phải nhập PB từ các DN sản xuất ngoài tỉnh để phân phối và bán lẻ lại cho nông dân.
Biểu đồ kết quả kiểm tra lấy mẫu phân bón ở Vĩnh Long qua các năm. |
Theo đánh giá của Chi cục QLTT tỉnh Vĩnh Long, thời gian qua, vẫn còn có các cơ sở tiếp tay cho việc sản xuất, kinh doanh PB giả, kém chất lượng, gây thiệt hại cho sản xuất của nông dân.
Nếu như trong năm 2015, chỉ có hơn 17% mẫu PB giả, kém chất lượng thì chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016, con số này đã tăng lên gần 33% (năm 2015 đã xử phạt 16/93 mẫu PB không đạt chất lượng với số tiền trên 2,2 tỷ đồng, trong đó có 4 mẫu PB giả, 12 mẫu PB kém chất lượng. Đầu năm 2016, chi cục đã tịch thu 18 tấn PB giả).
Mới đây, ngành chức năng cũng vừa phát hiện một cơ sở sản xuất PB vô cơ giả ở Thiện Mỹ (Trà Ôn).
Chỉ với vài dụng cụ thô sơ, máy đóng chai, thùng nhựa, nguyên liệu không rõ nguồn gốc, tem giả, đã có hàng trăm chai PB thành phẩm được gắn nhãn “do Công ty Bioking Nassan Nhật Mỹ sản xuất”.
Từ đầu năm đến nay: Cần Thơ: Kiểm tra và xử lý 133/136 vụ vi phạm về PB, thuốc bảo vệ thực vật. Trà Vinh: Lấy 40 mẫu PB kiểm nghiệm. Kết quả, phát hiện 17/34 mẫu vi phạm, gồm 13 mẫu không đạt chất lượng, 4 mẫu không có giá trị sử dụng. Đồng Tháp: Đã kiểm tra 385 vụ kinh doanh PB, lấy 147 mẫu phân trộn NPK, vi phạm 37 vụ, trong đó, 21 vụ kinh doanh PB có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố, 10 vụ kinh doanh PB giả không có giá trị sử dụng. |
Và số PB giả này đã được tiêu thụ ở Sóc Trăng, Trà Vinh từ năm 2015 đến tháng 6/2016 mới bị phát hiện.
Ông Phạm Tứ Phương- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương tỉnh đánh giá: “Qua kiểm tra, tình trạng vi phạm chất lượng PB còn nhiều.
Trong đợt 1 vừa qua, kiểm tra 1/3 cơ sở (trong số trên 500 cơ sở) và phát hiện 91/276 mẫu không đạt chất lượng, chiếm gần 33%.
Và đáng lưu ý trong 91 mẫu này có 7 mẫu giả. So với các năm trước đây con số này tăng rất nhiều, cho thấy chất lượng PB đang ở mức báo động”.
Tuy nhiên, những con số vi phạm này cũng chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Vi phạm ngày càng tăng, thủ đoạn ngày càng tinh vi, việc phát hiện và xử lý các cơ sở sản xuất PB giả vẫn còn chồng chéo.
Trong khi đó, thời gian qua, các cơ sở kinh doanh phân bón- “cầu nối” giữa nông dân và DN sản xuất- vẫn còn ngoài cuộc, thờ ơ, tỏ thái độ “vô tội” trước ma trận PB giả.
Để ngăn chặn nạn PB giả, kém chất lượng cần sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của ngành chức năng, sự hợp tác của người dân, chính quyền địa phương lẫn DN sản xuất chân chính.
Kết quả kiểm tra lấy mẫu phân bón của Chi cục QLTT Vĩnh Long qua các năm: Năm 2013, kiểm tra 51 vụ, lấy 63 mẫu phân bón kiểm nghiệm, phát hiện 22 mẫu không đạt, trong đó có 3 mẫu giả. Năm 2014, kiểm tra 14 vụ, lấy 41 mẫu phân bón kiểm nghiệm, phát hiện 19 mẫu kém chất lượng. Năm 2015 đã kiểm tra 34 vụ lấy 93 mẫu phân bón kiểm nghiệm, phát hiện 16 mẫu không đạt chất lượng, trong đó có 4 mẫu giả. 9 tháng đầu năm 2016, lấy 276 mẫu, phát hiện 91 mẫu không đạt chất lượng, trong đó có 7 mẫu giả. |
Kỳ 2: Kiệt quệ vì phân bón giả
Bài, ảnh: THẢO LY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin