Ðột phá mới trong điều trị mù lòa

Cập nhật, 16:41, Chủ Nhật, 07/04/2019 (GMT+7)

Sắp tới, nạn nhân của các vụ tấn công bằng axít hoặc bị thương tích ở mắt có thể tránh được cảnh mù lòa nhờ một phương pháp điều trị hứa hẹn tạo ra cuộc cách mạng trong lĩnh vực sinh học giác mạc.

Nạn nhân bị tạt axít có cơ may giữ được đôi mắt. Ảnh: India Today
Nạn nhân bị tạt axít có cơ may giữ được đôi mắt. Ảnh: India Today

Sau khi mắt bị tổn thương nặng do bỏng axít, vật nhọn đâm/cắt hoặc nhiễm trùng, các tế bào gốc trong giác mạc có thể mất đi khả năng chữa lành vì mô bị xơ cứng. Hiểu điều này nên các nhà khoa học tại hai trường đại học Newcastle (Anh) và Missouri (Mỹ) đã nghiên cứu và tìm ra phương pháp cải thiện chức năng chữa lành vết thương của tế bào gốc.

“Trái tim” của liệu pháp này nằm ở collagenase- một enzyme làm mềm mô- có thể xoa dịu khu vực bị xơ cứng. Quá trình làm mềm này giúp vùng xơ cứng có thêm khả năng hỗ trợ tế bào gốc đẩy nhanh quá trình chữa lành vết thương.

Các nhà khoa học tin rằng phát hiện trên cũng có thể mở ra hy vọng tìm lại ánh sáng cho những người bị sẹo giác mạc do thương tích hoặc bệnh tật, dẫn đến mù.

Giác mạc chỉ là một miếng mô mỏng, nên rất dễ bị tổn thương bởi thương tích hoặc nhiễm trùng, đôi khi thủ phạm là kính áp tròng hoặc móng tay. Mỗi năm trên thế giới có hơn 1,5 triệu ca mù giác mạc mới, trong đó có gần 500.000 trường hợp do bị bỏng hóa chất.

*Liệu pháp gien

Cũng trong nỗ lực phục hồi thị giác cho bệnh nhân khiếm thị, gần đây các nhà khoa học Mỹ đã công bố một liệu pháp điều trị mới và khá đơn giản.

Trên lý thuyết, liệu pháp gien có thể được thực hiện bằng cách tiêm vi-rút bất hoạt vào nhãn cầu. Gien mà vi-rút này mang theo có thể thay thế những bộ phận phát hiện ánh sáng bị mất.

Thí nghiệm cho thấy sau khi tiêm các thụ thể ánh sáng xanh lá vào mắt chuột bị mù, nhóm nghiên cứu tại Đại học California-Berkeley nhận thấy 90% tế bào hạch bên dưới võng mạc của chúng đã nhạy cảm trở lại với ánh sáng.

Chỉ với một tháng điều trị bằng liệu pháp gien, những con chuột mù thậm chí đã di chuyển và dễ dàng né tránh các chướng ngại vật.

Các tác giả nghiên cứu cho rằng phương pháp này có thể áp dụng đối với những người khiếm thị do bị thoái hóa võng mạc, khôi phục một phần thị lực đáng kể để họ có thể đi lại hoặc thậm chí đọc sách.

“Đối với những căn bệnh thoái hóa thần kinh võng mạc, điều mà mọi người thường cố gắng là ngăn chặn hoặc trì hoãn tình trạng thoái hóa thêm. Nhưng chuyện khôi phục hình ảnh trong vài tháng là điều quá tuyệt vời”- Giáo sư Ehud Isacoff tại Đại học California-Berkeley chia sẻ.

Theo HẠNH NGUYÊN/Báo Cần Thơ