Sinh thời, nhà văn Vũ Bằng từng quan niệm: "Nghệ thuật ăn cũng là nghệ thuật sống. Ăn miếng ngon khiến người ta thấm thía, nhớ đến nao lòng cái hồn cốt của địa phương ấy. Có những miếng ngon mà người Việt Nam ăn vào ngát mùi đất nước, thấy mình Việt Nam hơn…"
Sinh thời, nhà văn Vũ Bằng từng quan niệm: “Nghệ thuật ăn cũng là nghệ thuật sống. Ăn miếng ngon khiến người ta thấm thía, nhớ đến nao lòng cái hồn cốt của địa phương ấy. Có những miếng ngon mà người Việt Nam ăn vào ngát mùi đất nước, thấy mình Việt Nam hơn…”
Món bún quậy đặc sản ở Phú Quốc. |
Một lần đến với Phú Quốc mới thấm thía câu nói này khi toát mồ hôi hột, bon chen nhiệt tình để thử tô bún quậy. Hương vị đặc biệt, cách ăn đặc biệt và câu chuyện văn hóa mà bún quậy giữ gìn khiến những người yêu ẩm thực nói rằng “chưa ăn bún quậy như chưa đến Phú Quốc!”
Một buổi chiều cuối năm, chúng tôi mò mẫm bản đồ Phú Quốc để tìm đến quán bún quậy lâu đời nhất ở đây. Ở quán Kiến Xây, khách ngồi chật kín và hàng dài đang xếp hàng đợi hay loay hoay ở khu làm nước chấm. Dù đông đúc nhưng chủ quán Trần Quang Sung và các nhân viên vẫn vui vẻ, nhiệt tình hướng dẫn khách cách thưởng thức.
Anh Trần Quang Sung đon đả: “Bún quậy là tên món bún tôm, theo gia đình tôi từ Bình Định về Phú Quốc. Khoảng hơn 20 năm trước, quán không hề có bảng hiệu mà chỉ có bà con trong xóm đến ăn. Dân đảo cực kỳ thân thiện, họ đến tự làm nước chấm, tự phục vụ và chăm sóc bữa ăn cho chồng, cho con như đang ở trong nhà mình”.
Từ món ăn truyền thống của đất võ Bình Định chỉ có bún và tôm, ra đến Phú Quốc, tô bún mới được thêm thắt các loại hải sản tươi ngon. Anh Trần Quang Sung nói: “Cái tên cũng do người Phú Quốc yêu thương đặt cho bởi mọi thao tác đều “quậy”: quậy nước chấm, quậy bún cho ra lò, quậy cho nước xáo nhân, tráng miếng chả ở thành tô”.
“Muốn ăn phải lăn vào bếp”, khi gọi được tô bún, thực khách phải tự chế nước chấm riêng dựa vào khẩu vị cá nhân. Các quán bún quậy ở Phú Quốc đa phần để một bàn có đủ muối, hạt nêm, đường, tiêu, ớt, tắc... hoặc một tô lớn đựng muối chấm trộn sẵn, khách chỉ việc thêm ớt và tắc theo ý mình.
Thực khách quậy đều nước chấm tới khi có màu cam sữa. Điều không được quên là lấy một muỗng nước chấm cho vào tô bún trước, phần còn lại chấm lên bún mỗi lần ăn. Chén nước chấm ngon sẽ tôn lên hương vị món ăn với sự đủ đầy của chút mặn ngọt, cay the và chua chua.
Một tô bún quậy thường có chả tôm, cá, mực tươi, hành ngò xắt nhỏ, nước lèo, thêm gia vị rồi quậy đều cũng như để làm chín phần cá tôm. Chả tôm, chả cá sẽ được quết lên xung quanh tô, sau đó cho bún vào và chan nước lèo, quậy quậy lên và “vừa thổi vừa ăn”.
Đặc sắc của món này là nguyên liệu cực kỳ tươi ngon, bún không mua ở chợ mà do quán làm tại chỗ. Bột gạo được ngâm cho mềm, xay nhuyễn, vo thành khối rồi cho vào máy ép, sợi bún chạy thẳng từ máy ép vào nồi nước luộc đang sôi trên bếp.
Đúng như mong muốn từ thời của ba mẹ, của anh chị rồi đến thế hệ anh Trần Quang Sung “phải để thực khách chủ động, trải nghiệm cảm giác tự chế biến, tự phục vụ, quây quần và có cảm giác như ở gia đình”.
Cảnh khách hàng tự vào bếp cắt cắt, xắt xắt, rồi chen lấn, “tranh giành”, không khí vui tươi thoải mái ở đây thật khó mà tìm thấy ở nơi khác. Nhiều người nói đùa, ai bị cảm cứ tới đây chen chúc, chờ lấy được tô bún là mồ hôi đầm đìa, khỏi ăn cũng hết bệnh.
Sợi bún mềm dai còn đọng lại chút béo béo của bột gạo. Nước dùng bún quậy không đậm đà, cầu kỳ gia vị mà đặc biệt ở cái ngọt thanh từ các nguyên liệu dung hòa lại.
Gắp miếng chả giòn tươi hay con mực dai dai, khó mà cưỡng lại phải húp xì xụp nước lèo nóng hổi, đượm vị thơm nồng của tiêu Phú Quốc. Mỗi vùng đất đều có những món ăn gợi thương, gợi nhớ và với những ai yêu bún quậy thì “Chưa ăn bún quậy như chưa đến Phú Quốc!”
Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin