Văn hóa trong tự phê bình và phê bình

Cập nhật, 05:59, Thứ Năm, 12/11/2015 (GMT+7)

Tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng. Tự phê bình và phê bình mang đậm yếu tố văn hóa vì nó có ý nghĩa thực tiễn rất lớn, giúp cho cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) luôn giữ vững tính Đảng, giữ vững tư cách người cộng sản, tạo nên sự trong sạch vững mạnh của Đảng, làm cho Đảng luôn ở tầm cao của văn hóa, của “đạo đức văn minh”. Vì vậy, yếu tố văn hóa trong tự phê bình và phê bình cần được nhận thức đầy đủ và phát huy.

Mục đích của tự phê bình và phê bình là hướng tới làm rõ đúng, sai, ưu, khuyết điểm của tổ chức Đảng và CB, ĐV để giúp nhau sửa chữa khuyết điểm sai sót. Mục đích mang tính nhân văn sâu sắc của tự phê bình và phê bình là vì sự phát triển của con người; giúp CB, ĐV xa lánh cái xấu, cái ác, cái sai để hướng tới cái đúng, cái thiện, cái tốt đẹp.

Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Mục đích tự phê cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn, cốt để đoàn kết và thống nhất nội bộ”. Từ mục đích của tự phê bình và phê bình đã quy định yếu tố văn hóa trong động cơ, phương pháp phê bình; đó là phải thân ái, trong sáng, khéo léo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng thuật ngữ “Khéo dùng cách phê bình” đã hàm chứa phương pháp, nghệ thuật khi phê bình. Phê bình đóng góp có văn hóa với sự cởi mở, chân thành, khoan dung, với tình thương yêu đồng chí sẽ có tác dụng cảm hóa, lan tỏa rất lớn đến lòng tự trọng, bản lĩnh, tính tự giác nhận sai sót của CB, ĐV và như vậy liều thuốc “trị bệnh cứu người” của phê bình mới có tác dụng cao.

Khi phê bình phải đảm bảo tính dân chủ và công khai. Đây là hệ giá trị văn hóa xã hội tiếp thêm nguồn năng lượng mới để tự phê bình và phê bình có hiệu quả cao. Bởi theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân chủ là chìa khóa vạn năng để giải quyết những khó khăn phức tạp trong nội bộ Đảng và đời sống xã hội.

Trong bầu không khí cởi mở, chân thành, thật sự dân chủ, bình đẳng thì mọi CB, ĐV mới tích cực chủ động, nói thẳng nói thật làm rõ được bản chất của vấn đề. Người được phê bình và người phê bình mới thật sự gần gũi đồng cảm và như vậy sẽ luôn mang lại tác dụng tích cực trong phê bình và cả việc nhận khuyết điểm thiếu sót và khắc phục sửa chữa về sau.

Như vậy tính văn hóa của tự phê bình và phê bình thể hiện ở mục đích và phương pháp cách thức tiến hành. Mọi CB, ĐV cần nhận thức rõ để đảm bảo trong mọi cuộc tự phê bình và phê bình trong Đảng đều thật sự có văn hóa, để nâng cao chất lượng hiệu quả của phê bình; để văn hóa tự phê bình và phê bình được duy trì và phát triển bền vững trong Đảng.

Thanh Hồng (Long Hồ)