"Không có việc gì khó, càng khó khăn thì phải càng cố gắng, có như thế thì mới thành công được"- lời đúc kết của chú Nguyễn Văn Hào (xã Tân Mỹ- Trà Ôn) khiến chúng tôi cứ nhớ mãi. Một lão nông tuổi quá lục tuần nhưng vẫn cần mẫn, hăng say lao động chỉ với suy nghĩ "làm giàu để góp phần xây dựng nước nhà".
Các tin liên quan |
“Không có việc gì khó, càng khó khăn thì phải càng cố gắng, có như thế thì mới thành công được”- lời đúc kết của chú Nguyễn Văn Hào (xã Tân Mỹ- Trà Ôn) khiến chúng tôi cứ nhớ mãi. Một lão nông tuổi quá lục tuần nhưng vẫn cần mẫn, hăng say lao động chỉ với suy nghĩ “làm giàu để góp phần xây dựng nước nhà”.
Trải qua biết bao khó khăn, thăng trầm trên con đường lập nghiệp, giờ đây, người nông dân ấy đã gầy dựng được cho gia đình cơ ngơi khang trang, vững chắc mà nhiều người ao ước.
Qua bao khó khăn, giờ đây với mô hình kinh tế tổng hợp, gia đình chú Năm ngày càng khấm khá. |
Khó khăn thì càng cố gắng
Dù công việc khá bận bịu nhưng ông Trần Đức Thanh- Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Mỹ- vẫn nhiệt tình đưa chúng tôi đến thăm cơ ngơi của gia đình chú Nguyễn Văn Hào (thường gọi là Năm Hào) ở ấp Mỹ An.
Chạy dọc theo con đường lớn rồi men theo con đường đan nhỏ xíu, ngoằn nghèo đến bít lối, cuối cùng chúng tôi đến căn nhà khang trang nằm lọt thỏm giữa rừng cây, kiểng xanh mướt mắt.
Khi chúng tôi đến, chú Năm Hào đang ở tuốt ngoài vườn. Vườn cam xen nhãn chạy dài mấy trăm mét, nhìn xa mút mắt. Những liếp cam đang cho trái xum xuê, được trồng ngay hàng thẳng lối như ô tập.
Chú Năm Hào đang lúi húi ươm bầu nhãn cho khách hàng liền nghỉ tay và vội vã vạt mấy trái dừa “cây nhà lá vườn” mời khách giải khát dưới nắng hè.
Và câu chuyện của chúng tôi được bắt đầu bằng câu nói của Bác Hồ mà chú Năm vẫn luôn nằm lòng: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”.
Rồi chú kể lại cái thời trước giải phóng, lúc ấy gia đình còn nghèo khó lắm nhưng vì chí lớn chú đành tạm gác “việc riêng để cho việc chung”. Năm 1972, chú tham gia cách mạng và làm du kích xã. Sau giải phóng, chú về lo phát triển kinh tế và lập gia đình sau đó.
Ra riêng, gia đình nhỏ của chú được cha mẹ cho 4 công ruộng. Cuộc sống khó khăn cộng thêm nuôi 3 con nhỏ nên chú quyết tâm tìm hướng thoát khỏi đói nghèo. “Lúc đó tôi chỉ nghĩ đến việc Bác chỉ có 2 bàn tay trắng mà xây dựng cả sơn hà. Vậy tại sao mình có sức khỏe, có điều kiện mà không làm được? Vàng ở 2 bàn tay lao động của chúng ta”- chú nhớ lại.
Chú bàn với gia đình vay tiền đóng thùng suốt lúa và bắt đầu đi suốt lúa mướn ở địa phương rồi đến Bạc Liêu, Cà Mau. Sau nhiều năm làm mướn tích lũy được ít vốn, chú chuyển sang đóng ghe đi mua bán lúa, gạo.
Mãi đến năm 2012, hành trình rày đây mai đó của người nông dân ấy bắt đầu chuyển sang trang mới khi chú bắt được thông tin về chủ trương chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp của Đảng, Nhà nước. Thế là chú quyết định quay về quê “bám đất, bám làng” chuyển sang làm kinh tế vườn và chọn cây cam sành làm cây chủ lực.
Nói là làm liền, chú xẻ mương, lên liếp bờ bao, đắp mô 4 công ruộng để trồng cam sành. Chú Năm kể: “Nói vậy chứ khi bắt tay vào làm đâu phải dễ, vì thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm nên gặp không ít khó khăn.
Nhưng điều đó không làm chú nản chí mà càng tăng thêm quyết tâm vì thành công sẽ không đến dễ dàng nếu như ta không có quyết tâm”.
Nhờ vững chí bền lòng cộng thêm chịu khó học hỏi kinh nghiệm, sau 2 năm khi thu hoạch lứa cam đầu tiên gia đình chú thu lợi trên 160 triệu đồng. Cuộc sống khấm khá hơn. Chưa dừng lại ở đó, đến năm 2015 chú mua thêm 8 công đất và mở rộng mô hình kinh tế
tổng hợp…
Hiện tại, huê lợi từ mô hình kinh tế này mang lại là con số không hề nhỏ- hơn 1 tỷ đồng/năm. Chú Năm đúc kết: phải chịu khó, siêng năng, kiên trì và phải biết học hỏi cái hay, vận dụng khoa học- kỹ thuật vào sản xuất. Chứ nếu làm cho có thì sẽ thất bại chứ chẳng chơi.
Dân giàu thì nước mới mạnh
Đưa chúng tôi thăm vườn cây trái xanh mơn mởn rồi đến những ao cá tai tượng hàng ngàn con cùng đàn bò hơn chục con đang thong dong nhơi cỏ trong chuồng, chú Năm nhanh nhảu giới thiệu: “Công trình này là thành quả chú vất vả mấy mươi năm nay mới có được đó. Nhà báo thấy không, ông bà ta nói đúng “tấc đất tấc vàng”. Nếu như mình biết khai thác tốt thì đất khô cằn cũng sẽ nở hoa”.
Rồi chú dẫn chứng: “Như vườn này nè, lúc trước chú trồng cam sành, thấy còn đất trống xen thêm nhãn Ido, trên liếp có cỏ nên tận dụng nuôi bò. Còn mặt nước ao mương tận dụng nuôi cá tai tượng, cộng thêm nhãn chiết cành bán cây giống…”
Chính sự chủ động, khéo léo tính toán cùng khát vọng làm giàu chính đáng mà chú Năm đã biến “đất thành vàng”. Bởi, trong khi nông dân mình luôn bị điệp khúc “trồng rồi chặt” thì chú Năm lại chọn việc cải tạo ruộng sang vườn cây ăn trái, biết cách trồng cây xen canh năng suất cao lại phù hợp với điều kiện đất đai địa phương.
Tận dụng cỏ trong vườn, chú Năm Hào nuôi 15 con bò giống thu lợi nhuận 300 triệu đồng/năm. |
Bên cạnh đó là tinh thần học hỏi và biết áp dụng khoa học kỹ thuật nên mô hình kinh tế của gia đình chú luôn phát triển tốt và cho năng suất cao.
Khi trò chuyện với chúng tôi, chú Năm không kể về những sương gió, cơ cực của những năm tháng tay lấm chân bùn mà chỉ kể về những kinh nghiệm, bài học sâu sắc mà bản thân đã đúc kết và cả những trăn trở làm sao để nông dân mình ai cũng làm giàu được.
Theo chú, “Bác luôn mong muốn xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Để làm được điều đó thì mỗi người phải tự làm giàu cho bản thân bởi dân có giàu thì nước mới mạnh”.
Cũng chính suy nghĩ ấy mà chú luôn sẵn sàng truyền đạt kinh nghiệm cho bà con cùng nhau phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, giảm nghèo bền vững. Với chú, “thấy bà con kinh tế khá giả thì mừng lắm; vả lại đây còn là trách nhiệm của bản thân góp phần tham gia phát triển kinh tế địa phương”.
Giờ đây có lẽ đối với bà con, chuyện mua cây giống “chưa phải trả tiền” hoặc giá rẻ hay nhờ chú Năm ra tận vườn hướng dẫn cách lên liếp, đắp mô, thiết kế vườn tược là chuyện bình thường.
Chú rất vui vẻ, nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, nhờ vậy mà “tôi và bà con địa phương mới mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình trồng cam xen nhãn, hứa hẹn kết quả khả quan”- anh Thạch Thành Công (ấp Sóc Ruộng, xã Tân Mỹ) phấn khởi chia sẻ.
Theo như lời bà con nơi đây, chú Năm Hào làm kinh tế giỏi nhưng không hề “giấu nghề”. Thật vậy, anh Công nói, khi nghe gia đình tôi làm hơn 1ha lúa nhưng chẳng dư giả gì, chú liền gợi ý: “Về nói gia đình chuyển sang làm vườn thử vài công đi, chú sẽ qua tận nhà hỗ trợ cho. Nếu điều kiện đất đai phù hợp, chú sẽ hỗ trợ cây giống giá rẻ và tận tình hướng dẫn kỹ thuật. Cứ yên tâm, thu nhập sẽ khá hơn…”
Cuộc trò chuyện kéo dài đến khi trời đứng bóng. Trước khi tạm biệt chú ra về, chúng tôi vẫn không quên gửi lời cảm ơn chú- người nông dân đáng quý.
Anh Nguyễn Văn Hào là nông dân điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Anh không chỉ chí thú làm ăn, biết áp dụng khoa học kỹ thuật làm giàu cho bản thân mà còn gần gũi, hết lòng truyền đạt kinh nghiệm cho nông dân phát triển kinh tế.
Năm qua, anh Hào đã hỗ trợ hơn 20 hộ gần 2.000 nhánh nhãn, 1.500 con cá tai tượng bằng hình thức bán bằng 50% giá giống. |
Bài, ảnh: NHÓM PV XÂY DỰNG ĐẢNG
(Còn tiếp)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin