Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Cập nhật, 15:25, Thứ Ba, 12/01/2021 (GMT+7)

Tôi được biết Bộ luật Lao động 2019 đã có hiệu lực thi hành. Vậy theo bộ luật này, trường hợp người sử dụng lao động (NSDLĐ) đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) thì phải có nghĩa vụ gì đối với người lao động (NLĐ)?

Huỳnh Văn Thành

(Vũng Liêm)

Trả lời:

Căn cứ Điều 41 Bộ luật Lao động 2019, NSDLĐ khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật phải có nghĩa vụ:

- Phải nhận NLĐ trở lại làm việc theo HĐLĐ đã giao kết; phải trả tiền lương, đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày NLĐ không được làm việc và phải trả thêm cho NLĐ một khoản tiền ít nhất bằng 2 tháng tiền lương theo HĐLĐ.

Sau khi được nhận lại làm việc, NLĐ hoàn trả cho NSDLĐ các khoản tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm nếu đã nhận của NSDLĐ.

Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong HĐLĐ mà NLĐ vẫn muốn làm việc thì 2 bên thỏa thuận để sửa đổi, bổ sung HĐLĐ.

Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước quy định tại khoản 2 Điều 36 của Bộ luật này thì phải trả một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo HĐLĐ trong những ngày không báo trước.

- Trường hợp NLĐ không muốn tiếp tục làm việc thì ngoài khoản tiền phải trả quy định tại khoản 1 điều này NSDLĐ phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 của bộ luật này để chấm dứt HĐLĐ.

- Trường hợp NSDLĐ không muốn nhận lại NLĐ và NLĐ đồng ý thì ngoài khoản tiền NSDLĐ phải trả theo quy định tại khoản 1 điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 của bộ luật này, 2 bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm cho NLĐ nhưng ít nhất bằng 2 tháng tiền lương theo HĐLĐ để chấm dứt HĐLĐ.

PHÒNG BẠN ĐỌC