Những con chim phóng sinh tội nghiệp

Cập nhật, 14:08, Thứ Tư, 21/10/2020 (GMT+7)

Việc phóng sinh một con vật thể hiện nét văn hóa đẹp, lối sống đạo đức, tình yêu thiên nhiên. Nhưng đằng sau đó có nhiều điều đáng bàn, mà người phóng sinh lại chưa hiểu hết.

Có bao giờ chúng ta tự hỏi, mua một con chim sẻ với giá tầm 15.000đ, đắt nhất là 50.000đ (tùy chùa, miếu) để phóng sinh nhưng chúng lại bay không nổi? Khi tung chim lên không trung, chim lại đáp xuống hoặc té thảm thương? Ấy là do chính người bán đã cắt một ít lông cánh của chim, để chúng mất thăng bằng, bay không nổi hoặc bay không xa được. Riêng một số con chim bay đi một lúc rồi quay về chỗ cũ là bởi chúng nghe theo hiệu lệnh của chú chim mồi. Trong một cái lồng chim sẻ chen chúc sẽ có một chú chim mồi để dụ khị lòng trung thành của các chú chim sẻ thành viên. Khi chim mồi còn trong lồng thì không bao giờ những chú chim sẻ thành viên tù tội muốn bay đi nơi khác.

Người bán làm thế chỉ để bán một chú chim được nhiều lần mà không cần phải biết để bẫy hoặc tốn tiền mua sỉ thêm nữa. Thành ra những chú chim bị bắt rồi thả, thả rồi bắt cả ngày làm cho chúng mệt nhoài. Đến lúc sức tàn lực kiệt thì bỏ mạng mà mấy ai biết để rủ lòng thương xót. Có những chú chim nằm chết bên vệ đường sau một lần phóng sinh nhưng con người nào hay biết. Hay những chú chim phục vụ công cuộc phóng sinh đã đến “tuổi hưu” bị vứt vào sọt rác đến đau lòng. Đó là chưa bàn đến việc vài trăm con chim sống tạm bợ trong một chiếc lồng bé xíu sẽ dễ phát sinh dịch bệnh, ô nhiễm, tranh nhau thức ăn đến gầy rạc, xác xơ.

Nếu phóng sinh cá còn có thể chấp nhận được vì cá nuôi cần được giải thoát về với sông hồ, giúp hạn chế ô nhiễm môi trường, cân bằng hệ sinh thái. Nhưng, những chú chim sẻ thuộc về thiên nhiên từ lúc nguyên thủy, cớ sao lại bắt chúng nhốt vô lồng rồi lại phóng sinh? Nếu con người không mua chim phóng sinh, thì sẽ không còn cảnh chim bị lùng bẫy, bị hành xác đến tội nghiệp. Nghề bẫy chim phục vụ cho mục đích phóng sinh sẽ bị triệt tiêu ngay. Dù chim sẻ ăn lúa thóc, nhưng lại là thiên địch của một số loài côn trùng phá hoại mùa màng, rất có lợi cho nhà nông. Vì vậy cứ để thuận theo tự nhiên, không cần phải phóng sinh chim tích đức. Như thế chính là bạn làm được một việc tốt và không lãng phí tiền bạc.

NGUYỄN HOÀNG DUY