Lợi ích nhiều mặt của trò chơi dân gian

Cập nhật, 05:23, Thứ Tư, 07/10/2020 (GMT+7)

Hiện nay trẻ em hầu như được tiếp cận với tivi, Internet nên đa số dành nhiều thời gian vào xem phim ảnh hoặc chơi game với các trò đánh đấm, bắn nhau dẫn đến những tác hại nghiêm trọng như lệch lạc trong tình yêu, giới tính, tình trạng nghiện game và bạo lực gia tăng,…

Không chỉ trẻ em ở khu vực đô thị mà ngay cả trẻ em vùng nông thôn giờ đây cũng có điều kiện tiếp cận “công nghệ” trong nhu cầu giải trí của mình.

Chính vì thế mà những trò chơi vận động, trò chơi dân gian phát triển thể lực, tính khéo léo, tình đoàn kết gắn bó, tương trợ nhau dần dần bị vắng bóng khiến việc phát triển thể chất lẫn tâm hồn các em ngày càng hạn chế.

Những người trong độ tuổi trưởng thành bây giờ dù là nông dân chân lấm tay bùn hay một doanh nhân giàu có thành đạt, một trí thức học vị cao thì cũng từng trải qua một quãng đời tuổi thơ với những trò chơi con trẻ trong suốt thời thơ ấu của mình.

Những trò chơi dân gian đầy tính vận động và trí tuệ như có một ma lực hấp dẫn và vô cùng thú vị đối với tất cả những em bé trước đây. Nào là trò chơi năm mười trốn tìm, bịt mắt bắt dê, đánh trận giả, kéo co, nhảy dây, đá cỏ gà, ô ăn quan, bắn bi, banh đũa (đánh nẻ),…

Khi nhắc đến thì như cả khoảng trời tuổi thơ tràn về với mỗi người, còn với trẻ con bây giờ thì tương đối xa lạ.

Đặc biệt các trò chơi dân gian rất dễ tổ chức, không cầu kỳ, tốn kém nên có thể dễ dàng chơi mọi lúc, mọi nơi, đồ vật phục vụ cho trò chơi rất dễ tìm, dễ làm, chủ yếu lấy từ trong tự nhiên, thậm chí chỉ là cái dây, hòn sỏi, que tre, viên gạch chúng có thể nhặt trong vườn, dưới ruộng là có thể lập được một hội chơi.

Chơi trò chơi dân gian không chỉ đơn thuần là thú tiêu khiển của trẻ em mà còn rèn luyện cho trẻ khỏe mạnh về thể chất, về sự phán đoán, óc tư duy sáng tạo và đặc biệt là rèn cho trẻ sớm có tính tự lập, chủ động, biết yêu thương con người, yêu thương thiên nhiên và cuộc sống quanh mình từ đó hình thành tốt kỹ năng sống và giá trị sống để vận dụng vào thực tiễn hàng ngày.

Hiện nay, một số trường học đã thực hiện việc tổ chức các trò chơi dân gian cho các học sinh trong giờ ra chơi, các buổi sinh hoạt ngoại khóa,… để vừa giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống vừa tạo sân chơi lành mạnh cho các em thoát khỏi những trò tiêu khiển hiện đại góp phần phát triển toàn diện trong công tác giáo dục.

Với ý nghĩa to lớn đó mong rằng trong thời gian đến việc đưa trò chơi dân gian vào trường học cần được nhân rộng hơn, điều này đòi hỏi cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với các tổ chức đoàn thể trong xã hội và phụ huynh học sinh trong việc tổ chức, đồng hành để các em có được những sân chơi bổ ích sau những giờ học đầy căng thẳng.

VĂN THI HOÀNG