Nỗi lo chất lượng trái cây

Cập nhật, 06:00, Thứ Sáu, 09/10/2020 (GMT+7)

Trái cây là thực phẩm rất tốt cho sức khỏe. Trái cây không chỉ giúp làm sạch đường ruột mà còn giúp cơ thể tái tạo mạnh mẽ, tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch, chống lại bệnh tật. Vì vậy, một chế độ ăn uống gồm nhiều rau củ và trái cây luôn được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích áp dụng. 

Tuy nhiên, những năm gần đây, phương tiện truyền thông thường xuyên thông tin về những vụ việc trái cây bị tẩm ướp hóa chất độc hại khiến người tiêu dùng luôn có tâm lý lo lắng vì rất khó để phân biệt được đâu là trái cây an toàn và đâu là trái cây có chứa hóa chất độc hại.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung (ngụ khóm Tân Quới Đông- phường Trường An) chia sẻ: “Nhà tôi có bé nhỏ nên tôi thường xuyên mua trái cây để tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ tiêu hóa chẳng những cho bé mà cho cả nhà luôn.

Nhưng giờ tôi cân nhắc lắm vì nhiều loại trái cây bị phun thuốc trừ sâu, tẩm ướp hóa chất. Như cách đây mấy hôm, thấy trên sạp ngoài chợ bán mít nhìn bên ngoài ngon quá nên tôi mua. Múi mít to, vàng ươm nhưng khi về tách ra thì xốp xộp như bị thổi phồng lên hết cỡ.

Tôi ăn thử thì mít có vị lạt, không ngọt mà lại chua chua. Rất nhiều múi có biểu hiện thối, bắt đầu nhũn nhão từ chân múi lên. Thấy không ổn, tôi đành bỏ hết!”

Không riêng gì chị Nhung mà giờ đây khi chọn mua trái cây ai cũng phải “dè chừng”. Nếu như trước đây khi nói đến trái cây có chứa hóa chất độc hại thì nhiều người sẽ nghĩ ngay đến trái cây có xuất xứ từ Trung Quốc.

Còn bây giờ, ngay cả các mặt hàng trái cây nội địa như: cam, quýt, chuối, bơ, sầu riêng, mít… vẫn bị thương lái sử dụng hóa chất để kích thích mau chín, trái to, bóng đẹp và thời gian sử dụng dài hơn.

Để bảo vệ sức khỏe và được an tâm hơn, nhiều người buộc lòng chọn mua trái cây ngoại với tiêu chí “dù mắc nhưng an toàn, thà mua được ít hơn một chút, tính toán chi tiêu hơn một chút nhưng đảm bảo sức khỏe.

Nói tôi sính ngoại thì tôi cũng đành chịu chứ thật tình mua trái cây ăn mà không “mạnh miệng” thì tôi không thể mua. Sức khỏe giờ là quan trọng nhất”- chị Lê Thị Thùy D. (ngụ Phường 4) bộc bạch.

Có thể thấy, trái cây không rõ nguồn gốc, xuất xứ, mù mờ về chất lượng đang được bày bán tràn lan đã và đang đe dọa sức khỏe người tiêu dùng.

Trước nỗi lo của người tiêu dùng, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát để xử lý những “tiêu cực” trong việc kinh doanh, mua bán mặt hàng này- nhất là hành vi cố tình sử dụng hóa chất độc hại tẩm ướp vào trái cây.

Siết chặt quản lý thị trường trái cây không những bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, mà còn góp phần lấy lại uy tín, chất lượng cho trái cây nội địa vốn là thế mạnh của một nước nông nghiệp như nước ta.

NHƯ Ý