Nỗi niềm bị "ép" đi học thêm

Cập nhật, 09:33, Thứ Năm, 08/10/2020 (GMT+7)

Câu chuyện dưới đây là câu chuyện có thật của một phụ huynh có con vừa vào lớp 1 một trường tiểu học trên địa bàn TP Vĩnh Long.

Phụ huynh này chia sẻ, mới học được gần 2 tuần, giáo viên chủ nhiệm của con điện thoại nói con chưa biết viết chữ, số. Rèn trong lớp thì rất yếu và “thua hết tất cả bạn bè trong lớp”. Giáo viên này còn gửi tập viết của con về nhà “cho phụ huynh xem” và yêu cầu cho con đi học thêm để giáo viên này… dạy kèm.

Theo chia sẻ, lúc đầu phụ huynh này cũng đã bị “sốc” khi nhận được yêu cầu “thẳng thừng” của giáo viên như vậy bởi chị biết, việc dạy thêm học thêm ở bậc tiểu học đã bị Bộ GD- ĐT cấm từ mấy năm nay, giáo viên dạy sẽ vi phạm. Tuy nhiên, cuối cùng chị cũng đồng ý cho con đi học.

Chị đến một nhà sách trên đường Trưng Nữ Vương để mua sách, tập cho con đi học thêm theo yêu cầu của giáo viên. Ngạc nhiên hơn nữa khi chủ hiệu sách hỏi “mua để cho con đi học thêm phải không?” khi chị chưa nói mục đích mua để làm gì. Chủ hiệu sách cho biết, rất nhiều phụ huynh đã mua “y chang” như vậy với cùng một mục đích là cho con đi học thêm. Lúc này chị mới ngỡ rằng, việc cấm là cấm, ai dạy thêm cứ dạy!

Chương trình lớp 1 (theo chương trình giáo dục phổ thông 2018) và chương trình bậc tiểu học, theo Bộ GD- ĐT, các em chỉ cần học trên lớp là đủ, thậm chí học sinh cũng không cần mang sách, vở về nhà. Điều này nhằm giúp các em học sinh thoải mái tinh thần với chương trình học, không tạo áp lực cho các em. Đồng thời, quy định cấm việc dạy thêm, học thêm để tránh các tiêu cực.

Ấy vậy mà tình trạng này vẫn “âm thầm” diễn ra, với một số trường hợp “cá biệt” là yêu cầu học sinh đi học thêm “thẳng thừng” như giáo viên nói ở trên.

Thiết nghĩ, ngành giáo dục cần có những giải pháp để giáo viên, phụ huynh và học sinh nắm rõ và sâu sắc hơn về vấn đề này, bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của giáo viên mà còn gây khó cho phụ huynh và áp lực học tập của học sinh càng nặng nề…

CÔNG NGÔN