Từ chuyện khan hiếm khẩu trang...

Cập nhật, 07:38, Thứ Tư, 12/02/2020 (GMT+7)

Trước sự lây lan và mức độ nguy hiểm của bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV) gây ra, trong khi chờ đợi ngành y tế chạy đua với “tử thần” tìm ra phương thuốc đặc trị, người người đã tìm hiểu để chọn cho mình phương án phòng bệnh hiệu quả nhất. Và, chiếc khẩu trang y tế là một lựa chọn hàng đầu.

Theo khuyến nghị của ngành y tế, khi đến nơi đông người đeo khẩu trang y tế đúng cách là một trong những phương pháp phòng lây, nhiễm bệnh. Thế nên, ai cũng tranh thủ trang bị cho mình chiếc khẩu trang y tế. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn tìm mua được càng nhiều khẩu trang y tế là càng tốt. Bởi có một thực tế đang diễn ra là, người người cần, người người đổ xô đi mua thành ra khan hàng, sốt giá thậm chí là người thì thừa, nhưng kẻ lại thiếu.

Anh Nguyễn Thanh Hùng (ngụ phường Trường An) chia sẻ: “Lúc đầu khi nghe thông tin về dịch bệnh, thấy tỉnh mình không có ca nhiễm bệnh nên tôi chủ quan không mua khẩu trang y tế liền. Nhưng càng tìm hiểu, càng nghe thông tin tuyên truyền càng hiểu rõ mức độ nguy hiểm của dịch bệnh nên tôi quyết định đi mua khẩu trang. Nhưng giờ đây, tìm khẩu trang y tế đỏ cả mắt. Tôi đi hết 5-6 tiệm thuốc Tây mà chẳng tiệm nào còn hàng. Thấy vậy, anh hàng xóm chia cho tôi 2 xấp. Tôi mừng lắm! Mong rằng khẩu trang y tế không tiếp tục bị khan hàng, găm hàng để những người chưa có khẩu trang như tôi sẽ trang bị được khẩu trang cho mình”.

Sự thật là đã có không ít người lợi dụng tình hình khan hiếm khẩu trang để mua vét, găm hàng, đầu cơ, tăng giá gây nên cảnh “sốt hàng” và “hết hàng”. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng chính tâm lý “hoang mang, hoảng loạn”, ai cũng muốn có thật nhiều khẩu trang dự trữ trong nhà dẫn đến cảnh chen lấn, xô đẩy ở những nhà thuốc, cửa hiệu có bán khẩu trang mà báo đài đã thông tin thời gian qua.

Thiết nghĩ, trước nạn dịch bệnh do chủng mới của vi rút corona thì ai cũng cần phải đeo khẩu trang. Nhưng, cũng như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chúng ta phải “chống dịch như chống giặc”, hoang mang nhưng không thể hoảng loạn. Vì thế, rất cần mỗi chúng ta bình tĩnh, đoàn kết, mình vì mọi người, mọi người vì mình. Mình cần, người khác cũng cần nên phải biết sẻ chia. Nói đến đây, tôi lại nhớ đến câu chuyện mà nhỏ bạn định cư bên Nhật chia sẻ. Có lần tỉnh nhà bạn bị động đất, bạn định đem tất cả xe trong nhà đi đổ đầy xăng thì được chồng can: “Bình thường em có thể đổ đầy bình nhưng vừa động đất, em chỉ nên đổ nửa bình thôi. Rất nhiều người đang cần”. Đất nước Nhật Bản thường xuyên phải gánh chịu thiên tai, động đất. Nhưng kinh tế Nhật phục hồi và phát triển rất nhanh sau những thảm họa. Đó là vì người Nhật luôn chung tay để cùng nhau vượt qua những khó khăn.

Bởi thế, thương lắm những tấm lòng thiện nguyện đang bỏ ra tiền bạc, công sức đứng phát từng chiếc khẩu trang y tế miễn phí cho người nghèo. Yêu lắm những công ty gia tăng sản xuất khẩu trang kháng khuẩn tặng dân trên địa bàn. Chính sự vào cuộc của tất cả các ban, ngành, đoàn thể, công ty, doanh nghiệp (mà đặc biệt là ngành y tế đang chạy đua không màng đến mệt mỏi), tôi tin bệnh dịch sẽ sớm bị đẩy lùi. Nhưng trước hết và ngay bây giờ mỗi chúng ta phải cùng nhau chung tay giải “bài toán khẩu trang”. Khi các cơ quan chức năng đang quyết liệt vào cuộc với vấn nạn đầu cơ, găm hàng, tăng giá; khi các công ty đang gia tăng sản xuất khẩu trang thì hẳn kịch bản khan hàng, hiếm khẩu trang trong thời gian tới khó diễn ra. Đừng để hoang mang phát triển thành hoảng loạn dễ dàng đánh mất đi giá trị của lòng thương yêu, tinh thần đoàn kết!

NHƯ Ý