Sức sống của tác phẩm Sửa đổi lối làm việc

Cập nhật, 05:52, Thứ Ba, 18/10/2022 (GMT+7)

(VLO) Cách đây 75 năm, vào tháng 10/1947, tại Việt Bắc với bút danh XYZ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm: Sửa đổi lối làm việc.

Theo các nhà nghiên cứu, ra đời từ 75 năm trước nhưng đến nay, tác phẩm Sửa đổi lối làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên tính thời sự, đặc biệt với quá trình đổi mới và chỉnh đốn Đảng, đổi mới đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng trong thời kỳ mới.

Tác phẩm Sửa đổi lối làm việc gồm 6 phần: Phê bình và sửa chữa; mấy vấn đề kinh nghiệm; tư cách và đạo đức cách mạng; vấn đề cán bộ; cách lãnh đạo; chống thói ba hoa.

Nêu những khuyết điểm của cán bộ đảng viên; nhưng tập trung nhất là phần tư cách và đạo đức cách mạng, và đây cũng là phần có vị trí đặc biệt quan trọng và có độ dài nhất trong tác phẩm.

Ở đây, Bác yêu cầu mỗi đảng viên phải thực hiện nghiêm túc mối quan hệ giữa lời nói và việc làm và nêu nhiệm vụ cụ thể của mỗi cán bộ đảng viên phải làm gì, làm như thế nào để thực hành lý luận.

Sửa đổi lối làm việc là tác phẩm có tính lý luận, tính chiến đấu và tính thực tiễn sâu sắc. Tác phẩm đã bao quát những vấn đề rộng lớn trong toàn bộ các mối quan hệ và các nguyên tắc, phương pháp, lề lối, cách thức làm việc của Đảng, Nhà nước và của cán bộ, đảng viên mà trung tâm là mối quan hệ giữa người với người.

Theo đó, cán bộ, đảng viên được coi như là khâu trung tâm của các mối quan hệ ấy. Đảng viên, cán bộ là những chiếc cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.

Mọi việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Sửa đổi lối làm việc là khắc phục khuyết điểm, phát huy ưu điểm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, sửa đổi cách lãnh đạo của Đảng để xây dựng mối quan hệ tốt hơn giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân theo nguyên tắc dân làm chủ.

Theo các nhà nghiên cứu, mục đích của tác phẩm là nâng cao trình độ lý luận, nâng cao tư tưởng và tình cảm cách mạng, nâng cao phẩm chất đạo đức, tác phong công tác của người cán bộ cách mạng, nâng cao năng lực lãnh đạo nhằm đáp ứng các yêu cầu mới của cách mạng.

Trong tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh phê phán “chủ nghĩa cá nhân” vì đó là một thứ “vi trùng rất độc” nó sinh ra các khuyết điểm nghiêm trọng như bệnh tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, ham địa vị, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương, óc lãnh tụ, bệnh “hữu danh vô thực”, kéo bè, kéo cánh, bệnh cận thị không biết nhìn xa, trông rộng... Đồng thời, Người vạch ra nguyên nhân và phương hướng khắc phục.

AN NHIÊN