Đưa hoạt động của người dân lên môi trường số

Cập nhật, 05:39, Thứ Tư, 12/10/2022 (GMT+7)

Tại Hội nghị kỷ niệm ngày Chuyển đổi số (CĐS) quốc gia (10/10), Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi một thông điệp: Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực của CĐS. Và CĐS phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Theo đó, định hướng CĐS quốc gia xuyên suốt trong năm 2022 là đưa hoạt động của người dân lên môi trường số bằng các nền tảng số. Qua đó, hướng tới cụ thể hóa mục tiêu thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình phổ cập kỹ năng số, phát triển nguồn nhân lực; thúc đẩy các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam nghiên cứu, phát triển các nền tảng số; thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số.

Để thực hiện tốt điều này, Thủ tướng yêu cầu phải tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, triển khai hiệu quả Chiến lược CĐS quốc gia; phát triển đồng bộ cả về thể chế, hạ tầng số, nền tảng số và nhân lực số. Cùng với đó, nâng cao tỷ lệ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến; tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nâng cao mức độ hài lòng của người dân; tập trung triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Song song đó, tăng cường truyền thông về lợi ích của CĐS để các cơ quan quản lý nhà nước, người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích, hiệu quả của CĐS, tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà CĐS mang lại. Đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các tiện ích, dịch vụ số.

Theo Bộ Thông tin - TT, CĐS Việt Nam là bắt đầu từ những nhu cầu thiết thực trong cuộc sống hàng ngày của người dân, đưa hoạt động của người dân lên môi trường số. Hưởng ứng ngày CĐS quốc gia 10/10, cơ quan nhà nước cùng cộng đồng doanh nghiệp đồng hành với người dân trong tiến trình CĐS bằng cách đồng loạt có chính sách ưu đãi sử dụng sản phẩm, dịch vụ số lên đến 50% giá sản phẩm, dịch vụ.

Hiện, các tổ công nghệ số cộng đồng cũng đã, đang và sẽ tiếp tục đi từng ngõ, gõ từng nhà để hướng dẫn từng người dân sử dụng sản phẩm, dịch vụ số. Qua quá trình sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số, người dân sẽ có kỹ năng số. Có kỹ năng số sẽ thúc đẩy tiêu dùng số, hình thành thị trường số từ đó phát triển kinh tế số, xã hội số.

AN NHIÊN