Sau khó khăn, cơ hội sẽ đến!

Cập nhật, 09:11, Thứ Năm, 28/10/2021 (GMT+7)

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Lê Minh Hoan vừa có buổi đối thoại với các “vua nông sản”, tìm giải pháp vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19.

Vẫn là những khó khăn, nhưng khó khăn lần này của nhiều doanh nghiệp là “chưa có trong tiền lệ”. Việc lưu thông, tiêu thụ nông sản bị nghẽn mạch, trong khi chi phí logistics tăng cao. “Đến cái hộp đựng trứng cũng tăng giá 20- 30%, trong khi giá trứng giảm 30- 40%.”- bà Phạm Thị Huân- Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân chia sẻ, đồng thời cho biết thêm đợt dịch vừa qua, hàng tồn đọng rất nhiều, trứng gà phải giảm giá, khuyến mại mua 1 tặng 1 hoặc trữ lạnh và làm trứng muối.

“Vua tiêu” Phan Minh Thông- Tổng Giám đốc Tập đoàn Phúc Sinh, cho rằng muốn phát triển nông sản cho giá trị cao cần có những nhà máy chế biến, điều này không chỉ cần doanh nghiệp vào cuộc mà cả chính quyền địa phương. Ông kiến nghị cần có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp lớn xây dựng nhà máy tại các vùng nguyên liệu, giúp cho việc tiêu thụ nông sản ổn định.

Đau đáu trước thực tế Việt Nam là đất nước nông nghiệp nhưng nhiều ngành phải nhập khẩu nguyên vật liệu rất nhiều, nên khi thế giới bị COVID-19 tác động làm chuỗi cung ứng đứt gãy và tạo ra cú sốc tăng giá nhiều mặt hàng. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, đây là lúc Việt Nam cần nhìn lại mặt hàng nào chúng ta có thể chủ động sản xuất để thay thế, mặt hàng nào phải chấp nhận nhập khẩu: “Nên chăng, ngoài gia tăng giá trị đầu ra, chúng ta có thể nghĩ cách tiết giảm đầu vào. Ví dụ trường hợp ngành gạo, hiện đã có quy trình giảm lượng giống gieo sạ, từ đó giảm phân thuốc để giảm giá thành, giúp tăng hiệu quả để ứng phó với tình trạng giá vật tư đầu vào tăng.”

Nhiều doanh nghiệp tin tưởng “sau cơn lũ thì phù sa lại về, sau khó khăn thì cơ hội sẽ đến”. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, các nước ứng dụng khoa học công nghệ và thành công thì Việt Nam cũng có thể làm được. Tới đây, Bộ Nông nghiệp- PTNT sẽ mở rộng hợp tác công- tư, mời các doanh nghiệp tham gia vào nghiên cứu nông nghiệp, trong đó có nghiên cứu giống. Bộ trưởng khẳng định, bất kể lúc nào, doanh nghiệp có vướng mắc hay ý tưởng phát triển chuỗi ngành hàng ở các địa phương có thể nhắn tin trực tiếp cho bộ trưởng. Bộ Nông nghiệp- PTNT, địa phương và các doanh nghiệp sẽ cùng ngồi lại, bàn hướng phát triển sao cho hiệu quả nhất.

N. HOÀNG