Đẩy lùi tình trạng thừa cholesterol trong cơ thể

Cập nhật, 13:41, Thứ Sáu, 20/11/2020 (GMT+7)

 

Việc vận động thể dục hợp lý vừa tốt cho sức khỏe vừa giúp làm giảm được mức cholesterol xấu.
Việc vận động thể dục hợp lý vừa tốt cho sức khỏe vừa giúp làm giảm được mức cholesterol xấu.

Thừa cholesterol trong cơ thể làm gia tăng nguy cơ tai biến mạch máu não (đột quỵ), nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành, tăng huyết áp. Các chuyên gia y tế cho rằng, khi được chẩn đoán tình trạng thừa cholesterol cần thay đổi chế độ ăn uống và lối sống vận động.

Trẻ hóa người mắc bệnh tim mạch, huyết áp

Theo Bộ Y tế, nếu hàm lượng cholesterol trong máu cao sẽ gây lắng đọng vào các thành mạch máu, hình thành nên các mảng xơ vữa động mạch làm cho thành động mạch trở nên dày hơn, cứng hơn và giảm độ đàn hồi. Nguy hiểm hơn, các mảng xơ vữa có thể bị vỡ ra di chuyển trong lòng mạch và có nguy cơ làm tắc nghẽn mạch. Từ đó có thể dẫn đến những biến chứng gây tử vong cao như tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não (đột quỵ).

Bệnh nhân (BN) Nguyễn Hoàng T. (27 tuổi, Trà Ôn- Vĩnh Long) cảm thấy đau ngực, khó thở khi đang làm phụ hồ, được người thân đưa đến Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Trung ương Cần Thơ cấp cứu. Qua thăm khám, bác sĩ xác định, bệnh nhân khởi phát bệnh trong chỉ vài giờ, nổi bật là đau vùng ngực trái liên tục, mức độ trung bình đến nặng. Anh được cấp cứu chụp mạch vành và can thiệp đặt stent thành công, triệu chứng đau ngực của BN thuyên giảm dần.

Theo người nhà của BN, Hoàng T. thường xuyên hút thuốc lá, khoảng 1 gói/ngày trong 9 năm. Gần đây, BN có dấu hiệu đau vùng ngực và đã đi khám nhưng chưa phát hiện bệnh.

Thời gian gần đây, tại Khoa Cấp cứu của BVĐK tỉnh Vĩnh Long cũng tiếp nhận nhiều trường hợp BN bị nhồi máu cơ tim cấp. Đây là một tai biến cực kỳ nguy hiểm, đe dọa tính mạng. Bởi, nó diễn ra rất nhanh, với những dấu hiệu dễ trùng lắp bỏ qua.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Thanh Đức- Trưởng Khoa Cấp cứu BVĐK tỉnh, nhồi máu cơ tim là bệnh lý tim mạch cấp tính nguy hiểm. Bệnh thường gặp ở nam giới, trong độ tuổi trung niên, có thói quen hút thuốc lá và tiền căn tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu. Song, hiện nay, bệnh dần trẻ hóa, không ít các trường hợp mắc bệnh khi tuổi đời chưa đến 30. Khi phát hiện những dấu hiệu của nhồi máu cơ tim cấp, nên đến bệnh viện sớm nhất có thể để có những xử trí kịp thời nhằm giảm tỷ lệ tử vong.

Dấu hiệu đặc trưng để nhận biết nhồi máu cơ tim là: “Cơn đau thắt ngực, điển hình với triệu chứng đau phía sau xương ức, có cảm giác bị đè nặng, bóp nghẹt và một số BN có cảm giác giống như dao đâm. Nếu cơn đau kéo dài trên 15 phút thì đó là dấu hiệu điển hình của cơn đau thắt ngực và gợi ý bệnh cảnh nhồi máu cơ tim. Đau có thể lan lên cổ, cằm, vai, sau lưng, tay phải hoặc vùng thượng vị. Ngoài ra, còn có các triệu chứng khác như vã mồ hôi, khó thở, hồi hộp trống ngực, nôn hoặc buồn nôn...”- bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Thanh Đức cho biết.

Ăn uống, vận động hợp lý để phòng bệnh

Thời gian qua, BVĐK tỉnh cũng lọc máu liên tục cứu sống nhiều BN bị viêm tụy cấp. Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Võ Văn Hạnh Phúc- Phó Khoa Cấp cứu hồi sức tích cực và Chống độc, không ít BN vào viện bởi viêm tụy cấp, do rối loạn lipid máu thích ăn mỡ heo, hàng ngày thường xuyên luộc thịt mỡ heo để ăn. Cholesterol và Triglyceride tăng bất thường nên bác sĩ ở khoa tiến hành điều trị theo phác đồ, lọc máu liên tục và đã giải quyết ổn tình trạng này”- bác sĩ Hạnh Phúc cho biết.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, sự thay đổi môi trường là những tác nhân làm tăng lối sống không lành mạnh như hút thuốc lá; lạm dụng rượu, bia; ăn uống không hợp lý, ít vận động thể lực và những yếu tố này làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm, trong đó có thừa cholesterol.

Tỷ lệ thừa cholesterol ở Việt Nam cao, chủ yếu xuất phát từ lối sống ít vận động, đặc biệt là thói quen ăn uống và chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý và việc nhìn nhận tầm quan trọng của vấn đề này còn chưa đúng cách.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, người dân chưa nhận thức đúng về hậu quả của việc thừa cholesterol đối với sức khỏe. Để người dân tự nhận thức và điều chỉnh thói quen ăn uống, lối sống, nhằm kiểm soát tình trạng thừa cholesterol, ngày 16/10 vừa qua, Bộ Y tế đã phát động “Tháng hành động đẩy lùi tình trạng thừa cholesterol trong cơ thể”.

Có thể phòng ngừa thừa cholestrol bằng cách hạn chế các thực phẩm chứa nhiều cholesterol có trong các loại thực phẩm chiên, thức ăn nhanh; bổ sung chất béo có lợi (nhóm chất béo không bão hòa) vào chế độ ăn uống như omega 3- 6- 9 được tìm thấy nhiều trong các loại cá biển, như: cá hồi, cá trích và các loại dầu thực vật như dầu gạo lứt, dầu đậu nành, dầu hướng dương,…

Ăn nhiều trái cây và rau quả thường xuyên sẽ giúp làm giảm được mức cholesterol xấu, từ đó ít có khả năng mắc bệnh tim mạch hơn so với những người khác. Đặc biệt, nên tập thể dục thường xuyên (đi bộ, đạp xe, bơi lội…), không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia,...

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Thanh Đức- Trưởng Khoa Cấp cứu BVĐK Vĩnh Long, để phòng ngừa bệnh nhồi máu cơ tim, chúng ta cần thường xuyên theo dõi cân nặng, bỏ hút thuốc lá, không uống rượu bia; tăng cường vận động, tập thể dục thường xuyên, trung bình 30 phút/ngày; hạn chế các thực phẩm chứa nhiều cholesterol, chất béo bão hòa; kiểm soát cholesterol máu; thường xuyên khám tầm soát các bệnh lý đái tháo đường, cao huyết áp và thực hiện lối sống điều độ, tránh căng thẳng thần kinh,…

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN