Trẻ sau 6 tuổi vẫn tiểu dầm cần được thăm khám

Cập nhật, 21:52, Thứ Sáu, 16/10/2020 (GMT+7)

Thưa bác sĩ, con tôi 3 tuổi hay tiểu dầm vào ban đêm, như vậy có bị bệnh không? Tiểu dầm ban đêm là do đâu và cách điều trị thế nào?

Nguyễn Thị Lan Thảo (Tường Lộc- Tam Bình)

Trả lời: Với những trẻ còn nhỏ, tình trạng tiểu dầm có thể được xem là bình thường, vì lúc này não trẻ chưa đủ trưởng thành để kiểm soát việc đi tiểu. Đến 4 tuổi, 100% trẻ sẽ kiểm soát được việc đi tiểu ban ngày và 85% trẻ sẽ hết tiểu dầm ban đêm.

Nguyên nhân của tiểu dầm ban đêm chủ yếu do trẻ rơi vào giấc ngủ sâu và khó đánh thức nên khi bàng quang căng đầy không gây được phản xạ đánh thức trẻ dẫn đến việc đi tiểu ngoài kiểm soát, một số trẻ có dung tích bàng quang nhỏ hơn so với tuổi, với trẻ bị táo bón thì việc ứ phân trong ruột già sẽ chèn ép làm giảm dung tích của bàng quang và cũng có thể góp phần gây ra tiểu dầm.

Do tiểu dầm không phải là hành vi xấu hay sự lười biếng của trẻ mà là hiện tượng ngoài ý muốn nên gia đình tránh chê trách gay gắt mà phải thật sự hiểu và cảm thông. Điều này rất quan trọng trong quá trình điều trị nhằm tránh gây áp lực cho trẻ.

Một số yếu tố làm tăng nước tiểu vào ban đêm cần chú ý tránh như không uống sữa, nước nhiều trước khi ngủ, khuyến khích trẻ tiểu trước khi đi ngủ.

Ngoài ra, cha mẹ không nên đánh thức trẻ hoặc ẵm trẻ đến nhà vệ sinh để tiểu, vì không giúp trẻ hết tiểu dầm mà làm gián đoạn giấc ngủ của trẻ. Dùng tấm trải plastic và khăn thấm tốt lót cho trẻ để tránh ẩm ướt và hạn chế thay vào ban đêm để không đánh thức trẻ.

Cha mẹ cần quan tâm lắng nghe trẻ khi có bất kỳ vấn đề gì xảy ra liên quan đến tiểu dầm như: trẻ không tự tin, tiểu dầm ban ngày, tiểu dầm sau khi đã hết ít nhất 6 tháng, tiểu đau, gắt buốt, sau 6 tuổi vẫn còn tiểu dầm,… thì nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám, tư vấn và can thiệp kịp thời.

BS PHAN GIA HOÀNG

(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Vĩnh Long)