Để "mẹ tròn con vuông"

Cập nhật, 12:36, Thứ Hai, 16/03/2015 (GMT+7)

Làm mẹ là thiên chức thiêng liêng của người phụ nữ. Bất kỳ người mẹ nào khi mang thai đều mong muốn con mình sinh ra được khỏe mạnh, “mẹ tròn con vuông”. Để thai kỳ khỏe mạnh, chị em cần phải lưu ý đến vấn đề tiêm ngừa trước khi mang thai, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, giữ tâm lý thoải mái để bảo vệ sức khỏe của bản thân cũng như thai nhi.

Sinh con khỏe mạnh và thông minh là mong muốn hết sức chính đáng của các bậc cha mẹ.
Sinh con khỏe mạnh và thông minh là mong muốn hết sức chính đáng của các bậc cha mẹ.

Cần tiêm ngừa trước khi mang thai

Chị Thanh Hồng (30 tuổi) cho biết, cưới nhau hơn 3 tháng, vợ chồng chị dự định có con ngay vì cả hai tuổi cũng lớn và đều rất mong con. Song, khi đồng nghiệp hỏi chị có tiêm ngừa trước khi dự định mang thai chưa thì chị khá lo lắng khi mình ỷ y sức khỏe tốt, không tiêm ngừa trước mang thai. “Tôi thử chưa có thai cũng yên tâm nên mới đi chích ngừa vacxin 2 trong 1 rubella và thủy đậu. Song, bác sĩ tư vấn sau khi chích ngừa 3 tháng mới nên có thai”.  

Với suy nghĩ khá đơn giản, cha mẹ khỏe thì nhất định thai cũng sẽ khỏe nên đã có rất nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra. Chị T.P vừa phải bỏ thai đứa con đầu lòng gần 4 tuần tuổi. Nguyên nhân là do cuối năm công việc chị T.P khá căng thẳng, cộng thêm thời tiết lạnh nên chị P bị cảm cúm và có mua thuốc uống ảnh hưởng đến thai nhi khiến thai lưu trong bụng mẹ.

Theo TS.BS Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh, một số bệnh của người mẹ như viêm gan B, rubella, thủy đậu, sởi có thể lây truyền sang con.


Vì vậy, ngoài việc khám sức khỏe tổng quát và khám phụ khoa, cần tiêm ngừa các bệnh như rubella, sởi, quai bị, cúm, viêm gan B, thủy đậu. Sau khi tiêm ngừa rubella ba tháng hãy có thai, chí ít cũng từ 30 ngày trở lên.

Trong khi mang thai, chị em cần theo lịch hẹn khám thai định kỳ, từ đó bác sĩ sẽ khám và thực hiện những xét nghiệm cần thiết tùy vào từng giai đoạn tuổi thai nhằm phát hiện sớm những bất thường của thai nhi.

Dinh dưỡng phù hợp trước mang thai là điều cần thiết


Các bác sĩ chuyên khoa đã khuyên các thai phụ vậy. Do đó, các chị em giữ cân nặng ở mức trung bình là tốt, tránh béo phì hoặc gầy còm.

Thời nay, phần lớn gia đình nào cũng sinh từ 1 đến 2 con nên khi mang thai ai cũng mong muốn con mình sinh ra được thông minh, khỏe mạnh. Dù trí thông minh của bé được hưởng một phần do di truyền từ ba mẹ nhưng đây không phải là yếu tố duy nhất đề quyết định chỉ số IQ cho trẻ. Các bậc cha mẹ nên hiểu rằng vẫn còn nhiều yếu tố quan trọng khác tác động đến sự hình thành và phát triên trí não bé.


Trong đó, giai đoạn bào thai là rất quan trọng vì có đến 70% não bộ sẽ phát triển và hoàn thiện trong giai đoạn này. Đồng thời, các hoạt động của mẹ trong thời gian mang thai như ăn uống, tập thể dục hay mẹ bị stress,…đều có ảnh hưởng nhất định đến trí thông minh của bé về sau. Do đó, khi mang thai hầu hết các bà mẹ đều tìm hiểu các phương pháp chăm sóc thai nhi, đặc biệt là về chế độ dinh dưỡng.  

Có thể nói mong muốn sinh con được khỏe mạnh và thông minh là mong muốn hết sức chính đáng của các bậc cha mẹ. Đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như di truyền, dinh dưỡng, môi trường và yếu tố thai giáo trong quá trình mang thai.

 
Trước khi chuẩn bị làm cha mẹ trước hết bạn cần chuẩn bị cho mình một sức khỏe đầy đủ, bởi vì  cha mẹ khỏe mạnh là một trong những yếu tố quan trọng góp phần sinh ra trẻ khỏe mạnh.Việc khám sức khỏe trước khi mang thai rất quan trọng, tốt nhất nên khám sức khỏe tiền hôn nhân để xem có bệnh lý di truyền hay không.
 
TS.BS Hồ Thị Thu Hằng cho biết: “Yếu tố di truyền sẽ chiếm khoảng 40% trẻ sẽ nhận gen thông minh di truyền từ cha và mẹ. Song, phần lớn còn lại là do điều kiện môi trường xung quanh. Chúng ta nên chuẩn bị thật chu đáo trước cho thai kỳ. Trước khi mang thai, vợ chồng cần khám sức khỏe định kỳ, điều trị những bệnh lý còn tồn tại xem có chống chỉ định khi có thai hay không để sao cho cơ thể có sức khỏe tốt nhất để thụ thai, mang thai và sinh con.

Chúng ta cần chuẩn bị thời điểm thích hợp nhất về mặt tinh thần, kinh tế để mình luôn thoải mái trong lúc mang thai để giúp cho trẻ phát triển tốt hơn về trí não”. Thai phụ chú ý bổ sung chế độ dinh dưỡng để đầy đủ chất đạm, đường, chất béo, các loại vitaminh, khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Người mẹ có tinh thần thoải mái, không bị stress, không hút thuốc lá hay hít thuốc thụ động, không uống rượu bia. Đặc biệt, chúng ta nên giáo dục thai nhi ngay còn trong bụng mẹ. Cha mẹ nên tham gia trò chuyện với trẻ, cho trẻ nghe nhạc.

Người mẹ nên uống thuốc bổ sung chất sắt, axit folic ít nhất 1 tháng trước khi mang thai. Việc bổ sung sắt và acid folic không chỉ cần thiết trong thời gian mang thai mà còn rất quan trọng trong giai đoạn tiền thụ thai.


Acid folic có vai trò trong việc ngăn ngừa sinh con dị tất ống thần kinh ,mà ống thần kinh lại đuợc hình thành rất sớm chỉ trong 28 ngày đầu của thai kỳ, đây là giai đoạn chúng ta thường không nhận biết được mình đã có thai nên chế độ dinh dưỡng cũng chưa được quan tâm đúng mức. Chính vì vậy mà việc bổ sung acid folic trong giai đoạn tiền thụ thai và trong suốt thai kỳ là vô cùng quan trọng.  

TS, BS Trần Thị Minh Hạnh (Phó Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP. Hồ Chí Minh) nhắc nhở: Những gì mẹ ăn không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe hiện tại mà còn cả tương lai nhiều năm về sau của mẹ và bé nữa.

 
Bởi mẹ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp bé khỏe từ khi chào đời, trí não phát triển phục vụ cho tương lai, còn sức khỏe mẹ cũng không bị xuống cấp sau sinh. Các thai phụ nên nhớ, nhu cầu về năng lượng chỉ cần tăng 20% so với trước khi mang thai song nhu cầu về dinh dưỡng lại cần đến 50% (như sắt, kẽm, i ốt, canxi, các loại vitamin...), vì những khoáng chất này góp phần giúp thai nhi phát triển và thông minh.

Để ăn uống có lợi cho sức khỏe và trí thông minh của thai nhi, bà bầu cần ăn đủ bữa và có thêm bữa phụ. Bữa ăn chính cần có thịt, cá, trứng, đậu và các loại rau, củ quả… Không dùng thực phẩm quá béo, nếu ăn nên chọn chất béo chứa omega 3, không ăn các thực phẩm chứa nhiều năng lượng rỗng như: các loại bánh ngọt, nước ngọt có gas… Thay vào đó là dùng các loại trái cây, đạm động vật và thực vật. Nên thay đổi thực đơn thường xuyên để có đủ khoáng chất cho thai nhi.


Bài, ảnh: MAI ANH