Tuyến cơ sở tăng, tuyến tỉnh giảm

Cập nhật, 09:17, Thứ Ba, 07/04/2015 (GMT+7)

Qua gần 3 tháng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đi vào cuộc sống, vấn đề được nhiều cơ sở khám chữa bệnh cơ sở (y tế tuyến xã) đến huyện, tỉnh quan tâm đặt ra: làm sao để khai thác hết công năng của đội ngũ nhân lực và trang thiết bị y tế, phục vụ tốt bệnh nhân BHYT.

Lượng khám ngoại trú tại bệnh viện tỉnh giảm. Ảnh chụp tại khu khám Khoa Nội, lúc 10 giờ ngày 24/3/2015.
Lượng khám ngoại trú tại bệnh viện tỉnh giảm. Ảnh chụp tại khu khám Khoa Nội, lúc 10 giờ ngày 24/3/2015.

Ghi nhận thực tế của Báo Vĩnh Long, lượng người dân đến khám bệnh, chữa bệnh tại hệ thống trạm y tế xã, bệnh viện tuyến huyện tăng khá nhiều, do “buộc phải đi đúng tuyến (đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở đâu thì đi ở đó) mới được hưởng đúng, đủ BHYT”. Nếu đi vượt tuyến, trái tuyến từ tuyến huyện, tỉnh đến trung ương, tùy loại hình tham gia khám chữa bệnh nội trú hay ngoại trú, người dân hưởng mức chi BHYT ít hơn hoặc chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh.

Đăng ký ở đâu, khám bệnh chữa bệnh ở đó

Theo Phòng Kế hoạch tổng hợp- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, tháng 1/2015, lượng bệnh khám ngoại trú tại cơ sở này là hơn 13.500 bệnh nhân, bằng 63,4% so tháng 1/2014; số này ở tháng 2 và cũng so sánh cùng kỳ đạt 10.485/17.550 (59,7%). Cũ hơn, lượng bệnh khám ngoại trú tháng 12/2014 hơn 23.700, tương đương tháng 12/2013 hơn 23.500 bệnh. Các chỉ số này thể hiện, sau khi Luật BHYT sửa đổi, bổ sung có hiệu lực, quy định mức khi khám chữa bệnh nội trú, ngoại trú đúng nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, đúng tuyến hay không đúng tuyến mà được hưởng mức chi trả BHYT tương đương.

Luật quy định khi người dân có BHYT tham gia khám chữa bệnh không đúng tuyến, kể từ năm 2015, khi khám chữa bệnh nội trú lẫn ngoại trú tại bệnh viện tuyến huyện, họ hưởng 70% chi phí khám bệnh, chữa bệnh ở đó. Theo lộ trình, mức này ở tuyến huyện tăng lên 100% từ 1/1/2016- 31/12/2020 và từ 1/1/2021 cũng là 100%. Trong khi đó, khi họ khám chữa bệnh nội trú ở tuyến tỉnh và trung ương, mức thụ hưởng BHYT lần lượt là 60% và 40%; lộ trình từ 2016 đến 2020 cũng 60% và 40%; nhưng từ 1/1/2021, họ được hưởng ở tuyến tỉnh là 100%, tuyến trung ương vẫn 40%. Cũng theo quy định ở 2 tuyến trên, nếu họ đi khám chữa bệnh ngoại trú trái tuyến, vượt tuyến, người bệnh phải chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh.

Còn khi người dân đi đúng tuyến theo đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, thì mức thụ hưởng BHYT lần lượt là 100%, 95%, 80% tùy từng đối tượng mà trong luật sửa đổi, bổ sung đã quy định rõ.

Về vấn đề lượng người có BHYT khám chữa bệnh tuyến tỉnh giảm có thể giải thích: nếu đi khám chữa bệnh ngoại trú vượt tuyến, trái tuyến, họ phải chi trả 100% chi phí. Nên họ “bắt buộc” phải đi đúng tuyến (huyện, xã). Tới đây, các trạm y tế xã và bệnh viện tuyến huyện tăng lượng người đến khám chữa bệnh BHYT, như thời gian qua đã rõ.

Điều tiết, khai thác hết công năng các cơ sở y tế!

Cần giải thích rằng, ở bệnh viện tuyến huyện, người dân được hưởng 70% mức chi trả khám bệnh chữa bệnh BHYT cả nội trú lẫn ngoại trú. Còn ở tuyến tỉnh và trung ương, chi phí điều trị nội trú BHYT mà họ hưởng lần lượt là 60%, 40%, chỉ chi trả 100% khi khám chữa bệnh ngoại trú. “Vấn đề là để mọi người nắm chắc, hiểu rõ quy trình này trong khám chữa bệnh giữa các tuyến, chuyển tuyến, để họ “hào hứng” tham gia BHYT”- theo các cơ sở khám chữa bệnh.

Tiến sĩ, bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long xác nhận, lượng bệnh ngoại trú đến khám chữa bệnh thời gian qua giảm khá nhiều so trước đó. Bà giải thích, lượng bệnh nhân giảm có thể do người dân “hiểu lầm” phải chi trả 100% chi phí khi khám chữa bệnh nội trú giống như khám bệnh ngoại trú, trong khi nếu chữa bệnh nội trú tuyến tỉnh thì họ vẫn được hưởng 60% chi phí như mức đã nêu.

Trao đổi với một số bệnh viện tuyến huyện, trạm y tế xã, được biết có nơi lượng người đến khám chữa bệnh BHYT tăng 10- 20% thời gian qua, do căn cứ vào nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu cũng như quy định tuyến để thụ hưởng BHYT. Theo bệnh viện tỉnh, đối nghịch “tăng- giảm” lượng khám chữa bệnh BHYT này có thể dẫn đến một số bệnh viện huyện quá tải bệnh nhân, trong khi bệnh viện tỉnh lại... khá rỗi rãi, thảnh thơi!

“Trong thời điểm chuyển tiếp (đưa luật đi vào cuộc sống), vấn đề đặt ra là cần điều tiết để vừa khai thác hiệu quả công tác khám chữa bệnh BHYT của tuyến dưới, góp phần giảm tải cho tuyến trên, vừa dung hòa sử dụng hợp lý đội ngũ nhân lực, thiết bị y tế tuyến trên, tránh rảnh rỗi, lãng phí”- đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long đề xuất.

Bài, ảnh: MINH THÁI