Tăng cường phòng bệnh tiêu chảy cấp

Cập nhật, 07:08, Thứ Sáu, 08/08/2014 (GMT+7)

Bệnh tiêu chảy có thể xem là bệnh thường gặp, đơn giản, nhưng hầu như nhiều người có thể mắc phải nếu không có chế độ ăn uống hợp lý, giữ gìn vệ sinh môi trường sống, nguồn nước sinh hoạt sạch sẽ. 


Một bệnh nhi đang được truyền dịch điều trị bệnh tiêu chảy.

Tiêu chảy: bệnh rất thường gặp

Theo số liệu từ khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, đầu năm đến nay, số bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú tại khoa do bệnh tiêu chảy chiếm cao so mọi năm. Điều dưỡng trưởng khoa Hồ Thị Hoàng, thống kê đến nay có 142 trường hợp điều trị nội trú.
 
Tại khoa Nhi, thống kê đã có 673 ca bệnh tiêu chảy nhập viện điều trị nội trú tính từ đầu năm đến nay. Số này giảm so 887 ca ở thời điểm cùng kỳ, nhưng tình hình chung lượng bệnh nhân vẫn cao.

Anh Nguyễn Công Nghệ (ngụ xã An Phước- Mang Thít) cùng vợ đưa con trai 8 tháng tuổi nhập viện điều trị tại khoa Nhi mấy ngày nay do bị tiêu chảy.

Anh Nghệ cho biết, cháu hiện được cho uống kháng sinh và nước biển khô, bác sĩ nói tiếp tục theo dõi 1-2 ngày nữa thì có thể xuất viện. “Nói chung ở nhà tui cũng kỹ lắm, ăn uống đều giữ gìn vệ sinh cho cháu, nhưng sau khi cháu sốt vài ngày trước, tiêu hóa yếu, rồi đi viện được chẩn đoán bị bệnh tiêu chảy”- anh Nghệ kể lại.

Vào viện mấy ngày nay, hiện đang truyền dịch tại khu hồi sức cấp cứu nhi thuộc khoa Nhi, một người mẹ trẻ với đứa con hơn tuổi, cũng khó nêu rõ nguyên nhân con bị tiêu chảy. Theo bác sĩ, truyền dịch để bù đắp nước, củng cố kháng thể trong trường hợp bệnh diễn biến phức tạp.

Bác sĩ chuyên khoa II Võ Thị Thu Hương- Quyền trưởng khoa Nhi, nói tiêu chảy cấp đối với trẻ em có thể xảy ra do tác nhân vi rút Rota (Rotavirus) và vi rút EV71 (Enterovirus 71). Với tiêu chảy do vi rút Rota, trẻ có biểu hiện sốt từ nhẹ tới cao, nôn ói trong vòng 24- 36 giờ, đi tiêu phân có nhiều nước và tần suất 5- 6 lần/ngày hoặc nhiều hơn.

“Tuy nhiên bệnh có thể lui dần nếu bù đắp nước kịp thời. Nhưng nếu không bù nước và điện giải đầy đủ, cơ thể mất nước nhiều, khả năng trẻ bị trụy tim mạch, rối loạn chuyển hóa, gây nguy hiểm đến tính mạng”.

Với vi rút EV71, một siêu vi trùng gây bệnh tay chân miệng, đồng thời gây tiêu chảy cấp. “Có trường hợp bệnh nhi ngoài bệnh cảnh tiêu chảy cấp với biểu hiện nôn ói ồ ạt và tác nhân gây bệnh do vi rút EV71 thì khả năng gây tử vong sẽ cao nếu không chẩn đoán, điều trị kịp thời”- bác sĩ Võ Thị Thu Hương nói. Bù đắp nước cho bệnh nhân trong trường hợp này là không được, do có thể làm bệnh nhân bị phù phổi.

Ngày 31/7/2014, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) có công văn về việc tăng cường công tác vệ sinh phòng bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh- thành chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn triển khai tích cực các nội dung tăng cường giám sát, phòng chống dịch bệnh. Một trong các nội dung nêu đầu tiên là UBND tỉnh chỉ đạo UBND các quận- huyện- thị- thành chủ động triển khai ngay các biện pháp phòng bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, đặc biệt là bệnh tiêu chảy cấp tại địa bàn.


Tuân thủ biện pháp phòng ngừa

Tiêu chảy là một trong những bệnh có số người mắc cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm ở Việt Nam, bệnh thường gặp vào mùa hè.

Trong 6 tháng qua, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Long đã ghi nhận 3.408 ca tiêu chảy điều trị ở các cơ sở y tế, giảm 1.608 ca so cùng kỳ 2013. Tuy giảm nhiều và hầu hết ca bệnh được điều trị khỏi, nhưng do là bệnh thường gặp, khả năng mắc bệnh ở người dân cao, nên dự phòng vẫn luôn là yêu cầu đặt cao.

Theo bác sĩ chuyên khoa I Tô Văn Quảng- Trưởng khoa Nhiễm, đối với bệnh tiêu chảy cấp, người dân nên chú ý đến ăn uống và giữ gìn vệ sinh trong sinh hoạt hàng ngày. Bác sĩ Tô Văn Quảng nói: “Người dân nên ăn thức ăn nấu chín, uống nước đun sôi, tránh ăn thức ăn tái sống, thức ăn trôi nổi không rõ nguồn gốc, tránh thức ăn đã ôi thiu.

Tiêu chảy là bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, trong ăn uống có thể thức ăn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và khi đó siêu vi, vi khuẩn, độc tố trong thức ăn... sẽ ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, gây bệnh tiêu chảy”.

“Trong các nguyên nhân gây tiêu chảy cấp do nhiễm trùng, nhiễm khuẩn, ngoài bù đắp nước và ăn uống phù hợp, bệnh nhân cần được sử dụng kháng sinh đúng với tác nhân gây bệnh (tả, lỵ trực trùng, lỵ amíp) theo hướng dẫn điều trị Bộ Y tế”- bác sĩ Võ Thị Thu Hương còn cho rằng- Chế độ ăn uống rất quan trọng đối với bệnh nhân bị tiêu chảy.
 
Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để tăng đề kháng cho cơ thể, có năng lượng chống lại bệnh. Bệnh nhân bị tiêu chảy đừng lầm trong trường hợp bị nôn ói, mà hạn chế ăn uống. Nên cho ăn ít, uống đều từng muỗng và có thời gian dừng nghỉ hợp lý.

Để phòng ngừa bệnh tiêu chảy, bác sĩ Võ Thị Thu Hương cho rằng, người dân cần thực hiện ăn chín uống sôi, giữ gìn vệ sinh môi trường sống nhất là nguồn nước sinh hoạt, xử lý chất thải/phân hợp lý, giữ cho trẻ không bị suy dinh dưỡng, tuân thủ tiêm ngừa theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia...

 

Từ ngày 8- 27/7 tại các xã Lê Minh Xuân và Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh- TP Hồ Chí Minh) đã xảy ra 2 ổ dịch tiêu chảy cấp với 2 ca tử vong. Thông tin này được nêu tại hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng chống bệnh tiêu chảy cấp (14 giờ, ngày 6/8/2014) do Bộ Y tế chủ trì với 3 điểm cầu TP Hồ Chí Minh, Viện Pasteur Nha Trang và Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên. Chủ trì hội nghị, GS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến- Bộ trưởng Bộ Y tế, khuyến cáo người dân cần thực hiện ăn chín uống sôi, rửa tay sạch sẽ; các đơn vị trong ngành tăng cường quản lý chất lượng nước sinh hoạt, chất thải, an toàn thực phẩm... Vì nếu không quản lý tốt, chắc chắn dịch bệnh (chủ yếu là bệnh đường ruột) sẽ xảy ra.

Bài, ảnh: MINH THÁI