Bữa cơm gia đình

Cập nhật, 06:05, Thứ Tư, 28/06/2017 (GMT+7)

Anh và chị tôi học buổi sáng, tôi học buổi chiều còn ba mẹ thì ngày tám tiếng ở cơ quan. Ấy vậy mà ngày hai bữa, bữa cơm gia đình vẫn được mẹ tôi duy trì một cách đều đặn.

Những hôm có việc đột xuất, anh chị tôi về muộn. Sợ tôi không kịp giờ đi học, mẹ lấy 2 cái tô ra cất phần cho anh chị tôi. Sợ các con đói, mẹ lấy thêm một chút nữa và… nồi cơm còn tý.

Ba mẹ tôi chỉ ăn mỗi người một chén cơm, còn tôi vô tư ăn đến “căng cả rốn” mới đứng dậy… Một hôm tôi đề xuất “sáng kiến”: “Ba mẹ ạ! Từ rày trở đi, nhà mình đừng đợi nhau ăn cơm nữa. Nhiều lúc con thấy bất tiện quá. Ai về trước ăn trước, ai về sau ăn sau, không ai ảnh hưởng đến ai.

Thời đại công nghiệp hóa rồi mà vẫn giữ lề thói cũ thì mệt lắm”. Ba không nói gì, còn mẹ ôm tôi vào lòng nói: “Con gái mẹ đã lớn rồi, đã biết tiếp thu những điều mới mẻ nhưng con cũng cần phải hiểu mọi thứ sâu sắc hơn.

Con nên biết, bữa cơm gia đình là chiếc cầu nối tình cảm của mỗi thành viên trong nhà, là nơi để mọi người có thể chuyện trò, sẻ chia và gắn bó bên nhau.

Có như vậy, khi các con đi xa, gia đình mới là nơi để các con mong nhớ và hướng về. Khi trong nhà có người đi vắng, nếu mâm cơm mang ra, mạnh ai nấy ăn thì người về ăn sau sẽ không còn gì để ăn nữa.

Như thế là chúng ta thiếu quan tâm, chăm sóc người khác, làm cho họ bị tổn thương và thấy mình không được tôn trọng”.

Tôi không dám cãi lại mẹ nhưng nghĩ thầm: “Mẹ lạc hậu thật rồi. Cần gì phải ràng buộc mọi người như vậy nhỉ. Nếu nay mai tôi lấy chồng, chắc chắn tôi sẽ không bao giờ bắt chồng con phải chờ cơm như vậy”.

Thời gian trôi đi, tôi đã trưởng thành, có chồng, có 2 đứa con. Vợ chồng tôi cũng là công chức, các con tôi đứa học sáng, đứa học chiều. Nhưng có một điều, tôi không tài nào bỏ được bữa cơm gia đình.

Tôi đã nhận ra rằng, bữa cơm gia đình bình dị đó chứa đựng những tình cảm thiêng liêng khó lòng thay thế được.

Nhiều lúc chồng tôi đùa: “Các con có biết không, nếu không có những bữa cơm thế này, mẹ sẽ chẳng biết trổ tài nấu nướng cho ai ăn. Ba con ta là người thẩm định tài năng của mẹ đấy. Mẹ con khôn ghê cơ, muốn tạo nên một sợi dây vô hình cột chặt ba con mình đây mà”.

Các con tôi đồng tình cười vui vẻ, tôi tìm thấy hạnh phúc tràn ngập trong căn nhà bé nhỏ.Trước đây, tôi từng nghĩ mẹ lạc hậu nhưng giờ thì tôi đã hiểu. Đúng là không phải cái cũ nào cũng lạc hậu, cái mới nào cũng tốt cả.

Bữa cơm gia đình là một nét đẹp truyền thống văn hóa trong mỗi gia đình Việt Nam, là nền tảng vững chắc cho tình cảm gia đình đơm hoa, kết trái. Vì vậy, chúng ta cần phải giữ gìn và trân trọng nó.

HOÀNG BÍCH HÀ