Đẩy mạnh hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng (còn gọi xuất khẩu lao động- XKLĐ) giai đoạn 2016- 2020, tỉnh Vĩnh Long đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, bình quân mỗi năm có từ 500- 2.000 lao động tham gia XKLĐ.
Nhu cầu xuất khẩu lao động của người lao động vẫn cao và nhiều tiềm năng. |
Đẩy mạnh hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng (còn gọi xuất khẩu lao động- XKLĐ) giai đoạn 2016- 2020, tỉnh Vĩnh Long đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, bình quân mỗi năm có từ 500- 2.000 lao động tham gia XKLĐ. Qua đó góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định, giảm nghèo cho nhiều gia đình, nâng cao tay nghề và tác phong công nghiệp cho người lao động.
Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện hoạt động XKLĐ, với sự nỗ lực, tích cực của các cấp ban ngành, đoàn thể, các địa phương, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi XKLĐ và đặc biệt là nhận thức của người lao động, người dân đối với công tác XKLĐ ngày càng được nâng lên.
Theo bà Huỳnh Thị Mỹ Hà- Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, nổi bật là năm 2019 tỉnh có 1.715 lao động tham gia XKLĐ (đạt hơn 106% so kế hoạch 1.610 người). Tính chung, tổng số lao động đi XKLĐ từ năm 2016- 31/12/2021 là 6.372 người. Đến nay, tỉnh có 47 doanh nghiệp đăng ký hoạt động thông tin tuyên truyền, tư vấn tuyển dụng người lao động tham gia XKLĐ.
Đại diện Công ty TNHH ESUHAI tại Vĩnh Long cho biết, các năm qua đơn vị đã phối hợp đào tạo, tổ chức đưa 460 người lao động tỉnh đi XKLĐ. Theo bà Lý Ngọc Điệp, đại diện Công ty TNHH Cung ứng lao động MEKONG, tính từ năm 2015 đến nay, công ty cung ứng hơn 2.000 người tham gia XKLĐ, trong đó từ 2016- 2020 số lao động của tỉnh đi XKLĐ hơn 550 người.
Anh Phạm Chí Thông (quê xã Mỹ Lộc, Tam Bình) đi XKLĐ ở Hàn Quốc tháng 10/2010 và mới về nước tháng 4/2021. 10 năm làm nghề cơ khí ở nước ngoài, Thông cho biết nhận mức lương từ 31- 60 triệu đồng/tháng. Về quê và tích lũy được số vốn khá, Thông chăm lo cho gia đình và tiếp tục tham gia vào công tác hỗ trợ các bạn, các em có nhu cầu XKLĐ tại một công ty ở TP Cần Thơ, khi nhu cầu về nguồn nhân lực đi XKLĐ vẫn có nhiều.
Theo Công ty TNHH Thương mại và Phát triển nhân lực Miền Tây MITACO tại Vĩnh Long, chương trình thực tập sinh tại Nhật Bản rất có tiềm năng. Đơn vị muốn phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa với các địa phương để triển khai song song giữa công tác đưa sinh viên đi thực tập tại Nhật với hoạt động XKLĐ của tỉnh.
Nhu cầu XKLĐ của người lao động vẫn cao. Tuy nhiên, tác động của dịch COVID-19 trong 2 năm qua khiến công tác này gặp khó. Nếu như năm 2019, tỉnh có 1.715 người đi XKLĐ, thì năm 2020 có 815 người, năm kế tiếp là 546 người. Kế hoạch năm 2022, chỉ tiêu XKLĐ của tỉnh là 1.700 người.
Chính sách cho vay vốn hỗ trợ người lao động đi XKLĐ được tỉnh rất quan tâm. Từ năm 2017 đến nay, kinh phí địa phương được cấp ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Long cho vay vốn XKLĐ hơn 73 tỷ đồng. Đến 31/12/2021, người lao động đang vay (dư nợ) là 42 tỷ đồng, kinh phí đã thu hồi chưa giải ngân cho vay là hơn 31 tỷ đồng.
Ông Trương Thanh Hà- Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, cho biết sẽ phối hợp làm tốt công tác hỗ trợ lao động vay vốn để đi XKLĐ. Hiện cơ chế chính sách vay vốn hỗ trợ XKLĐ phù hợp với nguyện vọng của người lao động và xem đây là cú hích tác động trực tiếp tới người lao động để giải quyết vấn đề lao động, việc làm.
Đạt nhiều kết quả rất đáng khích lệ, tuy nhiên lao động tỉnh tham gia XKLĐ còn ít so với tiềm năng và vấn đề đặt ra là cần đẩy mạnh công tác này.
Theo bà Huỳnh Thị Mỹ Hà, trong hàng loạt giải pháp triển khai thực hiện tốt công tác XKLĐ trong thời gian tới, cần tập trung tổ chức kết nối, huy động sự tham gia phối hợp của các ban ngành, đoàn thể, trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp, cơ quan truyền thông,... tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của người lao động, người dân về việc làm, nghề nghiệp, XKLĐ.
Tuyên truyền điển hình người lao động đã XKLĐ có hiệu quả để tác động nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, tạo sự lan tỏa, động lực thu hút người lao động tham gia.
Người lao động tìm hiểu thông tin xuất khẩu lao động trong sự kiện ngày hội việc làm tại tỉnh Vĩnh Long. Ảnh chụp trước dịch |
Trong nhiệm vụ và giải pháp thời gian tới đối với công tác XKLĐ, Vĩnh Long sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về chế độ, chính sách, quyền lợi, trách nhiệm, điều kiện tuyển chọn, làm việc, sinh hoạt, thu nhập của người lao động tỉnh tham gia XKLĐ.
Tăng cường mối quan hệ gắn kết giữa doanh nghiệp XKLĐ, cơ sở đào tạo nghề và người lao động để đáp ứng tốt nhu cầu nguồn nhân lực. Tăng cường đối thoại trực tiếp với thanh niên về giải quyết việc làm, XKLĐ, thông tin cung– cầu lao động, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc và đề xuất ban hành cơ chế, chính sách về XKLĐ, tạo việc làm.
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin