Tháng 10/2021, UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt Đề án cho vay đối với cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19.
(VLO) Tháng 10/2021, UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt Đề án cho vay đối với cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19.
Đề án với nguồn vốn cho vay đáp ứng kịp thời nhu cầu chuyển đổi nghề, chuyển đổi việc làm của người lao động; giúp các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 tạo việc làm tại chỗ đồng thời bảo đảm an toàn phòng dịch; góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu tối đa thiếu việc làm, lao động thất nghiệp trên địa bàn tỉnh...
Hộ gia đình chú Sơn vay 95 triệu đồng từ đề án để duy trì và phát triển mô hình nuôi lươn. |
Theo ông Trần Văn Khái- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, đơn vị được giao chủ trì, phối hợp các ngành liên quan triển khai thực hiện đề án này.
Mục tiêu cụ thể là giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; góp phần duy trì và giảm tỷ lệ thất nghiệp hàng năm ở mức dưới 3% giai đoạn 2021- 2025 và những năm tiếp theo; tiếp tục duy trì tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn ở mức trên 90%; ngăn ngừa, giảm thiểu tối đa thiếu việc làm, lao động thất nghiệp.
Theo cơ quan chức năng, hiện nay bên cạnh các chủ trương chính sách chung, Vĩnh Long là một trong số ít tỉnh cụ thể việc hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do COVID-19 bằng đề án này.
Đó là các cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh thương mại dịch vụ các lĩnh vực ăn uống, buôn bán nhỏ lẻ, du lịch, đồ dùng, tạp hóa, trang thiết bị, dịch vụ, vận chuyển...
Đây là những đối tượng có đóng góp nhiều cho ngân sách địa phương, cũng như giải quyết tốt việc làm tại chỗ cho người lao động.
Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Vĩnh Long cho biết đã giải ngân được 17,5 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 595 lao động (các cơ sở bán hàng tạp hóa, hộ kinh doanh tại các chợ, hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống, chăn nuôi, trồng trọt...). Hiện tại NHCSXH tỉnh đã nhận hồ sơ của 191 lao động đề nghị vay 7,5 tỷ đồng và sẽ đẩy nhanh giải ngân trong thời gian tới.
Vợ chồng anh Nguyễn Thanh Lâm và chị Nguyễn Thị Luyến (Phường 3, TP Vĩnh Long) được NHCSXH tỉnh giải ngân vay 50 triệu đồng từ đề án này hồi tháng 10/2021.
Buôn bán rau củ quả tại chợ 10 năm nay, dịch COVID-19 bùng phát khiến anh chị tạm ngưng công việc. Anh Lâm cho biết: “Khởi động lại buôn bán hơn tháng qua, được nguồn vốn vay theo đề án này gia đình tui tập trung sửa sang lại sạp hàng, bổ thêm rau củ về buôn bán”.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Phượng (Tổ Tiết kiệm và vay vốn Khóm 2, Phường 3) cho biết, khóm có 2 Tổ Tiết kiệm và vay vốn với 86 hộ vay. Thông qua đề án này, nhiều hộ sản xuất, kinh doanh được giải quyết cho vay kịp thời nhằm khôi phục việc làm, hoạt động kinh doanh, sản xuất.
Chú Nguyễn Thanh Sơn (Phường 5, TP Vĩnh Long) cũng vừa được NHCSXH tỉnh cho vay 95 triệu đồng. Chú cho biết với nguồn vốn này, gia đình tập trung vào nguồn giống cho một hồ nuôi lươn mới, đồng thời lo thức ăn cho lươn lứa và một hồ nuôi đang tới kỳ thu hoạch.
Chú Sơn cho biết, với nghề nuôi lươn, thì con giống, thức ăn, nguồn nước và giá bán là các khâu rất quan trọng. Dịch COVID-19 khiến giá lươn giống cao, giá thức ăn cao, trong khi giá bán lươn thịt thấp.
“Đó là cái khó. Nhưng mình vẫn phải có nguồn vốn tích lũy dự phòng, cộng với nguồn vốn vay theo chính sách này, thì mới có thể duy trì ổn định và phát triển việc chăn nuôi”- chú Sơn nhìn nhận.
Theo các cơ quan chức năng, nhờ chính quyền và các ngành, các cấp quan tâm, đề án đã kịp thời hỗ trợ nhiều hộ được vay vốn để khôi phục, ổn định sản xuất, kinh doanh lĩnh vực dịch vụ, buôn bán, tái đầu tư chăn nuôi và trồng trọt,... gặp khó khăn bởi dịch COVID-19.
Với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết tinh thần phối hợp NHCSXH tỉnh, các cơ quan liên quan và chính quyền các địa phương triển khai quyết liệt, kịp thời chính sách hỗ trợ này.
Thông qua đề án này, ngành và các địa phương sẽ trao “cần câu” cho các đối tượng thụ hưởng để góp phần hướng tới việc khôi phục, duy trì ổn định và phát triển các hoạt động kinh doanh, sản xuất.
Theo đề án này, người lao động vay là các cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19: kinh doanh thương mại- dịch vụ thuộc các lĩnh vực ăn uống, buôn bán nhỏ lẻ, du lịch, đồ dùng, tạp hóa, trang thiết bị, dịch vụ, vận chuyển;... chăn nuôi, trồng trọt, khai thác nuôi trồng thủy hải sản,... các đối tượng khác phù hợp với điều kiện cho vay của đề án. Mức vay tối đa không quá 100 triệu đồng/lao động. Thời hạn cho vay tối đa 5 năm. Tổng kinh phí thực hiện 60 tỷ đồng (nguồn vốn Trung ương: 30 tỷ đồng, nguồn vốn của tỉnh: 30 tỷ đồng). |
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin