Hiểm họa từ những con vật nuôi trong nhà như mèo, chó... luôn tiềm ẩn những mối nguy hại cho sức khỏe, thậm chí là tính mạng của những người trong gia đình, hàng xóm.
Hiểm họa từ những con vật nuôi trong nhà như mèo, chó... luôn tiềm ẩn những mối nguy hại cho sức khỏe, thậm chí là tính mạng của những người trong gia đình, hàng xóm.
Mối hiểm nguy từ tập quán nuôi chó thả rông
Đây là mối nguy hiểm có thể nhìn thấy ngay được. Thú cưng có thể tấn công những người xung quanh theo nhiều cách khác nhau như: cào, cắn, tấn công liên tiếp…
Dư luận chưa vơi đau xót trước vụ việc một trẻ ở Hưng Yên bị đàn chó nuôi cắn chết thì ngày 19/4 vừa qua, thêm một trẻ 7 tuổi ở Thái Nguyên bị chính con chó gia đình mình nuôi tấn công dẫn đến tử vong.
Vụ một em bé mới 8 tháng tuổi ở Hà Nội vừa bị tử vong vì cú tấn công của chó ngao Tây Tạng nặng 40kg nhà nuôi khiến nhiều người bàng hoàng, đau xót. Rồi vụ 2 cha con bị chó dại cắn phát bệnh rồi chết ở Hòa Bình là 4 trong số rất nhiều vụ việc mà con người là nạn nhân của chó. Điều đáng nói, đây đều là chó nuôi.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh, các bác sĩ cũng thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhi bị chó tấn công.
Có bệnh nhi bị chó cắn đứt cả khí quản. Có những bé bị chó cắn nát cả mặt khâu tới 200 mũi khiến các bác sĩ không khỏi xót xa. Đặc biệt, các bé khi bị chó tấn công đều phải chịu sẹo vĩnh viễn hoặc phải phẫu thuật tạo hình. Không ít bé nhỏ bị chó cắn, các vết thương chó cắn gây nhiễm trùng khiến gương mặt các bé phải chịu mang sẹo suốt đời.
Nghị định 90/2017/NĐ-CP do Chính phủ ban hành quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y, có hiệu lực từ ngày 15/9/2017, có quy định các mức xử phạt.
Theo quy định, hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 600.000- 800.000đ; phạt từ 100.000- 1.000.000đ chó thả rông, gây nguy hại cho người khác;…
Dù có các quy định cụ thể, song, hiện nay ý thức nuôi chó một cách an toàn, không gây nguy hiểm cho cộng đồng chưa được nhiều người dân tuân thủ. Không khó bắt gặp tình trạng chó thả rông, không đeo rọ mõm ở ngoài đường phố, nơi công cộng... Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ chó tấn công người gây hậu quả nghiêm trọng trong thời gian gần đây.
Ngoài ra, nhiều súc vật thả rông (như chó, mèo, bò) vô tư chạy rông ngoài đường này mà không biết bao vụ tai nạn xảy ra. Nhẹ thì chỉ là va quẹt sơ qua, nặng thì đe dọa đến tính mạng của người điều khiển phương tiện giao thông.
Anh Lê Anh Duy (xã Thành Trung- Bình Tân) bức xúc: “Tôi rất bức xúc với những nhà nuôi chó nhưng thả rông ngoài đường hoặc dắt chó không rọ mõm, cho chó đi vệ sinh lung tung… Đã có không ít trường hợp người lái xe gắn máy va phải chó chạy rông trên đường bị chấn thương, thậm chí có trường hợp nguy kịch”.
Để chủ động phòng chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, người dân khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần: -Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà bông đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà bông phải rửa vết thương bằng nước sạch. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn. -Sau đó, tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn ipod hoặc Povidone, Todine. Hạn chế làm giập vết thương và không được băng kín vết thương. -Đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời; chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại. |
Đừng chủ quan trước vật nuôi trong nhà
Theo các chuyên gia y tế, trong số các trường hợp trẻ em nhập viện điều trị chấn thương do động vật gây nên, có tới 90% trẻ bị chó cắn.
Với các trường hợp chó nuôi ở nhà tấn công, hầu hết người lớn đều cho rằng chó là thú cưng, chúng rất hiền nên cho trẻ tiếp xúc thân thiết mà không biết đây là việc làm hết sức nguy hiểm bởi chó có thể tấn công bất ngờ và bất cứ lúc nào.
Chị Nguyễn Anh Thi (Phường 2- TP Vĩnh Long) luôn nhắc nhở con gái nhỏ của mình không được lại gần chó vì nó nguy hiểm lắm. Mỗi khi về quê nội, bé thấy chó là sợ nép vào ba mẹ thì ông bà nói “chó nhà hiền lắm, hổng có cắn đâu” nhưng chị vẫn nói “chó rất nguy hiểm” để con không được lại gần.
“Chó nhà dù khôn đến mấy cũng là thú nuôi, đâu biết được nó có thể cắn lúc nào. Với lại, chó không được tắm rửa kỹ thì những bệnh liên quan đến ký sinh trùng chó, mèo cũng khiến trẻ dễ bị viêm nhiễm đường hô hấp”- chị Anh Thi cho biết.
Không chỉ gây ra những tai nạn thương tâm, khi bị chó cắn còn có nguy cơ mắc và tử vong do bệnh dại. Điều đáng nói là bệnh dại vẫn là bệnh có số người tử vong cao nhất so với các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác ở nước ta.
Cho đến nay, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bị bệnh dại gần như tử vong 100%. Dù vậy, bệnh dại hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu được tiêm ngừa. Do đó, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo người bị động vật cắn cần được tiêm vắc xin điều trị dự phòng dại.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh- Trưởng Khoa Nhiễm- Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh), để đảm bảo an toàn cho trẻ tốt nhất vẫn là nhà có trẻ em thì không nên nuôi chó, hạn chế hết mức có thể. Nếu cần thiết có nuôi thú cưng, ngoài tiêm ngừa dại đầy đủ, uống thuốc diệt sán định kỳ, cần tắm, diệt bọ chét thú cưng sạch sẽ; xích và rọ mõm chó lại. Ba mẹ tuyệt đối không nên để trẻ một mình với thú cưng. Trẻ lớn hơn nên “dạy trẻ cách vuốt ve chó mèo phần lưng, không cho đùa giỡn phần mặt, đầu và phần đuôi, không cho kéo đuôi, không chơi trò giấu xương, giấu đồ ăn của vật nuôi”. |
SÔNG TRĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin