Lục bình là loại cây quen thuộc của người dân đồng bằng. Lục bình mọc hoang, trôi dạt trên sông. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nghề đan thảm lục bình, nhiều hộ dân ở Tam Bình đã "kéo" lục bình về nuôi. Những dòng kinh, con sông xanh xanh màu lục bình mang lại thu nhập ổn định cho bà con, bên cạnh tác dụng giữ mé sông không bị lở, bồi đắp phù sa, làm phân bón,…
Lục bình là loại cây quen thuộc của người dân đồng bằng. Lục bình mọc hoang, trôi dạt trên sông. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nghề đan thảm lục bình, nhiều hộ dân ở Tam Bình đã “kéo” lục bình về nuôi. Những dòng kinh, con sông xanh xanh màu lục bình mang lại thu nhập ổn định cho bà con, bên cạnh tác dụng giữ mé sông không bị lở, bồi đắp phù sa, làm phân bón,…
Tuy nhiên, việc phát triển ồ ạt, nhất ở các tuyến kinh rạch ảnh hưởng đến giao thông đường thủy, khó khăn trong lưu thông nước gây khó trong chủ động tưới tiêu. Ngoài ra, những ụ lục bình “nuôi” vô tình còn trở thành thùng rác vì thói quen vứt rác xuống kinh rạch.
“Nuôi” lục bình với mức độ hợp lý ở các mé sông, tuyến kinh là việc mà các địa phương đã và đang vận động thực hiện.
Kỳ 1: Nuôi lục bình “ngon lắm”
Lục bình được nuôi hai bên mé sông Giáp Nước. |
Những năm gần đây, các nghề đan thảm lục bình ở Tam Bình ngày càng phát triển thì ăn theo đó là sự hút hàng của dây lục bình. Nói như bà con ở xã Tân Lộc (Tam Bình) thì nuôi lục bình bán dây “ngon lắm”, khô bao nhiêu, bán hết bấy nhiêu!
Làm chơi, ăn thiệt
Đến xã Tân Lộc, rẽ về hướng cầu qua ấp Tân Thành sẽ thấy màu xanh xanh của lục bình ôm ấp đôi bờ sông Giáp Nước- Còng Cọc. Con sông như yên bình hơn nhờ những ụ lục bình giữ mé. Hơn thế nữa, lục bình còn giúp khoảng chục hộ trong ấp này có thêm thu nhập, ổn định kinh tế gia đình.
Con đập đá trước cửa nhà cô Nguyễn Thị Phúc (ấp Tân Thành, xã Tân Lộc) lúc nào cũng đầy lục bình. Những khóm lục bình đủ màu sắc: một khóm xanh tươi mới cắt về, một khóm ngà ngà vì qua đôi ba nắng, một khóm đã trắng vì già nắng chuẩn bị bó lại hay đã bó lại bên hiên nhà chờ đem cân. Cô Phúc được chòm xóm cho nuôi lục bình lấy dây ở khúc sông quanh nhà. Lục bình đang xanh um.
Cô cười móm mém ở tuổi 65: “Ba cái lục bình này hồi xưa là đồ bỏ nay là tiền không đó, đương mùa nắng này phơi ngon ơ, 15.000 đ/kg, bao nhiêu cũng bán hết”. Rồi cô Phúc chỉ căn nhà “cất gần 2 năm nay cũng bằng tiền bán dây lục bình, chứ mẹ góa con côi với mấy công ruộng thì làm gì có dư để cất nhà”.
Cô Phúc nhớ rất rõ mình cắt lục bình bán từ năm 2005, sau một năm kể từ ngày chồng cô qua đời, để lại cho cô đứa con trai đang tuổi ăn tuổi học và mấy công ruộng. Nghề đan thảm lục bình nhen nhóm và phát triển ở Tam Bình, cô Phúc được người quen nhờ cắt dây lục bình bán. Mấy năm liên tục, lúc chuyện đồng áng thảnh thơi thì cô Phúc bơi xuồng khắp sông, khắp kinh rạch trong xã cắt lục bình.
Rồi cô nghĩ đến chuyện tấn mé nuôi lục bình được chục năm nay. Cô Phúc cười khà khà, không giấu giếm: “Năm ngoái ngon ăn lắm, mỗi xuồng lục bình kiếm cỡ 150.000đ mà có khi mỗi ngày một xuồng, năm nay thì xà lan chạy lấn làm trôi lục bình nhiều quá nên không bằng”.
Cách nhà cô Phúc độ 500m, sân nhà chị Phan Thị Hồng Nhi cũng đầy ắp lục bình đang phơi. Chị Nhi cười hiền: “Vợ chồng tui vừa trồng lục bình vừa đan thảm luôn, mỗi tháng cũng được hơn 4 triệu”.
Chồng chị Nhi- anh Phạm Văn Nhiên- trước đây là thợ hồ, sau đó bị mất sức lao động không làm nặng được. Anh Nhiên chuyển sang buôn bán đồ rẫy, thời gian còn lại phụ vợ cắt và đan lục bình.
Chị Nhi nói: “Hàng xóm thương nên cho nuôi nhờ lục bình cặp mé sông hai bên khoảng 500m. Bây giờ lục bình trở thành thu nhập chính của gia đình rồi, nhờ nó mà vợ chồng nuôi con ăn học”. Anh Nhiên mới sang đồ rẫy về, trên tay xách một túi cà tím tươi non, góp vào câu chuyện: “Trồng lục bình vậy mà nhiều khi không đủ đương phải đi mua dây thêm đó”.
Giữ mé, tận dụng tự nhiên
Ông Trần Văn Ẩn- Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thịnh- cho biết: Trong xã có khoảng 100 hộ trồng lục bình, vừa với mục đích giữ mé sông không bị sạt lở vừa lấy dây bán, hoặc tự đan lục bình.
Lợi thế của xã là có nhiều tuyến sông lớn như Ba Càng- Cườm Nga hay sông Cả Tàu- Sóc Tro, nuôi lục bình với diện tích vừa phải trên sông có tác dụng chống sạt lở. Lục bình thường ngày là nguồn thức ăn để nuôi cá, nuôi heo, trâu bò hay nó còn được làm để ủ nấm rơm và làm phân chuồng.
Ông Trần Văn Ẩn nói: “Lục bình sau cắt dây mà đậy gốc cây ăn trái thì vừa giữ nước cho vườn cây, vừa tiện sau này phân hủy thành phân luôn”.
Hơn 3 năm trồng lục bình, cô Trần Thị Trinh (ấp Phú Hựu Đông) cho biết: “Lục bình tươi sau khi đạt chiều cao khoảng 8 tấc thì cắt lên và phơi khô. Nắng ngon thì phơi 5 nắng là lục bình trắng phao bán được giá hơn, còn mưa thì có khi cả mười bữa nửa tháng mới có bán”.
Tuy nhiên, nuôi lục bình có cái là “bỏ đó tự nó lớn rồi cắt, không chăm sóc gì” nên cô Trinh có thể vừa cơm nước, vừa giữ cháu cho con đi làm vừa nuôi lục bình bán, “cứ mỗi đợt 3- 4 tháng tui cắt một lần cũng thu về bạc triệu”- cô Trinh vừa hôn cháu ngoại
vừa cười.
Chị Nhi bên mớ dây lục bình là nguồn thu nhập chính của gia đình trong mấy năm nay. |
Để giữ đất ở mé sông không bị sạt lở, anh Lê Thanh Tùng (ấp Bằng Tăng, xã Mỹ Thạnh Trung) đăng mé bằng lưới nuôi lục bình. Anh Tùng nói: “Nhà tui nằm ngay cái khúc nước sâu, sông Bằng Tăng này nước chảy mạnh lắm. Hồi đó giờ thì nuôi giữ mé, không nuôi lục bình chắc đất xuống sông cả chục mét rồi”.
Nay, lục bình anh Tùng nuôi còn có thêm công dụng là làm dây cho vợ anh đan thảm. Anh Tùng nói: “Một công đôi ba chuyện lợi mà, nếu mua dây tại vựa bây giờ khoảng 18.000 đ/kg rồi đó”.
Toàn huyện Tam Bình có đến 13 làng nghề đan thảm lục bình với hơn 2.500 hộ tham gia. Do đó, đầu ra của dây lục bình là rất lớn, cung không đủ cầu. Các làng nghề trong huyện thường đặt mua dây lục bình ở các tỉnh khác như Long An, Hậu Giang,…
Tuy nhiên, không phải vì lợi nhuận trước mắt mà lục bình trồng tự phát, ồ ạt. Đầu năm 2018, tại buổi tiếp xúc cử tri của HĐND tỉnh ở xã Phú Thịnh, cử tri đã phản ánh việc trồng lục bình tự phát, tràn lan ảnh hưởng đến giao thông đường thủy. Những tuyến kinh nội đồng khác trong tỉnh cũng đang gặp khó vì lục bình phát triển ồ ạt, ảnh hưởng đến việc thoát nước, tưới tiêu.
Cô Trần Thị Trinh xã Phú Thịnh “Tôi vừa giữ cháu ngoại vừa nuôi lục bình ở khoảng sông trước nhà. Với giá mỗi ký lục bình khô từ 15.000- 20.000đ như hiện nay thì cũng được từ 4,5- 6 triệu/ đợt. Nuôi lục bình chủ yếu lấy công làm lời, cực nhất là phơi mấy tháng mưa, phải đem ra đem vô, không thôi dây đen thì giá thấp”.
Cô Nguyễn Thị Phúc “Giờ có tuổi rồi, tui cho thuê mấy công ruộng chỉ tập trung vô nghề chính là nuôi lục bình. Bữa hổm, xà lan chạy ẩu đụng vô mé tui, trôi luôn một ụ lục bình bự mà không hay, tiếc đứt ruột”.
Ông Nguyễn Ngọc Việt- Chủ tịch UBND xã Tân Lộc Nhánh sông Giáp Nước- Còng Cọc nước chảy rất mạnh, xà lan bơm cát cũng ra vào thường xuyên Khu công nghiệp Hòa Phú nên bà con nuôi lục bình giữ mé ở mức độ vừa phải, không lấn ra sông ảnh hưởng tới giao thông đường thủy mà còn giúp các hộ có thêm thu nhập. |
(Còn tiếp)
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin