Rác thải- cần giải quyết căn cơ, bền vững

05:01, 24/01/2018

Công chức văn hóa- xã hội của một phường thẳng thắn nói: Chuyện về rác, từ trước đến nay ngỡ đã nói nhiều nhưng thật ra… chưa đủ bởi vẫn chưa hoàn toàn đi vào nề nếp. Còn theo đơn vị chức năng, chuyện về rác vẫn còn nhiều vấn đề nan giải, cần giải quyết căn cơ, bền vững.

 

Dưới chân cổng chào TP Vĩnh Long (gần cầu Đường Chừa) là nơi… tập kết rác.
Dưới chân cổng chào TP Vĩnh Long (gần cầu Đường Chừa) là nơi… tập kết rác.

 

 

Công chức văn hóa- xã hội của một phường thẳng thắn nói: Chuyện về rác, từ trước đến nay ngỡ đã nói nhiều nhưng thật ra… chưa đủ bởi vẫn chưa hoàn toàn đi vào nề nếp. Còn theo đơn vị chức năng, chuyện về rác vẫn còn nhiều vấn đề nan giải, cần giải quyết căn cơ, bền vững.

 “Vô tư” xả rác

Quăng đại cho rảnh tay, “vô tư” biến các gốc cây, trụ điện, miệng hố thoát nước thành… nơi chứa rác. Thậm chí, có người còn vứt xác chuột chết ra đường, dẫn chó đi tản bộ- chủ yếu là để phóng uế ở sân nhà hàng xóm, gốc cây, bụi cỏ, công viên… khiến đường phố trở nên xấu xí, ô nhiễm.

Không biết từ khi nào, dưới chân cổng chào TP Vĩnh Long (gần dốc cầu Đường Chừa) trở thành nơi tập kết rác, gây ảnh hưởng mỹ quan. Đáng nói, dù báo đài đã phản ánh nhưng hiện điểm tập kết rác này vẫn tồn tại.

Anh Nguyễn Minh Tân (Phường 2- TP Vĩnh Long) bức xúc: “Một thời gian dài cứ sáng ra là trước cổng rào là có bịch rác của… hàng xóm, trong khi trước nhà họ thì rất sạch. Tôi phải dọn dẹp, tráng sân cho sạch sẽ để họ ngại mà không bỏ rác vậy nữa”.

Cũng ở Phường 2, chị Trần Ngọc Mai thì bức xúc kể: “Bữa tôi mặc đẹp chạy xe máy đi đám cưới. Ai ngờ, người chạy xe phía trước vô ý thức phun nước bọt… trúng áo, thật kinh khủng!”

Ông Phan Thanh Hiền- Giám đốc Xí nghiệp Vệ sinh môi trường (Công ty CP Công trình công cộng Vĩnh Long) cho biết, trước đây, khi TP Vĩnh Long chưa thực hiện lấy rác theo giờ thì việc bố trí thùng quá nhiều gây phản cảm.

Tuy nhiên, sau 3 năm thực hiện lấy rác theo giờ thì lại nảy sinh vấn đề “phản cảm” khác, đó là người dân tập kết rác không đúng giờ quy định theo kiểu “rảnh giờ nào thì đem ra giờ đó” gây ảnh hưởng mỹ quan.

Do đó, đơn vị đã phải tái bố trí thùng trước các đầu hẻm (thành phố hiện có 686 thùng rác loại 240 lít và 660 lít). Song, việc để rác lung tung không đúng nơi, đúng giờ vẫn còn, gây khó khăn, vất vả cho đơn vị thu gom vì “phải thu gom 2- 3 lượt/ngày”…

Có thể thấy, xả rác “vô tư” đã trở thành “bệnh khó trị” từ thành thị đến nông thôn. Tại một đô thị lớn khác của tỉnh là TX Bình Minh, ông Nguyễn Văn Xinh- Trưởng Phòng Văn hóa- Thông tin, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa thị xã- cho biết, trong quá trình đưa phường Cái Vồn, Thành Phước và Đông Thuận đạt chuẩn văn minh đô thị thì một trong những nội dung khó cần giữ vững và nâng chất năm 2018 là cảnh quan môi trường, cụ thể là rác thải.

“Như ở phường Cái Vồn, dù địa bàn có bố trí thùng, thu gom đảm bảo nhưng rác còn rơi vãi trên đường nhiều”- ông Xinh nói. Ông Trần Quang Đông- công chức văn hóa- xã hội phường Cái Vồn- cho biết thêm: Đáng nói nhất là ở đường Phan Văn Năm, đến nay người dân vẫn còn thói quen bỏ rác xuống kinh nên trông rất nhếch nhác.

Cần giải quyết căn cơ, bền vững

Theo ông Trần Quang Đông, vấn đề rác thải quan trọng nhất vẫn là nằm ở người dân. Để giải quyết rốt ráo, người dân cần nâng cao ý thức.

Theo đó, phường sẽ tăng cường tuyên truyền sâu rộng với nhiều giải pháp song song như: loa lưu động, thực hiện bằng hành động, tuyên truyền theo chuỗi rễ đoàn thể… Bên cạnh, sẽ xử phạt nghiêm hành vi vứt rác bừa bãi để tăng tính hiệu quả.

Một cán bộ ngành xây dựng tỉnh thì đề xuất: cần xử phạt nghiêm để răn đe. Trong khi đó, chị Nguyễn Anh Thy (Phường 4- TP Vĩnh Long) cho rằng, để thay đổi thói quen và hành vi của mọi người đối với việc bảo vệ môi trường, người lớn phải làm gương trước, đồng thời tăng cường giáo dục ý thức cho con trẻ ngay tại nhà, ở trường học…

Chị cho biết: “Bản thân tôi rất dị ứng với chuyện xả rác. Nếu đang ở ngoài đường cần vứt rác mà không có thùng, tôi sẽ mang về nhà. Bé Gạo (2 tuổi, con gái chị) cũng được ba mẹ “uốn nắn” chuyện này từ nhỏ nên dù đi chơi hay ở nhà bé cũng luôn để rác đúng nơi.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lưu Quang Trường- Phó Giám đốc Công ty CP Công trình công cộng Vĩnh Long- cho biết, việc thu gom rác ở TP Vĩnh Long thời gian qua được đơn vị tập trung xử lý và không gây “điểm nóng” về môi trường. Nhưng trong thực tiễn còn nhiều khó khăn.

Đó là sự quan tâm của cộng đồng xã hội và các địa phương chưa đúng mức. Nguyên nhân là do Nhà nước cũng như các cấp xã- phường chưa có định hướng đầy đủ. Như trong quy hoạch đô thị, cần trả lời câu hỏi khu dân cư, địa bàn như vậy thì vấn đề đổ rác, nơi tập kết rác ra sao?

Hiện nay, yếu tố ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng. Về đầu tư trang thiết bị, đầu tư phương tiện đủ năng lực thu gom, đơn giá để thu gom chúng ta cũng chưa đủ sức để bù đắp…

Thu gom rác chủ yếu hiện nay được chi trả từ ngân sách, phí vệ sinh môi trường từ người dân đóng góp không đáng kể. Về xử lý, chủ yếu là tập kết ở bãi rác Hòa Phú, chỉ chôn lắp tạm, không đạt tiêu chuẩn nên hiện bãi rác như giống như quả bom nổ chậm- vỡ ra rồi thì tiền đóng cửa, tiền xử lý rác hàng ngày là rất lớn.

Nếu chúng ta chỉ xử lý rác bằng những biện pháp không phải công nghệ thì sẽ không còn đất nữa. Vì thế, kiến nghị tỉnh nên có kết luận cuối cùng nhanh chóng về nhà máy xử lý rác (hiện vẫn chưa vận hành).

Nếu có nhà máy xử lý rác hoàn chỉnh thì chúng ta có thể làm nhiều việc như: xử lý rác đạt chuẩn, phân loại rác tại nguồn… Có vậy, mới mong giải quyết “chuyện rác” một cách căn cơ, bền vững.

Bài, ảnh: HẠ NGHI- NAM ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh