Tên gọi cù lao Bưng có nghĩa gì?

Cập nhật, 05:26, Thứ Ba, 02/01/2018 (GMT+7)

Tên gọi cho một vùng đất nhô lên ở giữa sông, rạch thường được người Nam Bộ gọi là “cù lao”, còn gọi là “cồn”.

Từ “cù lao” còn được dùng để chỉ một dụng cụ nấu ăn vừa là bếp lò, vừa là nồi đựng.

Nó được thiết kế có một ống trục ở giữa để bỏ lửa than, còn xung quanh được làm như một thành máng để đựng thức ăn.

 Có người gọi dụng cụ này là “cái lẩu”, nhưng cái lẩu hiện nay và cái cù lao ngày trước là khác nhau.

Trở lại lớp địa danh “cù lao + X”, kiểu như: “cù lao Minh, cù lao Bưng, cù lao Mây (Vĩnh Long), cù lao Giêng, cù lao Ông Chưởng, cù lao Ông Hổ, cù lao Tấn Mỹ (An Giang), cù lao Năm Thôn (còn gọi cù lao Ngũ Hiệp), cù lao Rồng, cù lao Thới Sơn (Tiền Giang), cù lao Cồn Cộc, cù lao Dung (Sóc Trăng), cù lao Minh, cù lao Bảo, cù lao An Hóa, cù lao Quy, cù lao Phụng, cù lao Lá (Bến Tre)…”, thì thành tố thứ hai thường chỉ tên gọi hoặc đặc trưng, mà đặc trưng sau dần cũng trở thành tên gọi.

Về địa danh dân gian cù lao Bưng, thành tố “bưng”, trong tiếng Việt thường có các nghĩa:

1. Là danh từ, “bưng” có nghĩa: “vùng đầm lầy, ngập nước, mọc nhiều cỏ lác”, có từ ghép tổng hợp “bưng biền” mang nghĩa khái quát: “vùng đất thấp có nhiều đưng, sậy, lác…”.

Ngoài ra, từ này còn mang một nét nghĩa chuyển hóa khái quát chỉ: “sự quê mùa, chưa phát triển”. Cả 2 nét nghĩa của từ này, còn lưu giữ trong câu ca: “Gió đưa gió đẩy, về rẫy ăn còng, về bưng ăn cá, về giồng ăn dưa…”;

2. Là vị từ, “bưng” có nghĩa: “che, bịt kín; cầm bằng tay tựa vào thành hông”. Với 2 nét nghĩa này, thì thành tố bưng trong cù lao Bưng, thường mang nghĩa của một danh từ.

Vậy cù lao Bưng, có nghĩa: “vùng đất nhô lên thành cồn, ban đầu chưa được khai phá nên có nhiều cây cỏ hoang dại; có thể đây cũng là cù lao chưa có sự phát triển”.

Hiện nay, cù lao Bưng là một cồn nhỏ nằm cạnh nhánh nhỏ của dòng sông Hậu với vùng giáp ranh giữa 2 huyện Tam Bình và TX Bình Minh, thuộc tỉnh Vĩnh Long.

Thạch Thảo (TP Hồ Chí Minh)