Năm Sửu nói chuyện ca dao, thành ngữ với hình ảnh con trâu

Con trâu trong chuyện vợ chồng ngày xưa

Cập nhật, 06:13, Thứ Bảy, 13/02/2021 (GMT+7)

 

Ảnh: NGUYỄN HÒA BÌNH
Ảnh: NGUYỄN HÒA BÌNH

(VLO) Từ rất xa xưa, đời sống nông dân Việt Nam gần như gắn liền với cây lúa nước, trong sản xuất con trâu gần gũi với họ từ gieo trồng cho đến thu hoạch nên họ đã từng xem “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. 

Đâu đó trong các ca dao, thành ngữ liên quan đến lao động, sinh hoạt hàng ngày được truyền miệng hay thi thoảng lúc cao hứng “xuất khẩu thành thơ” của họ thường mượn hình ảnh con trâu để nói lên những cảm nghĩ… Chẳng hạn như trong tính toán chuyện của cả một đời người họ nói: “Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà/Trong ba việc ấy ắt là khó thay!”

Chuyện “lấy vợ” của các chàng trai làng ngày xưa khó và lắm tính toán! Cô gái “Mười bảy bẻ gãy sừng trâu” lỡ để ý chàng trai hàng xóm nhớ lời mẹ dạy con gái đừng để lỡ tuổi xuân bởi “Trâu quá sá, mạ quá thì” thì sẽ… mất giá, mà kẹt nỗi “Trâu tìm cọc chớ ai đời cọc tìm trâu!”, nên chỉ nhẹ nhàng mở lời: “Em như ngọn cỏ phất phơ/Anh như con nghé nhởn nhơ trên đồng”.

Cỏ vô chủ “phất phơ” mời gọi thế, nhưng nếu chàng trai ngây thơ vẫn cứ nhởn nhơ như “con nghé”, cô nàng buộc lòng phải tiến thêm một bước: “Trâu kia kén cỏ bờ ao/Anh kia không vợ đời nào có con/Người ta có trước có sau/Thân anh không vợ như cau không buồng/Cau không buồng như tuồng cau đực/Trai không vợ cực lắm anh ơi/Người ta đi đón về đôi/Thân anh đi lẻ, về loi một mình!”

 Nhưng khi cá đã cắn câu thì nàng được nước lên giọng “Cưới em tám vạn trâu bò/Bảy vạn dê lợn, chín vò rượu tâm!” 

Có điều khi đã bén hơi thì cô gái phải luôn nhớ lời mẹ dặn là tuyệt đối tránh những phút yếu lòng để không xảy ra cái cảnh “Phình phình ở giữa phình ra/Mẹ ơi con chẳng ở nhà được đâu/Ở nhà làng sẽ bắt trâu!” Biết thế là tốt, “phình phình ở giữa” thì cầm chắc làng bắt nhà mẹ nộp phạt một con trâu!

Còn phía các chàng trai, việc “lấy vợ” tức chọn một cô vợ cũng thiệt khó! Ai mà chẳng muốn có một gia đình như ý: “Sớm mai cắp nón ra đồng/Một đôi vợ chồng với một con trâu”, “Trên đồng cạn dưới đồng sâu/Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa!” 

Bí quyết tìm cho được một cô vợ ngoan đã được người đời truyền miệng nhau: “Trai thì cày ruộng, khiển trâu/ Gái thì phải biết bổ cau, têm trầu”, tuyệt hơn đó là một cô gái giỏi giang và biết nghe lời chồng như một con trâu đã thuần “Có cưới thì cưới con trâu/Đừng cưới con nghé nàng dâu không về”. 

Còn nếu làm ngược lại có thể gặp họa ngay, cái họa khó tìm phương cách khắc phục: “Thứ nhất vợ dại trong nhà/Thứ hai trâu chậm, thứ ba rựa cùn/Trâu chậm thì anh bán đi/Rựa cùn đánh lại, vợ thì làm sao?” Còn làm sao nữa, gặp cảnh đó chỉ còn nước ngửa mặt lên trời tự thán “Ai bảo chăn trâu là khổ/Tôi chăn nàng còn khổ hơn trâu!” 

Và khi đã chọn được một cô nàng ưng ý thì hãy mau chóng “Anh về bán ruộng cây da/Bán cặp trâu già mới cưới được em”. Phải mau mau là để tránh cái chuyện vô duyên “Công anh chăm nghé quá lâu/Bây giờ nghé đã thành trâu ai cày!” Còn với các đối thủ thì phải hăm he cho đủ sợ “Mất trâu thì lại tậu trâu/Những quân cướp vợ có giàu hơn ai!”

Trong chuyện duyên số, người xưa có lẽ dành cho các cô gái một chút quyền... chú ý chọn một đối tác tháo vát để tránh bị người đời cười cợt “Tiếc con vợ khôn lấy thằng chồng dại/Tiếc bông hoa lài cặm bãi cứt trâu”.

Người đời cũng nhắc nhở các cô kén chồng thì cũng nên để ý đến các bà mẹ chồng, bởi đó là một mối liên hệ tế nhị “Thật thà như thể lái trâu/Yêu nhau như thể nàng dâu mẹ chồng”, nhưng gặp mẹ chồng “dữ” mà con dâu đảm đang cũng đừng lo, vì lúc nào cũng có bà bênh vực cho “Chồng dữ thì em mới rầu/Mẹ chồng mà dữ giết trâu ăn mừng”.

Có được một tấm chồng tốt rồi phải khéo giữ kẻo có đứa khác gỡ tay gây cảnh “Sẩy đàn tan nghé”, tốt nhất nên biết nũng nịu chiều chồng “Cầm trâu, cầm áo, cầm khăn/Cầm dây lưng lụa xin đừng cầm em”, cũng nên nói cho ông chồng biết nhiều vợ chẳng có sướng gì đâu “Ba vợ, năm bảy nàng hầu/Đêm nằm chuồng trâu gối đầu bằng chổi/Trâu anh con cởi con dòng/Có con đi trước lòng thòng theo sau”.

Còn nữa, đối với bè bạn gái với nhau dù là chí thân cũng phải đủ bản lĩnh vạch rõ ranh giới “Của chua ai thấy cũng thèm/Em cho chị mượn chồng em ít ngày/Chồng em đâu phải trâu cày/Mà cho chị mượn cả ngày lẫn đêm”.

HỒNG VÂN