Tản mạn

Những bữa tiệc cuối năm

Cập nhật, 20:53, Chủ Nhật, 07/02/2021 (GMT+7)

(VLO) Anh Khải- một người làm thợ hồ lâu năm- có nhà cùng con hẻm ở Phường 3 với tôi. Từ ngày tôi dọn nhà về làm hàng xóm, năm nào cũng được anh rủ qua ăn cơm ngày giỗ tổ nghề, cũng là bữa tiệc cuối năm thầy- thợ mừng năm cũ làm ăn “cũng được” và chúc nhau năm mới khấm khá hơn.

Thấm thoát tôi cũng đã có mặt ở bữa tiệc cuối năm nhà anh Khải qua 4 mùa xuân rồi. Và cứ thấy mỗi năm khoảnh hành lang nhà anh càng chật chội hơn, hình như chị đã mua thêm chén đũa mới…

Anh quê ở Giồng Riềng (Kiên Giang), lấy vợ và an cư lập nghiệp ở TP Vĩnh Long, nên thường những người lạ mặt trong bữa tiệc không là bà con thân thích, mà chắc chắn đó là chủ nhân của những ngôi nhà mới và anh Khải là thợ nhận xây nhà cho họ.

Mà họ là anh công nhân vừa lấy vợ, anh thợ máy tính mới chuyển đến thành phố, hay những người hàng xóm cơi nới thêm phòng cho con ra riêng, nâng nền nhà cao hơn mực nước triều cường...

Làm cho họ, anh tính giá “anh em”, đưa ra phương án vật liệu từ rẻ đến trung bình, tận dụng, tiết kiệm được gì cho chủ nhà thu nhập không cao thì anh làm cho họ hết.

Cái nhiệt tình và thiệt tình của anh khiến họ có cảm tình, người này nói cho người khác biết: cần xây nhà mới, sửa chữa nhà, làm đường điện, ống nước… tìm đến nhờ anh làm giúp.

Nhóm thợ cùng trong xóm mến cái tình của nhau, anh lãnh nhà của ai thì họ làm đâu ra đó! Không phân biệt thợ hay phụ hồ, nhóm thợ của anh được trả công cán như nhau, vì “mấy anh em đào cống, móc đất, trộn hồ, đội xi măng cũng cực khổ lắm”.

Có lẽ vì thế, tiệc tất niên năm nào, nhóm thợ, phụ hồ của anh cũng là những “gương mặt thân quen” năm ngoái, năm kia tôi đã gặp và còn có cả những người làm nghề thợ sắt, thợ sơn, thợ điện- nước nữa.

Anh Sơn làm nghề thợ sắt, cũng là “đối tác” của anh Khải, bảo “ổng là thợ xây chớ chưa khi nào chơi “rắn mắc” ông thợ sắt như tui”.

Cùng làm một cái nhà, họ cần có sự hỗ trợ, hợp tác với nhau trong rất nhiều khâu để công trình hoàn thành như ý.

Những khi không đồng quan điểm, anh em ngồi lại nói rõ ràng, thậm chí là lớn tiếng một chút để hiểu và tìm tiếng nói chung, rộng rãi cho qua hiềm khích.

Không chỉ hỗ trợ nhau trong công việc, người này còn giới thiệu khách hàng cho người kia. Anh Sơn bảo hồi còn nhỏ từng đi học nghề thí công cho ông chủ, ra nghề mở tiệm hơn 20 năm, nên anh làm nghề thợ sắt không chỉ vì lợi nhuận nhiều hay ít, mà còn quý cái ý chí làm ăn, phấn đấu khởi nghiệp của chủ nhà.

Có dạo làm công cho anh bạn trẻ, thiết kế đưa ra nay vầy mai khác, đầy ý tưởng cho cái quán trà sữa bé tẹo khiến anh Sơn theo muốn hụt hơi.

Nhưng anh vẫn tôn trọng thiết kế và làm theo yêu cầu để giúp ý tưởng khởi nghiệp của anh bạn trẻ có một không gian độc đáo, thu hút khách hàng tuổi mới lớn.

Anh Sơn cho biết cảm kích anh bạn trẻ vì sự… liều mạng “thành công, hoặc là không cưới vợ” vì đã gom hết vốn (cả tiền cưới vợ) quyết chí kinh doanh.

Dự án của anh bạn trẻ thành công và đã cưới vợ, việc làm ăn cứ thế nở nồi, sau hơn chục năm, anh bạn trẻ “cần làm gì khó khó cũng kêu anh Sơn giúp em!”

Đến nay, anh bạn trẻ đã mở thêm vài chi nhánh trong và ngoài tỉnh, qua anh Sơn giới thiệu cũng trở thành khách hàng thường xuyên của anh Khải. Ngày anh Khải cúng giỗ tổ, anh bạn trẻ tranh thủ chạy tới cụng với anh em ly bia vui vẻ.

Trong năm qua tình hình kinh tế khó khăn, nên bữa cơm tất niên cũng tổ chức gọn gàng. “Tôi chỉ cầu mong tổ nghiệp cho anh em mình hòa thuận làm ăn”, đó là điều ước đơn giản mà chân thành anh Khải khấn vái. Sự hòa thuận thể hiện cái tình gắn bó sẻ chia và tôn trọng nhau trong công việc nghề nghiệp của mỗi người!

AN HƯƠNG