Tính nhân văn sâu sắc trong thơ chúc tết của Bác Hồ

Cập nhật, 12:24, Thứ Sáu, 12/02/2021 (GMT+7)

Suốt 24 năm trên cương vị là người đứng đầu Đảng và Chính phủ, Bác Hồ chỉ có một ham muốn tột bậc là nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Tình yêu và khát vọng đó luôn được thể hiện qua các câu thơ chúc Tết của Bác.

Ngày còn Bác, năm nào cũng thế, khi tết đến xuân về, khi giao thừa đang điểm, nhân dân cả nước thật sự nức lòng khi nghe thơ chúc Tết của Bác. Đó là giây phút thiêng liêng nhất mà ai cũng lắng lòng, trước bàn hương án tổ tiên, bên sự sum vầy của gia đình cùng với tình cảm lớn lao mà Bác dành cho cả dân tộc nhân ngày đầu năm.

Thơ chúc Tết của Bác mang âm hưởng của thời đại, ngời sức chiến đấu nhưng vẫn đậm đà sắc xuân. “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em văn nghệ sĩ cũng là chiến sĩ trên mặt trận ấy” nói lên vai trò quan trọng trong tư tưởng chiến lược của Bác. Chất thép trong thơ văn ấy luôn có mặt trên suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam, của chiến tranh dựng nước và giữ nước mà từ ngàn xưa ông cha ta đã sử dụng để giáo dục con cháu tình yêu nước thương nòi, lòng căm thù giặc sâu sắc mà đứng lên đuổi chúng ra khỏi biên thùy. “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” thì văn nghệ sĩ làm sao có thể đứng ngoài cuộc được bao giờ? “Sống vững chãi bốn ngàn năm sừng sững, lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa” (Huy Cận- “Đi trên đất này” đã thật sự đi vào lòng người.

Từ năm 1942 đến năm 1969, có 22 bài thơ được Bác viết và chúc nhân dân cả nước nhân ngày đầu năm. Giản dị, súc tích, dễ nhớ, dễ hiểu nhưng hàm chứa ý nghĩa nhân văn sâu sắc rất được nhân dân trân trọng tìm đọc và giữ gìn:

Tháng ngày thấm thoát chóng như thoi,

Nǎm cũ qua rồi, chúc nǎm mới:

Chúc phe xâm lược sẽ diệt vong!

Chúc phe dân chủ sẽ thắng lợi!

Chúc đồng bào ta đoàn kết mau!

Chúc Việt Minh ta càng tấn tới,

Chúc toàn quốc ta trong nǎm này

Cờ đỏ ngôi sao bay phất phới!

Nǎm này là nǎm Tết vẻ vang,

Cách mệnh thành công khắp thế giới.

(Xuân Nhâm Ngọ- 1942)

Rất mạnh mẽ và quyết liệt, khác với những phút lắng lòng trước nàng xuân yên ả thanh bình, Bác viết:

… Xuân ơi, Xuân hỡi, hỡi Xuân,

Từ xa tới gần, Xuân khắp mọi nơi.

Rót cốc rượu Xuân, mừng cách mạng.

Viết bài chào Tết, chúc thành công!

(Xuân Giáp Thân- 1944)

 

Bao giờ kháng chiến thành công,

Chúng ta cùng uống một chung rượu đào.

Tết này ta tạm xa nhau,

Chắc rằng ta sẽ Tết sau sum vầy.

(Xuân Bính Tuất- 1946)

Không có con đường nào khác để thống nhất đất nước, giải phóng dân tộc ngoài vũ trang cách mạng, toàn dân kháng chiến, không chỉ nhất thời mà là kháng chiến trường kỳ:

Toàn dân đại đoàn kết

Cả nước dốc một lòng

Thống nhất chắc chắn được

Độc lập quyết thành công

(Xuân Mậu Tý- 1948)

Tư tưởng chủ đạo xuyên suốt trong những bài thơ chúc Tết của Bác là giải phóng giai cấp, độc lập dân tộc. Động viên tinh thần thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà:

Xuân này kháng chiến đã năm xuân

Nhiều xuân thắng lợi càng gần thành công

Toàn dân hăng hái một lòng

Thi đua chuẩn bị, tổng phản công kịp thời.

(Xuân Tân Mão- 1951)

Chúc mừng đồng bào năm mới

Đoàn kết thi đua tiến tới

Hoàn thành kế hoạch ba năm

Thống nhất nước nhà thắng lợi

(Xuân Kỷ Hợi- 1959)

Kết hợp nhuần nhuyễn tính giai cấp và dân tộc, độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội. có thể nói văn học cách mạng yêu nước là dòng chảy có sức mạnh không thể ngăn cản. Từ “Tiếng hát át tiếng bom” của chiến dịch Điện Biên Phủ tới “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của Chiến dịch Hồ Chí Minh cho ta niềm tự hào của một dân tộc không bao giờ chịu khuất phục trước sự xâm lấn của giặc thù. Để rồi khúc tráng ca của ngày nào đã thành khúc khải hoàn ca vang vọng đến muôn sau:

Năm qua thắng lợi vẻ vang

Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to

Vì độc lập, vì tự do

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào

Tiến lên chiến sĩ đồng bào

Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn

(Xuân Kỷ Dậu- 1969)

Hẳn là Bác nhắc đến cuộc Tổng tiến công năm 1968, quân ta đã đánh vào các điểm xung yếu của chính quyền Sài Gòn và cả tòa Đại sứ Mỹ làm cho chúng hoang mang, lo sợ. Tuy là cuộc thử sức nhưng Bác tin chắc chắn rằng thắng lợi cuối cùng phải đến. Và nó đã đến đúng như dự định, những câu thơ Bác viết năm ấy đã thành lời sấm: Mỹ cút… rối mới đến ngụy nhào. Thực tế là Mỹ cút năm 1973, ngụy nhào năm 1975.

Những câu thơ thép ấy luôn có tiếng reo hò xung trận với khí thế như tức nước vỡ bờ, thúc giục muôn lòng trai. “Không có gì quý hơn độc lập, tự do ” đã thành lý tưởng cho cả giống nòi. Bác vui vì niềm vui của cả dân tộc:

Xuân về xin có một bài ca

Gửi chúc đồng bào cả nước ta

Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi

Tin mừng thắng trận nở như hoa

(Xuân Đinh Mùi- 1967)

Và, Bác đã làm nức lòng không chỉ những người đang cùng thế hệ, đang cầm súng cầm gươm đã in sâu vào tâm khảm của hàng hàng thế hệ nối tiếp.

Gần 50 năm Bác đã đi xa, những câu thơ của Bác luôn là tài sản vô giá mà cả dân tộc phải hết sức giữ gìn, trong đó có những câu thơ chúc Tết.

Trách nhiệm công dân của văn nghệ sĩ không chỉ gói gọn trong một giai đoạn lịch sử của xã hội đương thời mà phải là trách nhiệm lâu dài với dân với nước, cụ thể là những điều mình suy nghĩ và viết ra. Đấu tranh bảo vệ chân lý; tôn vinh cái thiện, cái đẹp, góp phần hướng con người đến Chân- Thiện- Mỹ hoàn toàn luôn là đích phấn đấu để chất thép trong những câu thơ, câu văn đó được phát huy.

Xuân về, xin lắng lòng trước những câu thơ viết về Bác của Tố Hữu:

Bác để tình thương cho chúng con

Một đời thanh bạch chẳng vàng son

Mong manh áo vải hồn muôn trượng

Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.

PHAN THÀNH MINH