Truyện ngắn

Nhớ người xa xứ

Cập nhật, 11:50, Chủ Nhật, 07/02/2021 (GMT+7)

(VLO) Giật mình thức giấc, nhìn đồng hồ, mới hơn hai giờ sáng, trong ánh sáng mờ đục của bóng đèn ngủ, bà Năm ngồi thu lu ở góc giường, tay cầm khăn chặm nước mắt.

- Má à, chị Hai mới điện về mà má. Chị, anh Hai và mấy cháu đều khỏe hết mà! Má không chịu ngủ, cứ thức sớm như vầy hoài rồi ngã bệnh, khổ thân má, khổ tụi con, chị Hai biết được lại càng lo hơn má à!

Giọng nhỏ nhẹ, buồn buồn của thằng Bình. Nó vừa nói, vừa giở mùng đỡ bà Năm nằm xuống.

- Đừng lo nghĩ gì, ngủ đi má, mới hơn nửa đêm hà!

Tranh minh họa: TRẦN THẮNG
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG

Thằng Bình là đứa con trai thứ, cũng là út. Bà Năm có hai đứa, con Hòa và thằng Bình. Từ khi con Hòa lấy chồng xa xứ, hầu như không đêm nào bà Năm yên giấc. Nhất là thời gian gần đây, ngày nào bà Năm cũng theo dõi thời sự trên ti vi, theo dõi tình hình đại dịch Covid-19.

Bà quan tâm tình hình, diễn biến Covid-19 ở Việt Nam thì ít mà quan tâm tình hình, diễn biến Covid-19 ở một vùng đất bên kia nửa vòng trái đất thì nhiều. Nơi đó, có đứa con gái mà bà đã mang nặng đẻ đau, quặn lòng tiễn nó theo chồng về vùng đất xa xôi không người thân, không bạn bè.

***

Bà Năm mang thai con Hòa cuối năm 1969, đúng ngày 20/6/1970, nó cất tiếng khóc chào đời, năm bà mới hơn mười tám tuổi.

Nó ra đời trong những ngày tháng ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ, những tưởng có lúc cả hai mẹ con không qua được làn tên, mũi đạn trong những trận pháo hủy diệt, những trận càn nhổ cỏ của giặc.

Sống được là nhờ sự che chở, đùm bọc của bà con, xóm làng trong những lúc nguy nan, khốn khó. Trong chiến tranh, không ai suy hơn, tính thiệt, chỉ có lòng nhân ái, chia sẻ nhau từng hạt gạo, củ khoai, dìu nhau, chia nhau từng tấc hầm để tránh bom rơi, đạn nổ… vì vậy mà hai mẹ con đã vượt qua, đã sống.

Ba con Hòa là bộ đội chủ lực của tỉnh Trà Vinh, Tiểu đoàn 501. Đầu năm 1968, một đêm hành quân, đoàn quân ghé nghỉ lại, bà Năm cùng gia đình làm cơm cho bộ đội và ông bà “quen nhau”.

Tuy ở hai tỉnh khác nhau nhưng cách nhau không đầy chục thước mặt sông Trà Mẹt. Bà Năm ở xã Hựu Thành, huyện Trà Ôn của tỉnh Vĩnh Long, còn ông Năm ở xã Thông Hòa, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Sau đó nhờ người mai mối, 4 tháng sau ngày “quen nhau” đó, ông, bà làm lễ tuyên bố.

Vậy là thành vợ, thành chồng. Sau ngày cưới, ông Năm tiếp tục lên đường, có khi cả tháng mới ghé về thăm. Có chồng bộ đội thời chiến tranh là vậy.

Năm 1972, trong một trận đánh chống càn của Mỹ- ngụy ở Cầu Ngang (Trà Vinh), ông bị trúng đạn pháo. Phổi bị thủng, xương đùi chân trái của ông bị gãy, thời gian đầu ông phải chống nạng. Sau thời gian chữa trị, ông về hoạt động tại địa phương.

Hoan hỉ, những ngày sau giải phóng, bà Năm mang thai, năm 1976, sinh thêm thằng Bình.

***

Sau khi thống nhất, đất nước ở vào tình thế vô cùng khó khăn, kinh tế và xã hội bị ảnh hưởng nặng nề sau những năm chiến tranh tàn khốc.

Nguồn viện trợ không hoàn lại của quốc tế cho Việt Nam giảm hẳn và không còn. Năm 1979, trên tinh thần đoàn kết, nhân đạo, Việt Nam đã đưa quân tình nguyện sang giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng, nhà cầm quyền Trung Quốc tiến hành cuộc chiến tranh biên giới; cùng với đó là chính sách thù địch, bao vây, cấm vận của Mỹ, đặt nước ta vào tình thế bị cô lập với thế giới.

Thời gian 10 năm trước đổi mới, đã có không ít các hoạt động phá hoại, những âm mưu bạo loạn và lật đổ, những kích động và chia rẽ hận thù dân tộc, tất cả đều có sự tiếp sức của các thế lực phản động bên ngoài.

Tình hình phức tạp nảy sinh sau chiến tranh cùng với những hậu quả chiến tranh chưa giải quyết xong đã tác động sâu sắc vào đời sống xã hội, tạo ra khủng hoảng kinh tế- xã hội ở nước ta những năm sau giải phóng.

Những tưởng, đất nước hòa bình không còn cảnh bom đạn, chết chóc thì sống sao cũng được, có nghèo khó, thiếu thốn bao nhiêu cũng chịu được. Gạo không đủ ăn, phải lèo lái nuôi mấy đứa nhỏ. Các vết thương “trở chứng”, thuốc men hạn chế, khi con Hòa học hết lớp 10, thằng Bình mới vào lớp 4 trường làng thì ông Năm mất, bà Năm suy sụp hẳn.

Con Hòa tuy mới 16 tuổi, nhưng đã chững chạc, thay mẹ lo cho em, chăm sóc, an ủi mẹ. Mơ ước của nó là được làm cô giáo ở trường quê mình. Học xong cấp ba, thi không đủ điểm vào đại học, nó thi vào cao đẳng sư phạm của tỉnh.

Tội nghiệp, hầu như cuối tuần nào cũng về, khi thì mượn xe đạp của bạn, khi thì quá giang, hoặc chiều tối chủ nhật, thường nhất là 4 giờ sáng thứ hai là nó phải trở lại trường cho kịp buổi học. Thường thì nó đi lúc sáng thứ hai, để còn được ở bên má, bên em thêm một tối nữa.

Khi đi chỉ xin ít gạo thôi, vì thời đó, sinh viên, nhất là ngành sư phạm, được Nhà nước bao cấp, nhưng vì phần ăn ít quá, không đủ cho tuổi đang ăn, đang lớn, nhất là con em xuất thân từ lao động nông thôn nghèo như con Hòa.

Sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn, chiến tranh, nghèo, khó, vất vả, cơm không đủ ăn, áo không đủ lành, con Hòa cũng như phần lớn con em ở vùng này, đen đúa, gầy nhom, tuổi dậy thì thường đến trễ.

Con Hòa học sang năm thứ hai mới “trổ mã” ra dáng con gái. Ít ra đồng nên nhả nắng, da dẻ trắng mởn ra, tóc dài óng mượt…

Và cuối tuần nào, thằng Long học chung trường cao đẳng, nhà ở làng bên, cũng đạp xe chở về, sáng sớm thứ hai lại sang chở con Hòa lên trường.

Có hôm, sau khi thả con Hòa xuống, thằng Long cứ nấn ná như không muốn về. Khi thằng Long đạp xe đi, con Hòa cứ đứng nhìn theo…

***

Mới ra trường, đang chờ phân công thì có người mai mối,

***

Trước giải phóng, gọi là nhà, nhưng thật ra chỉ là cái chòi lá để che nắng, che mưa, rộng lắm là hơn mười thước vuông, nhà nào khá lắm thì có một, hoặc hai bộ vạt tre, có nhà chỉ trải đệm dưới đất mà ngủ.

Chiến tranh mà, sống nay, chết mai, bom đạn liên hồi, giặc càn phá, thiêu đốt hết nhà cửa đợt này đến đợt khác, có gia đình một năm bị chúng thiêu rụi đôi ba lần thì sao mà có cái nhà cho ra hồn được.

Sau giải phóng, mọi người cũng hồ hởi, góp nhặt, chia sẻ nhau làm lại nhà cửa cho khang trang, đàng hoàng. Nói khang trang, đàng hoàng, nhưng cũng chỉ là mái lá, vách lá, nền đất.

Nhà nào khấm khá hơn, sang hơn thì làm được bộ cột kê bằng cây tạp, vách ván bằng gỗ cây cồng, nhưng vẫn nền đất.

Cả xóm, chỉ có nhà của chú Ba Câu, có 4 chị gái siêng năng, đốt rơm lấy tro trộn với đất sét đắp nền, nên nền đất đen mun, không bị nứt nẻ vào mùa khô. Tụi nhỏ hay tới chơi và nằm trên nền nhà đất ấy, mát rượi…

Những năm 1986, khi đất nước đổi mới, mở cửa, người Việt Nam ở nước ngoài được về nước, nhất là ở Mỹ, họ là Việt kiều. Họ giàu, lắm của, nhiều tiền, ăn mặc sang trọng, xây nhà cao, cửa rộng cho người thân, tiệc tùng linh đình, tổ chức những chuyến du lịch xa thật xa, tận Vũng Tàu, Đà Lạt, Nha Trang…

Nhìn họ, người lớn còn cám cảnh, chạnh lòng, huống chi bọn trẻ. Một đời của bà Năm, cũng như những người nhà quê xứ này chưa một lần đặt chân lên tới Sài Gòn, huống chi Đà Lạt, Nha Trang, Vũng Tàu…

Những món tiệc của họ, chỉ nghe thôi chứ cũng chưa thấy lần nào huống chi nói tới ăn, uống. Hơn 10 năm giải phóng, chỉ một lần bà Năm tranh thủ lên thăm để biết chỗ con Hòa ở, học thôi.

***

Xin cưới con Hòa là thằng Hậu.

Thằng Hậu trước đây là bạn học hồi cấp ba trường huyện với con Hòa. Sau đó nó cùng gia đình đi Mỹ theo diện HO, vì ba nó xưa là sĩ quan chế độ cũ.

Nội, ngoại đều phản đối, vì gia đình họ là chế độ cũ, mình là gia đình cách mạng. Con Hòa lấy thằng Hậu, theo chồng đi Mỹ là xem như “nghìn trùng cách biệt”… Biết vậy, nhưng…

Từ ngày cô Ba Sang- có bà con họ hàng với gia đình thằng Hậu và cũng quen biết với gia đình bà Năm xưa nay- tới nhà ngỏ lời, không ngày nào bà Năm không suy nghĩ, đêm nào bà cũng trằn trọc.

Cuộc đời của bà sinh ra, lớn lên trong chiến tranh, nghèo khổ, cơ cực đã quen, giờ sống sao cũng được, nhưng con Hòa, thằng Bình, không lẽ để chúng cứ nghèo khó, cái ăn không đủ no, cái mặc không đủ lành mãi sao… Ai cũng nói, được qua bên Mỹ là sướng, không thiếu thứ gì, vì nước Mỹ giàu lắm.

Bà Năm chỉ mong con Hòa, thằng Bình có cuộc sống đầy đủ. Nhưng vì cả quê hương mình hy sinh, đổ máu xương để đánh Mỹ và mới vừa thắng Mỹ, trong đó có ba con Hòa, phần nữa, nước Mỹ xa quá, có chuyện gì thì…

Hơn tuần sau, trời vừa chập choạng tối, cô Ba Sang qua gặp bà Năm.

- Sao chị Năm? Bên thằng Hậu muốn chị trả lời sớm, để họ qua “giáp lời”, vì bên đó họ biết gia đình chị, nhất là con Hòa. Xong, họ về Mỹ, gần tết họ qua làm thủ tục kết hôn, làm đám cưới luôn.

- Mấy hôm nay tôi cũng nghĩ hoài, nhưng chưa hỏi ý con Hòa. Cô Ba cho tôi thêm mấy bữa nữa nghen!

Bà Năm thở dài, đôi bàn tay nắm chặt vào nhau, ánh mắt đượm buồn xa xăm.

Cô Ba Sang đi rồi, bà Năm đốt nén nhang cắm lên bàn thờ ông Năm. Bà cứ chăm chăm nhìn hình ông Năm như muốn xin ông cho ý kiến để bà quyết định.

***

Cố nằm đến khi gà gáy lần thứ hai, bà Năm mới bước qua vén mùng con Hòa. Bà biết, mấy hôm nay nó cũng ít ngủ như bà, vì cứ lâu lâu nghe nó trở mình và thở dài. Bà chưa kịp lên tiếng thì con Hòa đã cất giọng:

- Má tính sao hả má?

- Chuyện gì con?

Bà Năm hơi đột ngột khi nghe con gái hỏi.

- Thì chuyện cô Ba Sang nói hổm nay
đó má!

- Má định hỏi ý con, tùy con vậy. Con biết thằng Hậu từ trước mà, nghe nói nó cũng hiền...

Con Hòa lặng yên, không trả lời, chầm chậm xoay người ôm lưng bà Năm.

Con Hòa đã nghe chuyện này cả mấy tháng trước, trước khi gia đình thằng Hậu về nước. Và cũng từng ấy tháng, nó rất buồn, ít nói. Hay ngồi thẫn thờ ở gốc cây gừa sau vườn.

Mấy lần thấy thằng Long đạp xe sang chơi, con Hòa không hồ hởi ra đón, không vui cười như những lần trước, lần nào ra về thằng Long cũng buồn buồn, con Hòa lặng lẽ.

Má, nếu con đồng ý, thì bao giờ họ cưới hả má?

Cô Ba Sang nói, nếu con đồng ý thì họ sẽ sang nhà mình để “giáp mặt” rồi họ về bên Mỹ, cuối năm sẽ trở lại đây làm đăng ký kết hôn, tổ chức đám hỏi, đám cưới luôn, vì gia đình họ chỉ về đây được có một tháng thôi con à!

Con Hòa thở thật dài. Bà Năm chảy nước mắt.

Con mong có cái nhà đàng hoàng hơn. Má lớn tuổi rồi, cả một đời vất vả, khổ cực, phải có cuộc sống kha khá hơn. Con muốn thằng Bình học hành tới nơi, tới chốn, có việc làm ổn định. Đời con sao cũng được…

***

Từ ngày con Hòa lấy chồng, nhà gắn cái điện thoại bàn, để một tuần nó điện về một lần. Lần nào điện về nó cũng khóc vì nhớ quê, nhớ bà Năm, nhớ thằng Bình. Bà Năm cũng không cầm được nước mắt.

Mấy năm sau, nó gửi tiền về, xây lại cái nhà, sắm sang những vật dụng cần thiết cho gia đình. Lo cho thằng Bình đi học, lấy vợ…

Mãi đến năm 2000, sau 9 năm lấy chồng, nó mới về nước lần đầu. Ở lại một tháng, nó đi. Vẫn là con Hòa của bà Năm ngày nào, ít nói, hay làm, không hề than vãn dù khó khăn, cực khổ đến đâu đi nữa, vẫn khiêm nhường, tằn tiện, giản dị, chứ không như những Việt kiều khác mỗi khi về nước.

Nó không cho lên sân bay Tân Sơn Nhất đón, tự đi xe khách về. Đi thăm bên nội, bên ngoại với ít quà bánh mua ở siêu thị. Làm mâm cơm dân dã cúng ba nó, rồi cả nhà cùng quây quần.

Tội nghiệp, những ngày về, sáng nào cũng thấy nó thức sớm ra sau vườn, chỗ cây gừa cạnh hố bom, những ngày chiến tranh, có một nhánh bị miểng phang, nằm ngang, mọc rễ, chỗ nó hay ngồi mỗi khi thằng Long sang chơi, những ngày nó chưa lấy chồng…

Trước khi theo chồng, nó dặn bà Năm, có cải tạo, sửa vườn cũng đừng chặt cây gừa đó và lâu lâu điện về nó hỏi cây gừa đó còn không.

Nó không nói nhiều về cuộc sống bên đó. Tuy nó không nói, nhưng bà Năm đoán được cuộc sống bên đó cũng không dễ dàng gì, nên cũng từ lần đó, bà khuyên con đừng gửi tiền, gửi quà về nữa, mà hãy lo cho gia đình, cho con nó.

Vì thằng Bình hiện làm kỹ sư ở khu công nghiệp, vợ nó làm công nhân nên lương cũng kha khá đủ trang trải… Cách nay 3 năm, vợ chồng nó về chơi một tuần lại đi.

Mỗi lần con Hòa về, rồi lại đi, bà Năm đau thắt như thêm một lần đẻ nó ra vậy. Không biết lần sau nó về, có còn gặp bà nữa không, tết này bà đã bước sang tuổi 70 rồi. Được cái, hơn 2 năm nay, thằng Bình mua cho bà cái điện thoại khi điện thấy hình nên vẫn luôn “thấy mặt” con.

Mỗi lần xem ti vi thấy bên Mỹ cháy rừng, bà Năm cũng lo, nghe vụ xả súng bà cũng lo, thấy thất nghiệp nhiều quá bà cũng lo.

Nhất là thời gian gần đây, đại dịch Covid-19 ở Mỹ số người mắc, số người chết tăng nhanh từng ngày bà càng lo cho con Hòa và chồng, con của nó, sợ tụi nó mắc bệnh, sợ do dịch bệnh mà không có việc làm, ảnh hưởng cuộc sống…

Hôm tháng rồi, ở xã mời ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, thằng Bình lấy xe máy chở bà đi dự. Nghe chính quyền địa phương báo cáo tình hình đất nước mình đổi thay từng ngày, xã mình là xã nông thôn mới nâng cao, đời sống dân mình có cuộc sống ấm no, đầy đủ, ở xã không còn hộ nghèo. Đặc biệt là thời gian qua, Việt Nam mình đã và đang kiểm soát và khống chế được đại dịch Covid-19.

Đêm đó bà cũng mất ngủ,

***

Đêm nay bà không ngủ được, ngẫm, thà thiếu một chút, thà nghèo một chút, thà cực một chút, thà khổ một chút nhưng sống có nhau, đùm bọc nhau, gần gũi nhau sẽ không phải lo, buồn như bây giờ.

Bà chảy nước mắt...

TRẦN BẠCH