Mấy hôm nay, có một cô bé đến phụ bán thuốc tây ở chợ. Quầy thuốc này của cô Ba, thường thì chỉ có cô đứng bán, bây giờ có thêm một nhỏ nhí tóc dài nên tôi thấy có gì là lạ. Bán thuốc tây phải qua trường lớp, phải có bằng cấp, còn nhỏ này không biết sao đây.
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG (TP Vĩnh Long) |
Mấy hôm nay, có một cô bé đến phụ bán thuốc tây ở chợ. Quầy thuốc này của cô Ba, thường thì chỉ có cô đứng bán, bây giờ có thêm một nhỏ nhí tóc dài nên tôi thấy có gì là lạ. Bán thuốc tây phải qua trường lớp, phải có bằng cấp, còn nhỏ này không biết sao đây.
Sau vài lần mua thuốc, tôi làm quen:
- Nhỏ tên gì?
Cô bé ngoẻn miệng cười, hai đồng tiền lúm sâu xinh xắn:
- Con tên Vân.
Tôi ghẹo:
- Mới mười sáu tuổi mà biết bán thuốc tây, giỏi thiệt à nghen!
Cô bé trợn mắt:
- Ai nói với chú là con mười sáu tuổi, hai mươi bốn rồi nghen. Có bằng cấp dược sĩ mới dám đứng bán thuốc chớ bộ.
- Vậy hả, thấy nhí quá nên chú tưởng. Còn nhỏ xíu mà giỏi quá ta.
- Tại hơi bị nhỏ con thôi, chứ con lớn lắm rồi.
- Lớn lắm, có người yêu chưa?
- Chú hỏi gì kỳ. Ai mà biết.
- Nếu lớn như vậy thì chú không gọi bằng bé nhí nữa, gọi bằng em, chịu không?
- Con hổng biết à nghen.
Thỉnh thoảng đến mua thuốc, tôi cứ chọc ghẹo cho vui. Một bà vợ với mấy đứa con cứ thay phiên nhau bệnh nên tôi trở thành khách hàng quen thuộc của hiệu thuốc này.
Nếu không mua thuốc trị bệnh thì cũng phải mua mấy thứ thông thường nên đôi ba ngày là có mặt tôi ở hiệu thuốc, thậm chí có khi hàng ngày như ăn cơm bữa.
Mẹ con nó không ho, không cảm thì cũng bị bao tử hành; rồi nào là viêm xoang, nhức đầu, nhức răng, đau bụng, chóng mặt,…
Không mua thuốc thì cũng phải mua mấy thứ lặt vặt như bông gòn, cồn hoặc men tiêu hóa mỗi khi ăn không tiêu hoặc đang uống trụ sinh…
Bình thường nhất cũng phải có thuốc bổ cho mấy đứa nhỏ vì đứa nào cũng còi xương, ăn uống thất thường, chưa nói đến mấy loại vitamine hoặc các viên B tổng hợp bồi bổ hoặc có khi cả hộp calcium… Nói chung là đủ thứ hầm bà lằn khó thống kê cho hết.
Thỉnh thoảng, bé Vân cũng tư vấn việc uống thuốc. Có lần con tôi bị viêm họng, khó chịu cả ngày, nó đòi mua thuốc uống. Tôi ra hiệu thuốc gặp Vân, em hỏi: “Nó bị viêm họng mà có đau, có sốt gì không.” Tôi nói không, nó chỉ vương vướng nơi cổ họng, kích thích đàm với nước bọt tiết ra, khọt khẹt hoài cả ngày. Vân nói:
- Vậy là còn nhẹ, hổng sao. Khỏi uống thuốc, chú lấy mấy viên kẹo Strepsil này về cho nó ngậm. Kẹo này trị đau họng, trị ho, vừa thơm vừa the. Ngậm hai, ba viên thấy bớt thì chú chuyển qua viên kẹo ngậm Eugica này nhẹ hơn, ít the hơn.
Tôi mua về làm theo, quả nhiên ngậm hai viên Strepsil, cách nhau vài tiếng thì chứng viêm họng giảm hơn phân nửa. Và trong ngày đó, không cần viên thuốc nào đứa con cũng hết khọt khẹt. Nhỏ này chẳng những giỏi mà còn tốt bụng.
Một buổi trưa vắng lặng, ngồi nhâm nhi ly cà phê trong quán nước ven chợ, chợt thấy bé Ốc tiêu thuốc tây đi ngang, tôi vội kêu:
- Vân, mời em vô uống với anh ly nước.
Nhỏ dừng lại:
- Không được đâu, con phải về bán thuốc.
- Giờ này vắng khách, có cô Ba đứng bán được rồi. Uống với anh ly nước rồi về, hông thôi anh giận, không mua thuốc nữa à nghen.
Vân đi vào, ngồi đối diện với tôi. Tôi hỏi nhỏ uống gì rồi kêu nước. Bây giờ thì tôi có dịp ngắm Vân kỹ hơn. Tuy hơi nhỏ con, nhưng rất có duyên và đẹp. Em nhỏ xíu giống như cô nàng trong truyện cổ tích Việt Nam “Nàng Út ống tre”. Tự dưng, tôi thả lòng vào truyện cổ tích lúc nào không hay. Nhỏ lên tiếng làm tôi giật mình:
- Chú suy nghĩ gì vậy?
Tôi cười cười:
- Anh đang nhớ đến chuyện cổ tích Nàng Út ống tre. Vân nhỏ xíu giống nàng Út quá. Anh đặt tên là bé Ốc tiêu nghen.
- Tại nhỏ con thôi, chú chọc con hoài.
Rồi cô bé bắt qua chuyện khác:
- Thấy chú mua thuốc hoài, tốn tiền nhiều nên thấy tội nghiệp chú quá.
- Vợ con bệnh hoài nên phải chịu thôi. Mấy đứa con anh lúc mới sinh, đứa nào cũng mũm mĩm đẹp như tiên, nhưng lớn lên kén ăn, lại thường xuyên bị bệnh nên ốm nhom ốm nhách.
- Hồi nhỏ con cũng bệnh hoài, làm khổ cha khổ mẹ. Bây giờ thì con khỏe rồi, ráng làm kiếm tiền về lo lại cho cha mẹ.
- Em có hiếu quá.
Một người thì xưng anh em, một người thì xưng chú cháu, khó nghe quá. Tôi đề nghị:
- Anh nhăn nheo vậy chớ chưa già đâu, còn yêu đời lắm, kêu bằng anh đi, kêu bằng chú chắc chết sớm quá.
- Chú lớn như vậy làm sao dám kêu bằng anh.
- Người ta cho thì cứ kêu.
- Vậy nghen. Không được la à nghen. Lỗ ráng chịu nghen. Anh tên gì vậy anh?
Trời, cô bé dạn dĩ, hoạt bát và vui tính quá, tôi bèn trả lời:
- Anh tên Khỏe.
Cô bé đùa:
- Nghe tên tưởng là khỏe, nhưng anh cực quá, chắc mệt lắm chớ ít khi khỏe.
- Mệt thì mệt, cũng phải ráng để lo cho vợ con.
- Năm nay anh bao nhiêu tuổi?
Tôi cười cười:
- Năm mươi bảy tuổi rồi.
- Vậy thì anh lớn hơn ba em tám tuổi. Ba mới có bốn mươi chín hà.
Cười vui một hồi, bỗng cô bé nghiêm nghị nhìn tôi:
- Uống thuốc tây nhiều không tốt đâu nghen, thường là nó có tác dụng phụ đó.
- Anh biết rồi, kẹt lắm mới mua thuốc chớ bộ. Chỉ là các loại thuốc thông thường, có gì nghiêm trọng đâu.
- Hồi đó ở quê, bà con mình trị bệnh theo lối dân gian mà cũng chữa được nhiều bệnh. Thí dụ như bị cảm vì mưa thì cạo gió hoặc xông hơi, rồi ăn một chén cháo nóng có hành, có tiêu cho nó ra mồ hôi. Còn bây giờ thì bất cứ bệnh nặng nhẹ gì cũng chỉ uống thuốc tây. Có hại cho cơ thể hơn là có lợi, cơ thể quen, sẽ lỳ rồi dần dần mất sức đề kháng.
- Mấy chuyện đó anh biết rồi. Từ nhỏ đến giờ, anh trị bệnh bằng phương pháp dân gian đó thôi. Thí dụ như anh lỡ mắc mưa bị cảm lạnh, uống ly nước chanh nóng, để tí đường, tí muối cũng giảm bớt. Trường hợp nhiễm trùng, nhiễm vi rút mới dùng tới kháng sinh.
Nhỏ tròn mắt:
- Anh cũng hay quá hén.
- Không hay sao được. Hơn hai mươi năm nay, anh có uống viên thuốc tây nào đâu.
- Trời ơi, ai cũng như anh thì mấy tiệm thuốc tây đóng cửa hết rồi.
Chuyện vãn qua lại một hồi, cô bé phải về bán thuốc. Cầm chân không được nên tôi để nhỏ về. Vóc dáng nhỏ bé, gương mặt hiền lành với đôi má lúm đồng tiền xinh xắn theo tôi vào giấc ngủ.
Sau ngày đó, thỉnh thoảng có dịp, tôi mời nhỏ đi uống nước, nhỏ không ngại ngùng như lần đầu mà càng lúc càng thân mật hơn.
***
Thằng nhí nhà tôi, mới sáng thức dậy đã thấy nó mặt mày nhăn nhó, không năng nổ, linh lợi như mọi ngày. Lát sau, nó nói muốn ói, rồi nằm vùi.
Tôi sờ trán, không thấy nóng, hỏi có đau bụng, nhức đầu, chóng mặt gì không, nó nói không, chỉ thấy mệt và muốn ói. Thôi, con cứ nằm nghỉ, biết bệnh gì mà mua thuốc bây giờ.
Vợ thì cứ nói tại nó đói quá mới bị như vậy, rồi cằn nhằn biểu tôi phải lo cho nó ăn. Tôi chạy qua chợ mua tô cháo lòng không thịt.
Ép miếng cháo, cũng không ăn được; ép uống tí trà đường, trà gừng gì cũng không dám uống. Đến chừng khát quá, nó uống được tí nước; không đầy nửa tiếng sau ói xà ra. May là tôi đã chuẩn bị sẵn nào thau, nào nước, nào khăn lau.
Ói xong, thấy hơi khỏe lại đôi chút, lát sau nó húp được miếng cháo, mình thấy mừng thầm. Nhưng rồi nó lại nhăn nhó, nói muốn ói. Cầm cự được một lát rồi cũng ói ra. Ăn không được thì uống calcium hoặc thuốc bổ cầm hơi. Tôi chạy ra hiệu thuốc mua vài loại sau khi nói bệnh tình thằng con.
Bé Ốc tiêu hỏi nó có đau bụng không, tiêu chảy không, ho hen gì không. Tôi nói không có. Vậy thì tiếp tục theo dõi. Có lẽ do thức ăn chiều tối hôm qua có vấn đề gì đó nên bây giờ nó bị hành.
Nhưng rồi thằng nhỏ cứ nằm vùi, uống gì cũng ói ra. Buổi chiều, tôi đi làm về sớm hơn mọi ngày. Tôi chạy như bay vào nhà, hy vọng tình hình khả quan hơn. Nhưng thằng nhỏ vẫn nằm thiêm thiếp. Đồ ói không ai dám lau chùi, trây trét tùm lum.
Mẹ nó cũng không biết bệnh từ lúc nào, nằm trên võng rên hừ hừ rồi nói ói ói. Tôi chỉ kịp mang cái thau bay vô là vợ bắt đầu ói xà ra; lại phải chạy ra ngoài mang khăn, giẻ, mang nước để lau chùi và nước cho vợ súc miệng.
Hồi nào tới giờ là vậy, vợ tôi bị cảm hoặc nhức đầu, sổ mũi là thế nào cũng đi kèm với ói. Mấy mẹ con giống hệt. Vợ tôi nếu đêm nào mất ngủ, cũng sẽ kèm với món ói. Chính vì vậy, biết bao nhiêu đêm, con bị bệnh, thức canh cho nó, chăm sóc nó, chỉ mình tôi mà thôi.
Trời ơi, con bị bệnh lo chưa xong thì tới vợ. Đến chạng vạng thì thằng nhỏ bắt đầu nóng, mồ hôi ri rỉ. Nó nhìn tôi mếu máo, môi miệng khô khốc, nước mắt ròng ròng, nói không ra hơi: “Con mệt quá cha ơi”.
Tôi lại tức tốc chạy ra tiệm thuốc tây, gặp Bé Ốc tiêu mua thuốc hạ sốt. Bé Ốc tiêu nói uống thuốc vô nó cũng ói ra, thôi thì lấy thuốc nhét hậu môn.
Bé Vân xin phép cô Ba theo tôi về nhà, nhét thuốc cho con tôi. Rồi Vân kêu tôi lấy nước ấm, em lấy khăn nhúng nước vắt ráo lau trán, lau tay cho thằng nhí.
Bé Ốc tiêu hỏi bệnh vợ tôi. Nghe triệu chứng xong, em phán:
- Chị bị viêm xoang nó hành nên mới bị nhức đầu. Chị cũng thường bị bao tử nên mỗi lần nhức đầu hoặc nóng sốt ảnh hưởng đến bao tử nên ăn khó tiêu, dễ bị ói. Anh theo em qua tiệm thuốc tây lấy thuốc về cho chỉ uống đỡ.
Tôi lật đật chạy theo bé Ốc tiêu. Em đưa ra mấy loại thuốc rồi dặn:
- Viên thuốc màu vàng này chống ói, đem về cho chỉ ngậm liền một viên, đứa nhỏ cũng phải ngậm một viên cho đỡ ói. Ngậm xong cho chỉ uống gói thuốc sữa chữ P trị bao tử. Khoảng gần nửa giờ sau, ăn miếng cháo rồi uống mấy viên thuốc chống viêm này.
Tôi nhận thuốc, không kịp trả tiền, chạy như bay về nhà. Làm theo lời nhỏ thì đêm đó vợ có khá hơn. Vợ nói:
- Em có gọi điện cho bác sĩ rồi, anh chở con đi khám bệnh đi. Để vậy thêm đêm nay nữa thằng nhỏ chịu không nổi đâu.
- Em đi với anh được không?
- Em còn mệt, bây giờ em phải ráng nấu cho con miếng cháo. Anh tự chở nó đi đi.
Tôi kêu trời. Thằng nhỏ mệt lắm rồi, phải có người ngồi sau xe đỡ nó. Rồi phải đem theo khăn, nước để lo khi nó ói dọc đường. Đi một mình sao được.
Tôi chợt nhớ đến bé Ốc tiêu, vội chạy băng băng qua tiệm thuốc tây nhờ em cùng đi. Nhỏ chịu đi, cô Ba cũng đồng ý.
Chuẩn bị mọi vật dụng, tôi chở thằng nhỏ đi khám bệnh. Bé Ốc tiêu ngồi sau ôm thằng con tôi. Dọc đường mưa lất phất, em lấy áo mưa che cho hai cô cháu, còn tôi cứ để vậy mà chạy, gò người nuốt từng quãng đường.
Chạy khoảng nửa đường thì thằng con chịu hết nổi, ói ọt ẹt; phải dừng xe cho nó ói, rồi súc miệng, rồi lau chùi vừa cho nó vừa cho bé Ốc tiêu, rồi cho nó liếm tí muối để đỡ khó chịu.
Lụi xụi cũng tới nơi. Mình mẩy tôi ướt mem, nhưng thằng nhỏ không ướt là mừng rồi. Hai cha con ráng ngồi chờ.
Vân nói thường thì trẻ em nóng phải có kèm theo triệu chứng gì đó, thí dụ như bị đường ruột thì kèm đau bụng, tiêu chảy; bị viêm phổi, cảm phổi, viêm họng thì kèm theo ho, hoặc đau họng; còn hiện giờ chưa có gì rõ rệt.
Chờ cũng khá lâu mới tới lượt khám. Bác sĩ cũng chưa định được bệnh, nên chích cho thằng nhỏ mũi thuốc chống ói, mũi thuốc khỏe, rồi cho thuốc bổ, thuốc bồi dưỡng, viêm ngậm chống ói, thuốc tăng sức đề kháng đường ruột…
(Mời xem tiếp trên số báo CN tới)
VĂN HIẾN VĨNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin