Những địa danh ở xã Trung Ngãi

Cập nhật, 09:18, Chủ Nhật, 05/07/2020 (GMT+7)

Địa danh là tên gọi của địa hình thiên nhiên, các công trình xây dựng, các đơn vị hành chính, các vùng lãnh thổ nào đó.

Về cấu tạo, địa danh là một đơn vị từ ngữ, có chức năng định danh sự vật. Địa danh còn được cấu tạo bởi những đơn vị ngữ âm, chịu sự tác động của các quy luật ngữ âm. Địa danh là sản phẩm do người bản địa tạo ra, gắn chặt với lời ăn, tiếng nói của từng vùng, từng địa phương.

Địa danh ra đời trong một thời điểm lịch sử nhất định. Địa danh đã trở thành “tấm bia” bằng ngôn ngữ học độc đáo về thời đại mà nó ra đời. Có 2 cách để tạo địa danh. Cách thứ nhất là theo lề lối của ngôn ngữ và tập quán Việt Nam. Cách thứ hai là Việt hóa những địa danh có sẵn trong ngôn ngữ của dân tộc khác.

Vũng Liêm có những địa danh thắm tình đoàn kết, những tên làng như Trung Hiếu, Trung Nghĩa, Trung Chánh, Hiếu Nhơn, Hiếu Thuận… thể hiện ước mơ và lối sống nhân nghĩa, hiền hòa từ ngàn xưa trên vùng đất địa linh, nhân kiệt. Câu hát dân gian của các bà mẹ ru con ngủ trưa hè cũng gợi nhớ những địa danh của vùng đất Trung Ngãi: “Gió đưa, gió đẩy, về rẫy ăn còng, Về bưng ăn cá, về giồng ăn dưa…”.

Giồng là chỗ đất cao hơn ruộng, trên đó nhân dân cất nhà ở và trồng rau, đậu, khoai cùng một số loại cây ăn trái. Giồng có thể bao gồm một hay nhiều xã. Giồng là biến âm của “Vồng”. Trung Ngãi có ấp Giồng Ké, chợ Giồng Ké, cầu Giồng Ké. Ké là loại cây cỏ, có thân nhỏ, nhiều nhánh, thân cao khoảng hơn 2m, lá nhám cả hai mặt.

Cây có trái. Khi trái chín, ta đi ngang qua chúng là trái bám dính vào quần, rất khó gỡ. Các địa danh đều có tác dụng đánh dấu vật thể bằng một đặc điểm nổi bật trong các nhân tố thiên nhiên hay các nhân tố thuộc về sinh hoạt xã hội.

Các đặc điểm dùng để đặt tên các vật thể tự nhiên được nhìn thấy qua những mối quan hệ của từng loại vật thể với đời sống thực tế của con người. Các vật thể ở Trung Ngãi chỉ có tác dụng làm khung cảnh cho cuộc sống như gò, giồng, bưng, đìa, bàu, rạch. Các vật thể này thường được đặt tên bằng một đặc điểm về hình dáng, về cây cỏ mọc ngay trong vùng hay về chim thú sinh sống trong vùng.

Cách đặt tên địa danh các vị trí liên hệ đến giao thông có tác dụng đầu tiên là đánh dấu một vị trí trên đường đi hoặc nêu lên một đặc điểm để xác định phương hướng của lộ trình. Các đặc điểm được chọn thường là các vật thể thuộc về phương tiện giao thông như cầu, bến, vàm.

Cầu là một vị trí có tác dụng đánh dấu trên một trục lộ, cầu thường được gọi bằng tên riêng. Đồng thời, cầu thường kèm theo một đặc điểm của nó cũng được dùng để đặt tên cho một địa phương. Cách đặt tên ở đây là các cây cối nhiều nhất ở khu vực. Cầu Rạch Rừng rộng 7- 8m giáp Đức Mỹ, Càng Long.

Cầu Vông bắc ngang qua rạch Vông. Cầu Vông cũng là cây cầu nhỏ bằng cây vườn, cây tre, xe dắt qua được. Đốc binh Lê Cẩn nghĩ ra kế hoạch “dụ hổ vào chuồng” bằng cách gửi thư xin hàng cho tên Tham Biện của Pháp ở Vĩnh Long tên Alix Salisetti (người dân Vĩnh Long quen gọi Bồi Xê). Ngày 15/2/1872.

Bồi Xê cùng tùy tùng đến gần đoạn Cầu Vông, nơi 2 ông Lê Cẩn, Nguyễn Giao xin nộp vũ khí. Hắn vừa đến nơi, Đốc binh Lê Cẩn chống gậy tầm vông nhảy vọt qua đầu cầu, ôm tên Bồi Xê quật xuống đất. Thừa cơ, đội nghĩa binh do Nguyễn Giao chỉ huy kéo ra tấn công khiến quân giặc thương vong rất nhiều. Đốc binh Lê Cẩn và tên Bồi Xê ôm giật nhau, rơi xuống sông và chết.

Rạch là dòng nước tự nhiên, nhỏ hơn sông. Xã Trung Ngãi có Rạch Rừng ở Ấp 8. Ở Trung Bộ và Bắc Bộ hoàn toàn không có từ này. Còn ở Nam Bộ nó hết sức phổ biến và các nhà nghiên cứu đều nhất trí là nó có nguồn gốc Khmer (“prêk”). Rạch Vông là con rạch nhỏ, bờ sông cũng có con lộ nhỏ. Đôi bờ rạch cây vông đồng mọc đầy.

Gò: Chỗ đất cao, tương đối cao hơn giồng nhưng diện tích hẹp hơn giồng. Một khoảng đất cao nổi lên giữa một vùng ruộng, một vùng đất cao hơn các chỗ khác trong một giồng. Một số tên gò về sau đã trở thành tên gọi một vùng rộng hơn nhiều như huyện Gò Đen (Long An), Gò Quao (Rạch Giá).

Trung Ngãi có Gò Vang là địa danh gắn với cọp, được hình thành trên cơ sở những sự kiện có thật ở địa phương, gắn bó hữu cơ với quá trình khai khẩn đất đai và tạo lập làng xã. Gò Cỏ Ống ở Ấp 2, giáp Giồng Ké. Nước lên cao, ngập bờ ranh, nước phủ kín đồng. Cỏ mọc cao lên khỏi mặt nước, tạo thân cỏ dài, cọng to, trải theo nước.

Bưng là từ gốc Khmer (“péang”), đọc là bâng hay bưng chỉ chỗ đất trũng giữa một cánh đồng, mùa nắng thường không có nước đọng nhưng mùa mưa thì ngập khá sâu và có các thứ lác, đưng mọc, chưa được khai khẩn. Mùa nước ở bưng thường có nhiều cá đồng. Trung Ngãi có bưng Ông Hổ, bưng Phèn nối đìa Dứa, người dân bồi đắp lấy đất canh tác, nay còn bưng nhỏ.  

Bàu là nơi đất trũng, mùa mưa nước khá sâu nhưng mùa nắng chỉ còn những vũng nước nhỏ hay khô hẳn. Trung Ngãi có bàu Môn ở ấp Kinh, đây là bàu lớn, rất nhiều môn nước mọc, thân như thân cây bạc hà to, cao, lá lớn, rất ngứa khi lội vào. Bàu Lưỡi Ối cũng ở Ấp 2, diện tích khoảng 30 công. Hiện nay nông dân đã lấp xạ lúa.

Đìa là chỗ trũng ngoài đồng, có đắp bờ đê giữ nước và nuôi cá. Đìa Chùm ở Trung Ngãi nằm giữa đồng, khoảng ba chục đến bốn chục đìa. Tá điền tát đìa mấy ngày ròng mới cạn. Bắt được lượng cá lớn, phải sử dụng trâu kéo cá về nhà. Đìa Dứa là có rất nhiều cây dứa. Đây là loại cây lá có gai dáng như lá thơm nhưng to hơn và dày hơn, màu xanh mướt (không phải loại cây cùng họ với “thơm”, “khóm”).

Đồng là khoảng đất rất rộng lớn, đại bộ phận bằng phẳng, có thể gồm toàn ruộng hoặc vừa ruộng vừa là những vùng hoang chưa khai phá, như Đồng Tràm ở Ấp 7.

Các địa danh ở xã Trung Ngãi chỉ phù hợp với thực tế khi địa điểm đó chưa có nhiều người đến sinh sống. Khi có nhiều người đến sinh sống trong vùng, các đặc điểm về cây cỏ, chim thú được dùng để đặt tên vật thể có thể thay đổi nhiều hay tiêu mất hẳn nhưng địa danh ban đầu vẫn giữ được nguyên.

TRẦN MƯỜI