Tùy bút

Bến sông quê

Cập nhật, 16:05, Thứ Bảy, 05/01/2019 (GMT+7)

Mỗi làng quê đều có một hình ảnh mang đặc trưng riêng, gắn bó với đời sống tình cảm của mỗi người. Nếu như cổng làng cổ kính, cây đa cổ thụ, giếng nước đầu làng… từng tạo nên nét độc đáo của vùng nông thôn Bắc Bộ, thì bến sông quê là nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm trong ký ức của người dân thôn quê miền Tây Nam Bộ.

Do đặc điểm địa lý, Nam Bộ là vùng đất có sông ngòi kinh rạch chằng chịt, cho nên người dân nơi đây sống thật mật thiết với sông nước. Từ lúc bắt đầu mở cõi phương Nam, người Việt đã có ý thức sống thành cộng đồng như chòm, xóm, làng, ấp.

Tùy theo quy mô và đặc điểm mà có cách gọi khác nhau, nhưng dù thế nào đi nữa họ vẫn thường chọn nơi gần sông nước để xây dựng nhà cửa, xóm làng… Ở mỗi căn nhà, người ta thường bắc cầu nơi bến sông để tiện sinh hoạt hay neo đậu xuồng ghe, tàu bè. Nơi đây thường được gọi là bến sông.

Có dịp đi xuồng rong ruổi trên sông rạch, bạn sẽ nhận ra vẻ đẹp của bến sông và nơi ấy đã lưu giữ biết bao nhiêu kỷ niệm tuổi thơ của chúng tôi.

Thường thì bến sông nằm cạnh những cây cổ thụ to lớn, như bóng cây ô môi hoa tím cả một không gian, cây dừa lão nghiêng mình che bóng, hay đó là cây xoài cổ thụ với trái chín vàng tươi trông thật thích mắt.

Lúc còn ấu thơ, mỗi khi có cơn gió nồm Nam thổi mạnh, bọn trẻ chúng tôi nhảy ùm xuống bến sông chờ đợi những trái xoài vàng rực bị gió thổi rụng xuống dòng nước trong vắt.

Khi ấy, chúng tôi tha hồ trổ tài ngụp lặn, thật là vui khi một trong những đứa chúng tôi nhặt được trái xoài đó. Nó như một chiến lợi phẩm thu được từ tài bơi lội.

Hay những buổi trưa hè oi ả, chúng tôi trèo trên cây ô môi cạnh bến sông phóng xuống, tận hưởng một cảm giác lạ. Còn có trò chơi nào thích hơn thế!

Theo tập quán của người miền Tây, bến sông là một trong những nơi sinh hoạt chính của mỗi gia đình, từ việc tắm gội, giặt giũ, đi lại cho đến thu hoạch lúa thóc, cây trái đều diễn ra tại bến sông quê. Khi chiều dần buông xuống, nước sông dâng lên ngập cả cầu bến.

Ba tôi cũng bơi xuồng ra sông cái lớn bắt đầu một đêm câu lưới. Sáng mai ra, khi xuồng câu của ba tôi vừa về bến, mẹ tôi lại chống xuồng đi chợ bán mớ tôm cá mà ba tôi bắt được từ tối đêm qua.

Chị tôi cũng bắt đầu thay mẹ xuống bến sông giặt giũ, rồi chuẩn bị cho bữa sáng. Đứng từ bến sông, bạn có thể cảm nhận được sự thanh bình, yên ả trong đời sống sinh hoạt thường nhật của người dân miền Tây.

Vui nhất vẫn là vào mùa thu hoạch đến, bến sông trở nên nhộn nhịp khác lạ. Những chiếc xuồng chở đầy lúa lần lượt cập vào bến sông của mỗi nhà. Tiếng cười, tiếng nói rộn ràng. Cũng có khi từ bến sông, mẹ tôi chuyển xuống xuồng những mớ trái cây chín vàng để đem đi bán.

Việc mua bán có thể diễn ra trực tiếp trên sông hay đem tận vào trong chợ. Trong những lúc như vậy, bến sông lại càng nhộn nhịp thêm trong không khí ồn ào náo nhiệt.

Có thể nói, bến sông là một hình ảnh tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng nó lại gắn bó với con người dân thôn quê Tây Nam Bộ trong suốt cuộc đời. Thuở nhỏ, cứ sáng sáng, mấy đứa trẻ chúng tôi thường ra bến sông, cùng bạn bè ngồi câu cá.

Có những lúc, chúng tôi ngồi bến sông để đợi mẹ đi chợ về, rồi được mẹ trao cho quà bánh. Lớn lên tới tuổi dựng vợ gả chồng, bến sông lại là nơi đưa đón cô dâu, chàng rể với những tràng pháo cưới nổ giòn tan.

Từ nơi bến sông, cô dâu hớn hở trong nụ cười tươi trẻ được chú rể dìu từng bước nhẹ xuống bến sông để về sinh sống bên nhà chồng.

Đến khi già chết đi về nơi cõi vĩnh hằng cũng được chở trên chiếc ghe ra đi bắt đầu từ bến sông quê. Cũng chính vì vậy, những lúc xa quê, người miền Tây ai cũng nhớ tới bến sông quê của mình.

Thời gian cứ trôi, cuộc sống ngày càng văn minh hiện đại. Thôn quê của người miền Tây Nam Bộ không ngừng phát triển với đường sá được trải nhựa nối dài từ thôn quê đến thành thị.

Theo đó, phương tiện vận chuyển, đi lại bằng đường thủy cũng được thay thế bằng các phương tiện đường bộ. Nhưng trong ký ức của người miền Tây luôn còn lưu lại hình ảnh bến sông quê.

MINH ĐIỀN