Thập kỷ 50- 60 của thế kỷ trước, trong khi cải lương và tân nhạc đã sản sinh ra nhiều tài năng, thì những khuôn mặt tiếng tăm của kịch nghệ (ví dụ thoại kịch) vẫn chưa được nhiều người biết đến.
Thập kỷ 50- 60 của thế kỷ trước, trong khi cải lương và tân nhạc đã sản sinh ra nhiều tài năng, thì những khuôn mặt tiếng tăm của kịch nghệ (ví dụ thoại kịch) vẫn chưa được nhiều người biết đến.
Nghệ sĩ Bảy Nhiêu và 2 con gái Kim Cúc- Kim Lan. Kim Cúc là vợ nghệ sĩ Năm Châu. Kim Lan nổi danh với vai Thị Mầu. Ảnh: Nguồn Internet |
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, vào ngày 20/7/1954, tại Genève (Thụy Sĩ), thực dân Pháp buộc phải ký kết hiệp định đình chiến với Chính phủ ta.
Theo đó Việt Nam tạm phân chia làm 2 miền Nam- Bắc, lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời. Nội dung Hiệp định nghiêm cấm việc đưa quân đội, nhân viên quân sự, vũ khí nước ngoài vào 3 nước Đông Dương.
Riêng tại Việt Nam, thực dân Pháp phải rút quân viễn chinh về nước, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng và chuyển sang thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng thời tiếp tục đấu tranh hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam.
Cùng bối cảnh ấy, nền kịch nghệ miền Nam lúc này đã có một vị trí đáng kể tuy hơi khiêm nhường so với loại hình cải lương và tân nhạc.
Từ cuối thập niên 1950 cho tới những năm 1960, cả miền Nam chỉ có được 2 ban kịch của các kịch sĩ kiêm soạn giả là Ban kịch Vũ Đức Duy và Ban kịch Dân Nam của nghệ sĩ kiêm soạn giả Anh Lân.
Những người trong nghề đến nay còn sống cho biết nghệ sĩ Vũ Đức Duy có một giọng nói thuộc loại “kim pha thổ”, không trầm cũng không trong.
Những vở kịch do ông viết thiên về các mối quan hệ tình cảm gia đình, thường xảy ra trong những môi trường danh giá và trí thức.
Văn chương đối thoại khá trau chuốt, rất ít sự cợt đùa lố bịch, các tình huống kịch tính thường không quá xung đột dữ dội.
Còn nghệ sĩ Anh Lân có giọng sệt nhựa đặc biệt, khó nhầm với một kịch sĩ nào khác. Những vở kịch của ông này lại có những xung đột kịch tính khá mạnh, giằng xé giữa những bất đồng, bi kịch trong gia đình hay xã hội.
Tương tự, có một cột trụ luôn sẵn sàng chống đỡ và tạo nên tiếng tăm cho Ban kịch Dân Nam chính là nghệ sĩ Túy Hoa, đồng thời là phu nhân và cánh tay mặt không thể thiếu của ông bầu Anh Lân.
Nhớ về Túy Hoa, có lẽ người ta phải nhớ đến những vai diễn bà Hội đồng, bà Phủ, bà thông, bà phán quý phái.
Hình như Túy Hoa rất ít đóng vai... nghèo, vì vai nào của bà cũng thấy đeo đầy vàng vòng, diện áo quần bảnh bao.
Anh Lân lại hay đóng vai những ông chồng hiền lành, đến đỗi không thể bảo vệ nổi những điều mà ông cho là đúng, hay những giá trị riêng ông theo đuổi.
Đặc tính chung các vai diễn của Túy Hoa, là lúc nào người ta cũng giao cho bà những vai có tính tình khó khăn, xét nét từng chút lỗi phải của con cái, dâu rể hay người nhà trong gia đình.
Phần cuối kịch bao giờ cũng cho Túy Hoa “tỉnh ngộ” trở thành một con người nhân hậu, sau khi tàn phá thảm thê những gì không vừa ý.
Ví dụ như trong một vài dĩa cải lương, đôi khi Túy Hoa cũng hát cổ nhạc chút ít, cùng với Hữu Phước, Túy Phượng và Út Bạch Lan.
Đáng chú ý, cặp nghệ sĩ Anh Lân- Túy Hoa từng cùng nhau hạ sinh một ái nữ sau này là nghệ sĩ kiêm ca sĩ Túy Phượng.
Với sắc đẹp kiều diễm trời ưu ái trời ban, có lần Túy Phượng đã đoạt giải Hoa hậu trong một kỳ hội chợ. Tiếp đó, nhiều hãng phim đã mời cô đi đóng phim.
Ngoài đi hát và đóng phim, Túy Phượng thường được cha tin tưởng giao đóng những vai chính trong các vở kịch của ông.
Một trong những vai làm cho người yêu kịch nhớ mãi Túy Phượng, là khi cô đóng vai chính trong vở cải lương hài “Đắc Kỷ ho gà” (soạn giả Xuân Phát) thu trên dĩa nhựa.
Trong vở này, Túy Phượng đóng vai nàng Đắc Kỷ. Lại có một thời Túy Phượng nổi danh là nữ hoàng kích động nhạc, nhất là thể loại nhạc Twist.
Một tên tuổi khác có nhiều đóng góp trong thời kỳ kịch nghệ miền Nam ở giai đoạn phôi thai là nữ kịch sĩ Kiều Hạnh.
Với khuôn mặt tròn, sáng, đẹp và phúc hậu, Kiều Hạnh thường được giao cho đóng những vai người vợ đảm đang và nhẫn nhục, khéo chiều chồng hay trong vai những bà mẹ với tình yêu thương bao la dành cho con cái.
Trong khoảng thời gian này, đôi chị em nghệ sĩ Kim Cúc- Kim Lan cũng được giới hâm mộ cải lương và thoại kịch biết đến tài năng. Nghệ sĩ Kim Lan nổi lên từ dạo cô tham gia đóng thành công vai Thị Kính trong phim “Quan Âm Thị Kính”.
Nghệ sĩ Kim Cúc cũng nổi danh với vai Thị Mầu trong cùng phim với Kim Lan. Do Kim Cúc xông xáo hơn, nên chẳng mấy chốc cô gặt hái được nhiều vinh quang trong cả bộ môn cải lương và thoại kịch.
Kim Lan và Kim Cúc vốn là những nghệ sĩ tự do, vì vậy 2 bà thường xuất hiện trong các ban kịch khác nhau.
Có giai đoạn về sau, khoảng đầu thập niên 1970, Kim Cúc đứng ra lập Ban kịch Kim Cúc trình diễn một thời gian trên Đài truyền hình Sài Gòn kênh 9, song không tạo được nhiều nét nổi bật và thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả.
Năm 1955, Ngô Đình Diệm lên làm Tổng thống, thiết lập chế độ độc tài gia đình trị. Ngay vào ngày nhậm chức Tổng thống (26/10/1955), họ Ngô liền tích cực hoạch định ra những chương trình kiến thiết quốc gia.
Một trong những kế hoạch nhằm thu hút tài chính là việc phát hành vé số kiến thiết được xổ hàng tuần. Lúc ấy, ban điều hành công tác cần một bài nhạc cổ động để kích thích sự ủng hộ của quần chúng. Cuối cùng, bài nhạc đoạt giải nhất là bài “Xổ số Kiến thiết” của nhạc sĩ kiêm nghệ sĩ Trần Văn Trạch.
Cứ mỗi chiều thứ ba vào lúc 3 giờ chiều, hầu như máy thu thanh nào cũng đều inh ỏi tiếng nhạc dạo phấn chấn theo điệu Marche cùng giọng ca trầm ấm hào hứng và quyến rũ của ca sĩ Trần Văn Trạch. “…Triệu phú đến nơi năm mười đồng thôi, mua lấy xe nhà giàu sang mấy hồi…
Mua số mau lên! Xổ số gần đến!” Khoảng vào vài năm đầu của thập niên 1970, BTC đã thử cho thay đổi nhịp nhạc và ca sĩ Nhật Trường được mời hát bài “Xổ số kiến thiết” theo một lối hòa âm và phong cách mới nhằm mục đích muốn thay thế giọng ca Trần Văn Trạch cho ra phần “đổi mới”.
Tuy nhiên, nhịp điệu nhạc chậm kém kích thích, vì Nhật Trường chỉ quen hát nhạc tình cảm nhẹ nhàng, nên chỉ được chừng dăm bảy tháng BTC cho phát trở lại tiếng hát Trần Văn Trạch như cũ.
Tới đây, có lẽ nên quay trở lại với người nghệ sĩ mà đã được người đời tôn vinh là quái kiệt Trần Văn Trạch- 1 trong 3 quái kiệt của nền nghệ thuật của miền Nam Việt Nam lúc đó (2 người còn lại thuộc ngành cải lương là quái kiệt Ba Vân và quái kiệt Bảy Xê).
Trần Văn Trạch được tặng cho danh hiệu này do ông có biệt tài vừa là ca sĩ cổ nhạc lẫn tân nhạc, vừa là nhạc sĩ sáng tác và tài nhái âm thanh sự việc, con người hay thú vật thật độc đáo khi có thể nhại làm tiếng gà gáy, tiếng máy bay ầm ì trên trời, tiếng xe hơi chạy vút qua trên vòng đua,
hay tiếng xe lửa chạy xình xịch trên đường ray, hoặc tiếng vỗ tay vang dội của khán giả. Một trong những tiết mục nhái giọng tuyệt diệu nhất, là khi ông giả vai 2 tài tử Hong Kong Nghiêm Thuấn và Lý Lệ Hoa giống như thật.
Nghệ sĩ Trần Văn Trạch không chỉ diễn hài mà còn có thể hát vọng cổ rất mùi, bởi sinh quán ông ở Mỹ Tho, nhưng ông hát tân nhạc càng tuyệt vời hơn.
Khán giả lớn tuổi tới nay vẫn khó quên được bài hát “Chiều mưa biên giới” qua giọng ca trầm ấm nhưng cao vút của Trần Văn Trạch trong những buổi đại nhạc hội.
Ông cũng chính là người tiên phong mở màn cho hình thức đại nhạc hội, là người phát minh danh từ “Đại nhạc hội”, với nhiều tiết mục phong phú khác nhau từ ca nhạc, múa, hài kịch lẫn bi kịch, ảo thuật, xiếc, v.v…
Sở dĩ người ta xếp Trần Văn Trạch vào những nghệ sĩ thuộc kịch nghệ, vì chính ông là người khai sáng ra môn độc tấu hài hước, mà ngày nay người ta hay gọi chung là tấu hài.
NGUYỄN SINH (TP Hồ Chí Minh)
(Còn tiếp)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin