Chuyện kháng chiến

Con chó trong kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam

Cập nhật, 23:07, Thứ Hai, 19/02/2018 (GMT+7)

 

 Chó nghiệp vụ được quân đội Mỹ sử dụng trong cuộc chiến ở Việt Nam (ảnh internet)
Chó nghiệp vụ được quân đội Mỹ sử dụng trong cuộc chiến ở Việt Nam (ảnh internet)

Chó là loại thú được con người thuần dưỡng từ rất lâu. Chúng thông minh và gần gũi với con người, đặc biệt rất trung thành với người nuôi dạy. Thế nhưng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta ở miền Nam, số phận con chó vô cùng long đong.

* Quân đội Mỹ sử dụng chó trong chiến tranh ở Việt Nam

Theo nhiều tài liệu, quân đội Mỹ chính thức sử dụng chó phục vụ trong chiến đấu khi tham gia Thế chiến lần thứ 2.

Ban đầu, chó được chọn lọc và huấn luyện kỹ để thành chó nghiệp vụ chuyên dùng cứu người, sau đó mới phát triển đi tìm mục tiêu và tiến công đối phương. Các con chó này cũng có cấp bậc và… lương, chết được chôn như người.

Khi họ tham chiến ở miền Nam Việt Nam, đến năm 1966, số lượng chó nghiệp vụ trong đội quân xâm lược này tăng lên đến 5.000 con, gấp đôi số lượng hiện nay trong quân đội Mỹ.

Các con chó nghiệp vụ được biên chế trong các đội thám báo- truy lùng đặc biệt để chống lại cuộc chiến tranh du kích của quân dân ta.

Các đội này được tổ chức thành tiểu đội và trung đội, hoạt động theo toán 5 binh sĩ với 2 chó nghiệp vụ bố trí đi theo các lữ đoàn, sư đoàn trên khắp chiến trường miền Nam Việt Nam, kể cả Trung đoàn Kỵ binh bay số 11.

Nhiệm vụ cụ thể của các nhóm thám báo- truy lùng trên đúng như tên gọi của nó là phát hiện mục tiêu và truy lùng địch quân.

Theo cơ quan nghiên cứu chiến thuật quân đội Mỹ CORG thì hoạt động của các đội này ban đầu bị coi là thất bại, bởi khi chó phát hiện mục tiêu thì sủa ầm lên nên bị lộ.

Còn theo một báo cáo tổng quan không ghi ngày tháng trong kho lưu trữ quốc gia tại ĐH Park Maryland thì: “Các “thợ săn” không thể xác minh đối tượng mà họ phát hiện trong đêm tối, trong và sau các cơn mưa tầm tã, theo dấu và bám đối phương trên các con đường mòn là bất khả thi”.

Họ cũng xác nhận các đội truy lùng này ngày càng không hiệu quả, bởi đối phương có lắm cách vô hiệu khứu giác rất nhạy bén là thế mạnh của các con chó.

Trên thực tế chiến trường, các đội thám báo- truy lùng có chó khi phát hiện đối phương nếu quân số đội đông hơn thì phát động tiến công còn ít hơn thì rút êm rồi kêu phi pháo đánh phá, thậm chí kêu máy bay dội bom napalm để tiêu hủy.

Chính vì vậy họ thường lạm sát dân thường để lấy chiến tích. Cũng như các người lính trong cuộc chiến, khoảng 300 chó nghiệp vụ đã thiệt mạng trong cuộc chiến ở miền Nam Việt Nam, không thấy tài liệu nào ghi chép cách Quân đội Mỹ xử lý xác các các con chó nghiệp vụ này.

Cũng như đội quân Mỹ xâm lược, quân đội của chính quyền Sài Gòn tổ chức các đội thám báo- truy lùng có chó nghiệp vụ. Các con chó này được gọi với cái tên nghe rất kêu là “quân khuyển”.

Các đội quân khuyển được địch khoe mẽ trong các dịp diễu binh. Chúng đi có hàng ngũ, mỗi con có một lính huấn luyện đi kèm, trên thân các con chó đều khoác áo choàng, con nào có “công trận”(?) còn được gắn cả huy chương trên đó! Đội quân chó này được người xem chú ý hơn cả mấy chiếc xe tăng mới cáu vừa được quân Mỹ trang bị cho…

* Con chó trong cuộc chiến đấu của quân dân ta

Không biết các đội thám báo- truy lùng có chó nghiệp vụ của quân Mỹ và quân Sài Gòn tác chiến như thế nào ở các chiến trường khác, chớ các đội này hoạt động riêng lẻ hay theo các đơn vị bộ binh đi càn quét ở tỉnh Vĩnh Long rất hiếm thấy.

Mà nếu có cũng chẳng ai sợ, bởi ở địa hình vùng căn cứ của ta, các bãi “tử địa” ở khắp nơi và được bố trí thiên la địa võng chông mìn, lính đi càn láng cháng còn sập bẫy nói chi đến mấy con chó dù là chó nghiệp vụ, chúng mà sục sạo theo hơi người thì không sụp hầm chông cũng vướng lựu đạn nổ banh xác.

Có một mẹo đơn giản để chống lại chó mà cán bộ bám trụ tại vùng căn cứ nào cũng biết là trong các hầm bí mật nên tự trang bị cho mình một gói tiêu bột, địch càn mà nghe có tiếng chó sủa thì rải tiêu gần hầm, chó mà bị sặt hơi tiêu sẽ chẳng còn “mần ăn” gì được nữa, còn như nếu không có tiêu thì dùng đất sìn bôi lên người là chó…mất dấu!

Có một anh du kích ở huyện Vũng Liêm kể rằng: một lần giặc càn rút đi trời đã về chiều, bà con bám trụ ngoài chòi đồng vào kêu họ ra bắt…chó! Thì ra đó là một chú chó nghiệp vụ bị nổ thủ pháo thoát chết hồn phi phách tán cứ chạy như điên ngoài đồng khiến tên lính huấn luyện đi theo bó tay đành bỏ lại…

Thật ra con chó trong các chiến thuật du kích là điều gần như cấm kỵ, chó người dân nuôi trong xóm thường làm cho các hoạt động du kích của ta mất hết tính bí mật, vì vậy trong các vùng giải phóng hay vùng tranh chấp mà thế của ta mạnh không thấy bóng con chó nào.

Tại các vùng trên, các gia đình nuôi chó nếu thương quá thì gởi chúng cho người quen ở các vùng địch còn kiểm soát, bởi ở đây địch khuyến khích nhà nhà nuôi chó để khi lực lượng ta đột nhập thì tiếng chó sủa giúp chúng phát hiện, nhưng đó là con dao hai lưỡi địch đi tuần tra hay phục kích chó cũng sủa theo các bước chân của chúng.

Có một chuyện liên quan tới những việc như vậy: trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, quân ta về mở vùng tại các xã cù lao của huyện Long Hồ ngày nay, tại gia đình bà Ba ở ấp Phước Định (xã Bình Hòa Phước) theo sự vận động của ta đã đem con chó cưng gởi tại nhà bà con ở gần bến đò Đình Khao phía xã Thanh Đức, hai nơi nầy cách nhau bởi con sông Cổ Chiên rộng cả cây số, nhưng 3 ngày sau không hiều bằng cách nào con chó nầy trở về nhà ngoắc đuôi mừng chủ khiến các anh bộ đội ngạc nhiên phì cười…

Thỉnh thoảng cũng nghe một vài đồn địch nuôi chó hay ngỗng để chống quân ta đột nhập, bộ đội đặc công có nhiều bí quyết khóa mỏ các con vật nầy rất hiệu nghiệm…

 Trong cuộc sống của nhân dân ta qua các thế hệ, nhiều gia đình có thú vui nuôi chó để giử nhà, đi săn và cả làm làm một loại…thực phẩm thượng thặng – khô thịt chó có người ví như “khô lân” đối lại với món “chả phụng” của vua chúa trong truyền thuyết -  nhưng trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược vừa qua với thế trận toàn dân tham gia chiến lươc chiến tranh nhân dân toàn diện và lâu dài đành phải hy sinh thú vui đó, nên số phận các con chó rất long đong.

Các thời điểm đó chó bị di tản bằng nhiều cách ra khỏi các vùng kháng chiến, kể cả bị làm…thịt! Có một câu chuyện vui tại vùng kháng chiến ở tỉnh Bình Định trong thời chống Pháp: để tiết kiệm lương thực, chính quyền kháng chiến địa phương vận động nhân dân không dùng gạo làm các thứ bánh và không nuôi chó để hưởng ứng các hoạt động du kích.

Cấm thế nhưng cũng có người vẫn lén làm bánh tráng là một thứ bánh rất quen thuộc tại đây, nhà thơ Yến Lan phát hiện như vậy nên trong một dịp tết đã ra một vế đối: “Bánh tráng sao lại đi…bán tránh!”.

Trong lúc chưa ai đối lại được, nhà thơ một lần đi công tác gặp môt nhóm thanh niên thực hiện chủ trương không nuôi chó đang làm thịt một con chó chợt nghĩ ra vế đối lại khá ổn: “Cầy tơ nhưng phải hạ…cờ tây !”.

Còn người miền Tây Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ không làm vế đối mà có hẳn một chuyện tiếu lâm nhan đề “Cá kho ngon hơn thịt chó !”. Chuyện rằng: một cô vợ cán bộ vào vùng giải phóng thăm chồng, biết ý chồng chị mang theo mấy gói thuốc lá thơm hiệu Ruby kèm theo một chai rượu nếp và ký thịt chó.

Được vợ thăm quá vui lại có mồi bén anh chồng cùng các bạn đánh chén sạch rượu rồi say bí tỉ ngũ luôn tới sáng đến nổi vợ về hồi nào chẳng hay (hồi ấy các bà vợ đi thăm chồng ra về rất sớm để tránh lúc giặc càn bị kẹt lại gây khó khăn cho chồng, còn một lẽ khác rất tế nhị là các bà hay…mắc cở !).

Rút kinh nghiệm, lần sau bà vợ tay không đi thăm chồng, anh chồng mừng húm nhưng rồi phải đi tát cá để kho mà đãi cơm cho vợ. Lần đó anh chồng cũng quá vui nên ăn ít cơm đến đêm xót ruột không ngũ được, nhưng sáng ra bà xã rất…hài lòng, nên mới có chuyện: cá kho ngon hơn thịt chó !

“Phân chó”: vũ khí bí mật của quân đội Mỹ

 

Thật ra đây là một thiết bị thu phát sóng Radio, thông thường là tín hiệu Morse, có tên “Dog Doo T – 1151” đã được quân đội Mỹ dùng trong chiến tranh ở Việt Nam. Là một loại vũ khí được họ xếp vào loại “Mật”, nó dài khoảng 10 cm, cao 2,5 cm có hình dạng và màu sắc như một bãi phân chó hay phân khỉ để ngụy trang nên có tên như thế, phát hiện nó rất khó. Họ dùng máy bay bí mật rải hàng ngàn thiết bị T - 1151 dọc theo đường Trường Sơn hay những nơi họ muốn theo dỏi để thu tiếng nói, tiếng động trong hoạt động của các lực lượng ta. Nhiều đơn vị khác nhau, kể cả cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) có nhiệm vụ nhận và xử lý các vụ việc qua tín hiệu thu được từ T – 1151 bằng cách dội bom, bắn pháo hủy diệt hay cử các đơn vị đặc biệt đến nơi đó..  

HỒNG VÂN