Họa sĩ Lê Xuân Giang

Từ giấc mơ người lính đến khát vọng ra biển lớn

Cập nhật, 06:29, Thứ Sáu, 16/02/2018 (GMT+7)

Khi đứng trên giảng đường, anh cháy hết mình truyền lửa cho học trò với màu sơn, cọ vẽ. Lúc ở nhà, anh lại lụi cụi, tỉ mẩn chế tạo mô hình.

Tại triển lãm mô hình trên khắp các nước, người ta lại bắt gặp anh mặc chiếc áo in dòng chữ Paracel (Hoàng Sa) huyên thuyên về đề tài người lính và nỗi niềm với quê nhà. Một người trẻ đặc biệt, chạm vào giấc mơ theo cách rất khác biệt. Anh là họa sĩ Lê Xuân Giang (sinh năm 1985 tại TP Vĩnh Long).

Mô hình “Chợ nổi” đạt Huy chương bạc tại Triển lãm mô hình quốc tế ở Đài Loan (Trung Hoa) năm 2016.
Mô hình “Chợ nổi” đạt Huy chương bạc tại Triển lãm mô hình quốc tế ở Đài Loan (Trung Hoa) năm 2016.

Trưởng thành với giấc mơ người lính

Mẹ họa sĩ Lê Xuân Giang- nhà thơ Dương Thanh Thanh- kể rằng hồi nhỏ anh chỉ có sở thích duy nhất là vẽ, vẽ và vẽ.

Căn nhà cũ của anh chi chít những vệt nguệch ngoạc trên nền gạch tàu bằng than đen và những mẫu phấn vụn. Hộp màu, cục đất sét vương vãi những góc nhà.

Thuở bé, Lê Xuân Giang đã có cảm tình đặc biệt với người lính. Anh lớn lên với dòng ký ức về ông nội- người lính hy sinh trong Chiến dịch Mậu Thân 1968.

Nhà gần doanh trại bộ đội, nên cậu bé Giang thường xuyên qua chơi vào những lúc các chú bộ đội được rảnh rỗi. Bản lĩnh của người lính là điều mà anh luôn tìm kiếm.

Như một sự biết ơn vì những người đang cống hiến cho đất nước và niềm an ủi cho chính bản thân, anh dùng cả trái tim để vẽ lên “giấc mơ” người lính.

Với đề tài “Hình tượng người chiến sĩ trong hội họa Việt Nam”, anh tốt nghiệp thủ khoa năm 2009, Khoa Sơn dầu Trường ĐH Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh.

Nói về bức tranh tốt nghiệp có tên “Giấc mơ”, anh giải thích: Sinh ra là đứa trẻ có khiếm khuyết, nhưng sâu thẳm trong đứa trẻ đó là ngọn lửa luôn rực cháy niềm khao khát vươn lên để sống mạnh mẽ và bản lĩnh, đương đầu với khó khăn. Giấc mơ thời thơ ấu vẫn cháy bỏng đến lúc trưởng thành: được làm chiến sĩ!

Mô hình “Ngày về” sống động mô tả bức tranh tình cảm ngày đoàn tụ của người chiến sĩ với gia đình. Ảnh nhân vật cung cấp
Mô hình “Ngày về” sống động mô tả bức tranh tình cảm ngày đoàn tụ của người chiến sĩ với gia đình. Ảnh nhân vật cung cấp

Tính nghệ sĩ là bản năng nhưng điều tạo nên một nghệ sĩ thực thụ lại là khổ luyện. Hình ảnh người lính trong tranh của Lê Xuân Giang sống động đến từng chi tiết nhỏ nhất như: nếp nhăn, nụ cười, từng biểu cảm trên gương mặt.

Nó không chỉ đến từ sự rung động của tâm hồn mà còn là tình cảm được đúc kết bởi sự gắn bó. Anh từng một mình vác ba lô vượt cả ngàn cây số đến sống ở doanh trại thuộc Hải quân Vùng 4 suốt mấy tháng trời.

Nếm trải nắng gió, bão tố miền Trung, kỷ luật nhà binh, điều ám ảnh anh nhất là câu nói của một người lính trẻ: “Anh họa sĩ, cho em xin bức chân dung của em để em gởi về cho mẹ. Lỡ có gì… mẹ nhìn cho đỡ nhớ…”

“Người lính dù thời chiến hay thời bình vẫn có thể chỉ trong chớp mắt sẽ phải đối diện ở lằn ranh sống- chết.

Lạc quan nhưng ý thức được trách nhiệm của mình sẽ đến nơi đầu sóng ngọn gió, bảo vệ từng bãi đá, từng đảo, hòn trên vùng biển quê hương. Mang về những cảm xúc từ chuyến đi thực tế… tôi đã vẽ “Giấc mơ” như thế- Lê Xuân Giang bồi hồi.

Mang bóng dáng quê nhà ra thế giới

Mất đến 4- 5 tháng để hoàn thành một mô hình tỉ mỉ từng chi tiết và chính xác câu chuyện lịch sử sau nó.
Mất đến 4- 5 tháng để hoàn thành một mô hình tỉ mỉ từng chi tiết và chính xác câu chuyện lịch sử sau nó.

Chúng tôi đến thăm họa sĩ Xuân Giang vào ngày trời chuyển mình se se lạnh. Góc làm việc ấm áp bởi chiếc đèn lớn trên trần nhà và những chiếc đèn nhỏ bao quanh nơi anh ngồi.

Anh cần đủ sáng để nắn nót mô hình người lính, chi tiết đến từng biểu cảm trên gương mặt, đúng loại bánh xe, nút gài trên bao đạn, loại súng mang trên vai, hay tỉ mỉ đến chiếc lá rụng dưới chân, dòng nước chảy bên cầu. Nghệ thuật sáng tạo mô hình đòi hỏi độ chính xác cao để đặc tả một không gian đa chiều với tỷ lệ thu nhỏ rất nhiều lần.

Để hoàn thành một mô hình, người sáng tạo phải kỳ công trải qua rất nhiều bước: tìm ý tưởng, xây dựng kết cấu, ước đoán tỷ lệ chi tiết, phác thảo, thực hiện từng mô hình, làm địa hình cho tiểu cảnh, đắp đất sét, thạch cao, sơn phết tạo hiệu ứng,…

Riêng về đề tài lịch sử, quân sự mà anh Xuân Giang theo đuổi, ngoài việc phải am hiểu mỹ thuật, kiến trúc, cơ khí, quy hoạch không gian, hóa chất… anh còn phải đào sâu nghiên cứu lịch sử, chính trị, xã hội… Vì thế anh nói những ai đam mê nghề này thì “không được mắc bệnh đại khái, không thể qua loa”.

Năm 2009, họa sĩ Lê Xuân Giang đạt giải ba tại Triển lãm Mỹ thuật ĐBSCL với bức tranh “Phút nhớ nhà”, nhận bằng khen của UBND tỉnh Vĩnh Long dành cho hội viên có thành tích xuất sắc trong hoạt động văn học nghệ thuật. Mô hình “Chợ nổi” đạt Huy chương bạc tại Triển lãm mô hình quốc tế ở Đài Loan (Trung Hoa) năm 2016 và mô hình “Đại bàng hạ cánh” đạt Huy chương vàng tại Triển lãm mô hình quốc tế ở Malaysia năm 2017.

Chập chững sáng tạo mô hình từ năm 2009, từ một sở thích đã dần trở thành một phần trong cuộc sống của anh. Để tìm hiểu về câu chuyện lịch sử phía sau một mô hình, anh phải tự học qua sách báo, Internet, tìm gặp cựu chiến binh… 

Anh nói vui, đây là “quá trình học lịch sử ngược”. Quá trình này có khi mất đến 4- 5 tháng để cho ra đời một mô hình. Những nỗ lực của anh được ghi nhận khi bài viết về mô hình xuất hiện trên nhiều tạp chí quốc tế và các mô hình vượt ra khỏi Việt Nam, đến Nhật Bản, Malaysia, Đài Loan,…

Hiện thực giấc mơ mang mô hình Việt Nam ra thế giới, Lê Xuân Giang cho ra đời đứa con tinh thần “Paracel”. Anh nói: “Khi giao lưu với những người bạn quốc tế, cần một cái tên để họ nhớ ngay đến mình. Paracel là tên gọi quốc tế của Quần đảo Hoàng Sa. Đó cũng là cách để truyền thông điệp, khẳng định Paracel là của Việt Nam”.

Không thể trực tiếp trở thành người lính, người họa sĩ trẻ vẫn luôn tìm cách chạm đến “giấc mơ” người lính. Con đường anh đang đi không hề cô đơn vì luôn có ngọn lửa đam mê và tinh thần trách nhiệm dẫn lối.

Cách anh đến với cuộc đời: mạnh mẽ, bền bỉ và hữu ích như cách anh nói về “giấc mơ”: “Người lính là biểu tượng của sự dũng cảm, bản lĩnh đương đầu và vượt qua mọi khó khăn”. 

Trả lời phỏng vấn của TS. Adrian Leguina- ĐH Manchester (Anh Quốc), họa sĩ Lê Xuân Giang nói: Chúng tôi luôn là chứng nhân thầm lặng trong cuộc chiến ở các thời đại. Tuy nhiên, vai trò của chúng tôi không chỉ là chứng kiến mà còn là giáo dục thế hệ sau thông qua câu chuyện bằng mô hình. Câu chuyện đó không chỉ có chiến tranh mà còn về vẻ đẹp của cuộc sống, của con người kiên cường chống chọi trong những hoàn cảnh khó khăn.

THÚY QUYÊN- PHƯƠNG THÚY